Vật cực tất phản: Nghịch cảnh là cơ hội tốt nhất để tôi luyện bản thân

Chia sẻ Facebook
28/08/2022 18:50:48

Cổ nhân giảng: “Vật cực tất phản”, ý nói một sự việc khi đi đến điểm cực độ thì sẽ có thay đổi, từ tốt chuyển thành xấu, từ xấu lại chuyển...


Cổ nhân giảng: “Vật cùng tắc biến”, “Vật cực tất phản”, ý nói một sự việc khi đi đến điểm cực độ thì sẽ có thay đổi, từ tốt chuyển thành xấu, từ xấu lại chuyển thành tốt. Cho nên con người ta càng ở vào lúc vô vọng, thì càng cần giữ vững ý chí bản thân, bởi vì rất có thể là hy vọng đang ở ngay trước mắt. Nghịch cảnh đồng thời cũng chính là cơ hội tốt để tôi luyện bản thân, đạt được sự thăng hoa cao độ, giống như bướm nở ra từ kén của sâu vậy.

(Ảnh: Ken Phung, Shutterstock)


Trong Chu Dịch có hai quẻ là Bĩ và Thái. Quẻ Bĩ chỉ điều không thuận lợi, sự bế tắc. Trong thời điểm bế tắc, đạo người không thông, thiên hạ không lợi, bởi thế đạo suy vi nên người quân tử càng nên gìn giữ sự ngay chính. Quẻ Thái là thuận lợi, suôn sẻ, hanh thông. Có câu: “Bĩ cực Thái lai” , khi nghịch cảnh đi đến cuối cùng, đạt đến mức cực điểm thì sẽ chuyển sang hướng thuận cảnh, cũng chỉ vận xấu đi đến cực điểm thì vận may sẽ đến. Tuy nhiên muốn sự việc diễn hóa như vậy thì điểm mấu chốt là “gìn giữ sự ngay chính” , không ngừng tu dưỡng bản thân, không để lương tri trôi theo dòng nước.

Trong lịch sử có nhiều ví dụ minh chứng cho điều này. Trên phương diện cố gắng cá nhân mà nói, thì Khương Tử Nha có lẽ là ví dụ nổi tiếng nhất.

Khương Tử Nha là vị quân sư tài ba có công lớn giúp Chu Văn Vương diệt nhà Thương, dựng lập nhà Chu. Nhưng trước khi gặp Chu Văn Vương, Khương Tử Nha từng sống nghèo khổ, bị vợ bỏ và phải mưu sinh rất cơ cực.


Gia thế của Khương Tử Nha vô cùng hiển vinh, tiếng tăm lừng lẫy. Tổ tiên của ông làm đến chức Tứ Nhạc, có công giúp vua Hạ Vũ trị thủy. Sử ký xác định tổ tiên của ông được phong ở đất Lã vào khoảng thời vua Thuấn đến thời nhà Hạ, do đó gia tộc ông lấy Lã làm họ. Nhưng khi Khương Tử Nha ra đời, gia cảnh nhà ông đã ở vào lúc suy tàn, khánh kiệt, nghèo nàn. Trong “Thuyết uyển – Tôn hiền” của Lưu Hướng thời Hán có ghi lại rằng: Thời trẻ, Khương Tử Nha từng bán thịt, bán rượu, bán bột mỳ kiếm sống.


Trong “Chiến quốc sách” lại chép rằng Khương Tử Nha từng đi ở rể gia đình nhà vợ, nhưng bởi vì ông không giỏi mưu sinh, làm việc gì kiếm sống cũng không được như ý, nên bị gia đình vợ đuổi ra khỏi nhà.


Có sách còn kể về việc Khương Tử Nha từng đi bán bột mỳ kiếm sống như sau. Một lần, ông mua bột mỳ đem đến trấn Khẩu Tử bán. Ông cất tiếng rao hàng từ sáng sớm đến tận lúc mặt trời xuống núi mà không có một người nào hỏi mua. Khương Tử Nha thất vọng ngửa mặt lên trời thở dài một tiếng: “Trời ơi!” Không ngờ, khi ông vừa ngửa mặt lên há miệng ra than thì bị phân chim rơi xuống đầu. Ông vội vàng tới bờ sông để rửa thì bỗng nhiên một trận cuồng phong nổi lên, chiếc sọt đựng bột của ông vì vậy mà đổ. Số bột mỳ bị gió thổi bay.


Bởi vì gia cảnh bần cùng nghèo khó, nên vợ ông là Mã thị sinh lòng ghét bỏ ông, muốn đuổi ông ra khỏi nhà. Khương Tử Nha khuyên vợ rằng: “Ta chắc chắn sẽ có ngày được hưởng vinh hoa phú quý, nàng đừng làm như vậy!” Mã thị khinh thường không nghe.


Dù cuộc sống cùng cực như vậy nhưng Khương Tử Nha lại “người cùng, chí không cùng”. Cho dù là buôn bán làm ăn kiếm sống, xem bói tạm qua ngày, ông vẫn siêng năng chịu khó một lòng học tập về thiên văn địa lý, quân sư mưu lược, nghiên cứu con đường trị quốc an bang.

Tương truyền rằng, sau nhiều năm ngồi câu cá chờ thời cơ bên bờ sông Vị Thủy, đến năm 72 tuổi Khương Tử Nha mới gặp được Tây Bá Hầu Cơ Xương, tức Chu Văn Vương sau này. Cơ Xương cho rằng Khương Tử Nha là bậc kỳ tài nên lập tức mời ông lên xe theo mình, đồng thời cũng bái ông làm thầy. Khương Tử Nha bấy giờ mới bắt đầu nghiệp lớn của mình.


Sống trên đời khó tránh gặp phải những lúc thăng trầm khó khăn hoặc những khi mâu thuẫn với người khác. Người xưa có câu: “Đời người mười việc thì có đến tám chín việc là không như ý, hơn nữa tìm được tri âm để dốc cạn cõi lòng thì chẳng có đến hai ba người”. Những khổ sở của bản thân chỉ tự mình biết, cho nên càng ở vào lúc bị “dằn vặt dày vò”, càng cần phải có tín niệm kiên định và một ý chí mạnh mẽ.

Càng ở vào thời điểm tối tăm u ám thì càng có thể là lúc bình minh sắp hửng sáng. Càng ở vào lúc vô vọng, thì hy vọng càng có thể đang ở ngay trước mặt. Thân ở vào nghịch cảnh kỳ thực chính là cơ hội tốt để tôi luyện bản thân mình.


Gặp lúc mâu thuẫn, nhẫn nại mới là biện pháp hóa giải tốt nhất. Nhẫn có thể thiện giải ác duyên, khiến cho “gió yên sóng lặng”, nhẫn còn có thể đạt được “vật cực tất phản”, khiến con người đạt được cảnh giới “Bĩ cực Thái lai”.


Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Vài sử liệu về chuyện người có tâm Đại Nhẫn thành tựu việc to lớn


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook