Vay tiền mua nhà thời siết tín dụng bất động sản: Lãi suất thế nào, có khó vay?
Việc sở hữu một căn nhà/ chung cư ở các thành phố lớn là mơ ước của nhiều người, song giấc mơ này có trở nên xa vời trong bối cảnh tín dụng bất động sản bị siết chặt và mặt bằng lãi suất đang tăng?
Lãi suất vay mua nhà tại các ngân hàng vẫn duy trì mức từ 4,99%-8,99%/năm
Khảo sát của chúng tôi tại một số ngân hàng thương mại trong nước, mức lãi suất cho vay mua nhà thấp nhất hiện nay là 4,99%/năm của ngân hàng MSB. Đây là mức lãi suất cạnh tranh so với các gói cho vay mua nhà trên thị trường và được ngân hàng áp dụng đến hết tháng 12 năm nay. Tuy nhiên, khách hàng được vay với lãi suất 4,99% chỉ cố định trong 3 tháng đầu và yêu cầu khoản vay phải có thời hạn trên 24 tháng. MSB cũng cho phép vay 90% giá trị tài sản đảm bảo.
PVCombank cũng duy trì mức lãi suất cạnh tranh không kém, chỉ 5%/năm cố định trong 6 tháng đầu. Khi hết thời hạn hưởng ưu đãi, lãi suất sẽ được cố định là 12%/năm từ tháng thứ 7 trở đi. Hạn mức cho vay tối đa của ngân hàng này lên tới 85% giá trị tài sản đảm bảo, thời hạn vay tối đa là 20 năm.
Một ngân hàng khác cũng có lãi suất vay mua nhà thấp là VPBank với lãi suất ưu đãi từ 5,9%/năm với các kỳ hạn linh hoạt. Cùng mức lãi suất này, khách hàng có thể lựa chọn gói vay tại ngân hàng TPBank với giá trị vay được cho phép là 90% giá trị tài sản đảm bảo trong thời hạn 20 năm.
Vài nhà băng khác cũng chào các gói lãi suất vay mua nhà tương đối hấp dẫn như Woori Bank với 5,9%/năm, Hong Leong Bank là 6,19%/năm, HSBC và BIDV cùng đưa ra mức lãi suất 6,2%/năm.
Trong khi đó, Sacombank và VIB hiện là 2 ngân hàng có lãi suất cho vay mua nhà nhỉnh hơn mặt bằng chung, lần lượt là 8,5%/năm và 8,3%/năm. Mặc dù lãi suất cho vay tại các ngân hàng này tương đối cao, song khách hàng có thể vay tối đa 100% giá trị tài sản đảm bảo. Thời hạn cho vay tương đối dài lên tới 25 - 30 năm nhằm hỗ trợ khách hàng giảm bớt gánh nặng tài chính hàng tháng.
Ngoài ra, một số ngân hàng liên kết với các dự án bất động sản còn đưa ra mức lãi suất ưu đãi 0% cho các khách hàng. Chẳng hạn hiện Techcombank cho vay tất cả các dự án thuộc Vinhomes, Ecopark và trung tâm Masteri. Ngân hàng hỗ trợ mức lãi suất 0% trong thời gian lên tới 24 tháng cho các dự án của Vinhomes và 30 tháng cho các dự án Masteri. Ngân hàng Quân đội MB cũng kết hợp với Vinhomes cho vay lãi suất ưu đãi 0%/năm cho khách hàng có nhu cầu vay vốn mua bất động sản, mức vay tối đa lên tới 80% giá trị tài sản đảm bảo, thời hạn vay vốn tối đa 35 năm, thời gian áp dụng mức lãi suất ưu đãi sẽ tùy vào từng dự án.
Hay như dự án Dream Home của Ngân hàng OCB được tư vấn bởi Tập đoàn BCG có thời hạn cho vay lên tới 30 năm, lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,99%/năm, cho vay bù đắp đến 24 tháng, ân hạn gốc lên đến 12 tháng, linh hoạt chứng từ chứng minh nguồn thu nhập lên đến 3 tỷ đồng. Với Dream Home, số tiền phải trả ở những năm đầu sẽ trở nên hợp lý hơn, rơi vào khoảng 12-13 triệu đồng/ tháng - tương đương giá thuê một căn hộ chung cư tầm trung ở thành phố.
Siết tín dụng bất động sản, các ngân hàng sẽ hạn chế cho vay?
Thị trường Bất động sản đã trải qua một giai đoạn tăng nóng và các ngân hàng đang quản lý chặt chẽ tín dụng đối với thị trường này. Bên cạnh đó, trong bối cảnh lãi suất huy động có xu hướng tăng đã khiến cho nhiều người lo lắng việc sở hữu một căn nhà ở các thành phố lớn sẽ là một giấc mơ xa vời.
Vợ chồng anh V.T.Kiên (Hà Nội) đang có nhu cầu mua căn hộ tại dự án ở Nam Từ Liêm. Do không đủ khả năng tài chính, anh Kiên buộc phải vay 1 tỷ từ ngân hàng. Theo tính toán, hàng tháng vợ chồng anh Kiên sẽ phải trả 12-15 triệu tiền lãi cho khoản vay này trong vòng 20 năm. Trước thông tin các ngân hàng siết cho vay bất động sản, anh Kiên lo lắng nếu không có sự hỗ trợ tài chính thì anh khó có thể sở hữu một căn nhà ở Hà Nội.
Cũng tương tự trường hợp của gia đình anh Kiên, vợ chồng anh N.H.Nam (Hà Nội) dự định mua một căn chung cư ở Hà Nội và cần vay ngân hàng 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, vợ anh Nam chia sẻ từ sau đại dịch Covid-19, công việc làm ăn khó khăn hơn, lương tháng của hai vợ chồng sau khi chi tiêu hàng ngày, cho con cái cũng không còn lại bao nhiêu. Gia đình anh Nam lo ngại nếu mua nhà thì sức ép tài chính ngày càng lớn vì phải trả lãi ngân hàng trong bối cảnh lãi suất cho vay có xu hướng tăng. Thêm vào đó, việc các ngân hàng siết tín dụng bất động sản khiến vợ chồng anh đau đầu cân nhắc lựa chọn ngân hàng phù hợp để vay vốn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia và lãnh đạo ngân hàng, việc một số ngân hàng tạm ngừng giải ngân lĩnh vực bất động sản chỉ là chính sách riêng biệt, nội bộ của những tổ chức tín dụng này. Trong khi đó, nhiều ngân hàng TMCP cho hay, vẫn còn nhiều dư địa mở rộng cho vay và sẽ tăng cường cho vay lĩnh vực này thời gian tới.
Đại diện OCB cho biết, đến cuối năm 2021, tổng dư nợ cho vay bất động sản tại ngân hàng ở mức 32% nhưng hơn 70% trong số này là cho vay mua nhà ở, chỉ có 9% cho vay liên quan đến các dự án bất động sản. Thời gian tới ngân hàng vẫn tăng cường cho vay bất động sản nhưng chú trọng giải ngân cho khách hàng có nhu cầu mua nhà để ở.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cũng chia sẻ, siết tín dụng vào lĩnh vực bất động sản khi thị trường này tăng trưởng nóng là điều cần thiết. Tuy nhiên, bất động sản đã, đang và sẽ là lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, đặc biệt là với hệ thống ngân hàng thương mại. Nhu cầu mua nhà để ở của người dân là nhu cầu chính đáng và không bị siết.
"Hiện cho vay kinh doanh bất động sản chiếm chưa tới 10% tổng dư nợ, cho vay cá nhân mua nhà chiếm 40% tổng dư nợ tín dụng bán lẻ của VPBank. Bản chất của bất động sản là nhu cầu thiết yếu, nên thời gian tới, Ngân hàng sẽ tiếp tục coi trọng lĩnh vực này", ông Vinh cho biết.
Theo ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng giám đốc ABBank, một số ngân hàng phải tạm ngừng cho vay bất động sản do cho vay quá nhiều trong thời gian qua. ABBank không bị rơi vào trường hợp này do tỷ trọng cho vay kinh doanh bất động sản tại Ngân hàng còn thấp (cho vay kinh doanh bất động sản chiếm 6% tổng dư nợ, cho vay nhà ở chiếm 17% tổng dư nợ).
Lãnh đạo nhiều NHTM khác cũng cho hay, dù không tạm dừng cho vay bất động sản, song ngân hàng có xu hướng thẩm định chặt chẽ hơn, chọn lọc hơn. Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hùng cũng cho biết, các ngân hàng chỉ dừng cho vay phân khúc đầu cơ, vẫn cho vay với người dân có nhu cầu mua nhà ở thật, các dự án tốt.
Việc siết tín dụng chảy vào những lĩnh vực rủi ro như bất động sản cần được thực hiện có chọn lọc để tránh những hệ lụy khó kiểm soát cho toàn bộ nền kinh tế. Ảnh hưởng đầu tiên sẽ là người thực sự có nhu cầu sở hữu bất động sản. Bất động sản để ở là nhu cầu chính đáng của người dân, đặc biệt là trong bối cảnh tỷ lệ sở hữu nhà của người dân Việt Nam còn rất thấp, nhu cầu về nhà ở hiện tại và tương lai rất lớn.