Vasily: Vị Thánh ngốc hiển phước của nước Nga

Chia sẻ Facebook
24/11/2022 07:41:34

Lịch sử Kitô giáo ghi nhận những vị “thánh ngốc”, “thánh khổ hạnh”. Một trong những "kẻ ngốc" nổi tiếng nhất là Thánh Vasily Hiển Phước...


Trong các tôn giáo chính thống đều có một hiện tượng rất kỳ lạ, đó là sự xuất hiện của các vị tăng điên, đạo sĩ điên, thánh ngốc. Cụm từ “Kẻ ngốc phụng sự Chúa Kitô” (Foolishness for Christ) đề cập đến hành vi từ bỏ tất cả của cải và các ràng buộc thế tục của một người để sống cuộc đời tu hành khổ hạnh, phụng sự Thiên Chúa; đó là những người ẩn giấu sự thông thái trong vẻ ngoài điên rồ. Những cá nhân như vậy trong lịch sử Kitô giáo đã được biết đến như là “thánh ngốc”, “thánh khổ hạnh” hay “kẻ ngốc hiển phước”. Một trong những “kẻ ngốc” nổi tiếng nhất là Thánh Vasily Hiển Phước – Блаженный Василий – của nước Nga.


Giống như Phúc âm Gioan đã ghi lại lời Chúa Jesus rằng: “Nước của tôi không thuộc về thế gian này”. Bởi vì thần linh nhìn nhận vấn đề khác với con người trần tục, nên những người được gọi là kẻ ngốc ấy, trong mắt Thiên Chúa lại là những người ngây thơ, trong sáng, tốt lành.

Hình tượng Thánh Vasily tại nhà thờ Pokrovsky. (Ảnh: Public Domain)

Vasily Hiển Phước – có cha là Iacob, mẹ là Anna, những người thường dân – được sinh vào tháng 12 năm 1468 tại nhà thờ ở Elokhovo – phía bắc Moskva. Trong quan niệm người Nga xưa, sinh ở nhà thờ là một hình thức vinh danh Đức Mẹ. Lớn lên ông được gửi đến khu Kitay, Moskva học nghề để trở thành thợ giày.


Trong thời gian này, thày dạy làm giày tình cờ chứng kiến một sự kiện đáng chú ý, khiến ông thấy rằng học sinh của mình không phải là người thường. Khi đó một thương nhân nổi tiếng neo tàu ở Moskva để buôn bán bánh mỳ và ngũ cốc, đã đến đặt đóng giày, với yêu cầu sao cho có thể đi quanh năm. Vasily cười khúc khích và nói: “Thưa ngài, chúng tôi sẽ đóng đôi giày như vậy, nhưng ngài lại chẳng mang đâu” – và ông bắt đầu rơi nước mắt.

Sau đó, Vasily giải thích cho thày dạy rằng người khách sắp chết. Người thày không tin. Nhưng vài ngày sau khi đem giày đến chiếc tàu buôn thì ông thấy người ta đang đưa người thương nhân đi chôn cất. Ông hết sức kinh ngạc, và kể từ đó bắt đầu tin lời Vasily.

Tại Moskva, nơi đầy rẫy cám dỗ, xa hoa và tội lỗi, Vasily đã quyết định dùng bản thân mình để chứng thực lời răn của Thiên Chúa, rao truyền đạo lý bằng công cuộc khổ tu.

Từ năm 16 tuổi, và 72 năm tiếp theo của cuộc đời, ông rời bỏ nhà cửa, quanh năm để mình trần và đi chân đất, đeo những xích sắt nặng, và cầu nguyện.

Thông thường ông im lặng trước mọi người, và nếu ông nói gì thì thường rất kỳ lạ, bí ẩn và không thể hiểu được. Và hành động của ông cũng kỳ quặc không kém.

Đến trước nhà một người nổi tiếng về đạo đức, ông ném một viên đá cuội vào cửa sổ. Đến trước nhà một tội nhân khét tiếng, ông hôn lên tường nhà.

Ông va vào làm đổ hết một khay bánh mỳ ở một quầy hàng, và đánh đổ thùng kvass ở quầy hàng khác. Những người bán hàng giận dữ và đánh đập ông. Ông vui vẻ cảm ơn và tiếp tục cầu Chúa ban phước cho họ. Nhưng vấn đề là sau đó mọi người mới phát hiện ra bánh mỳ và nước kvass này đã bị những người bán hàng tham lam trộn tạp chất vào để ăn gian kiếm lời.

Sự tôn kính dành cho Vasily lớn dần, người ta coi ông là một thánh ngốc, người phụng sự Thiên Chúa, và xem ông là kế tục của Thánh Maksima Hiển Phước – một vị thánh khổ hạnh nổi tiếng của Nga trước đó, người đi khắp nơi an ủi mọi người, động viên họ giữ vững niềm tin và hy vọng khi nước Nga ở trong thời kỳ tăm tối nhất với ngoại xâm, nạn đói và dịch bệnh.

Vasily Hiển Phước không có nơi ở xác định, chỉ thỉnh thoảng người ta thấy ông đến tu viện dành cho góa phụ và trẻ mồ côi Stefanidy Yurlovoy tại Kulizhkakh. Sau cả ngày khổ hạnh và dùng những cách kỳ quặc để tố cáo những lời nói dối, trách móc những tật xấu và khuyên con người hướng đến chân lý và lương thiện – ông ở cả đêm trên hiên nhà thờ, than khóc về tội lỗi của thế gian.


Truyện kể rằng, có một thương gia nọ không hề hiếu kính với mẹ mình. Khi ông ta xây dựng một nhà thờ đá ở Pokrovka, thì xây đến vòm liền sụp đổ. 2 lần, 3 lần đều như vậy. Ông ta bèn đến hỏi Thánh Vasily tại sao, và nhận được câu trả lời: đi đến Kiev, tìm Ivan khốn khổ, anh ta sẽ đưa ra lời khuyên về cách hoàn thành nhà thờ. Người thương gia đến Kiev, thì thấy Ivan khốn khổ đang ngồi trong một túp lều rách, dệt dép và đung đưa một chiếc nôi rỗng. Người thương gia hỏi: “Ông đang đưa nôi ai vậy?” và được câu trả lời “Mẹ tôi đấy, tôi đang trả ơn sinh thành và nuôi dưỡng của bà.” Điều này chấn động người thương gia một cách sâu sắc, ông nhớ lại đã đuổi mẹ mình ra khỏi nhà, và ngộ ra vì sao không thể hoàn thành nhà thờ. Khi quay lại Moskva, thương gia đưa mẹ về nhà, xin bà tha thứ, và hoàn thành được nhà thờ.


Một lần khác, nhà vua muốn thử Thánh Vasily để xem ông có bị cám dỗ bởi của cải không. Nhà vua mời ông đến cung điện và tặng cho ông vàng. Thánh Vasily liền nhận lấy. Nhà vua cử người đi theo xem ông làm gì tiếp. Thánh Vasily đi một mạch từ cung điện đến Lobnoye Mesto và trao hết vàng cho một thương gia nước ngoài. Khi người ta báo lại điều này cho nhà vua, ông hết sức ngạc nhiên và cho vời Thánh Vasily đến hỏi: “Sao ông chẳng cho người ăn xin, mà lại cho một thương gia giàu có?”. Thánh Vasily lúc này mới giải thích, hóa ra người thương gia nước ngoài nọ đã bị tai nạn chìm hết đoàn tàu, và giờ ông ta chẳng còn gì cả, nhưng bởi xấu hổ khi mặc trên người quần áo đắt tiền mà lại xin ăn, nên ông ta không dám mở lời. Thánh Vasily nói rằng đó chính là thể hiện lòng từ bi, thương xót của Thiên Chúa – không phải bởi sự thể hiện bề ngoài, mà bởi ai cần đến.

Thánh Vasily cũng lên án rất nặng những người bố thí không xuất phát từ thương xót người nghèo đói bất hạnh, mà để che mắt Thiên Chúa, mưu cầu danh lợi. Truyền thuyết kể rằng ác quỷ giả làm người ăn xin ngồi ở Cổng Prechistensky, và nói rằng bất cứ ai bố thí sẽ được phát tài. Thánh Vasily nhìn thấu sự xảo quyệt này, ông đã đến và đuổi nó đi, đồng thời gay gắt quở trách những người bố thí.

Thánh Vasily không ngại gặp và an ủi những người sa ngã nhất để khuyến khích họ quay lại đời sống tốt lành.


Một lần ông thấy một người chỉ còn một xu đang van nài chủ quán cho một ly rượu. Chủ quán đưa cho anh và và cáu kỉnh quát: “Cầm lấy, đồ nát rượu, và đi mà xuống địa ngục.” Người nát rượu nhận lấy, và làm dấu thánh giá tạ ơn. Thánh Vasily bật cười to. Mọi người hỏi điệu cười đó có nghĩa gì, ông bèn đáp: khi người chủ quán đưa ly rượu và nói “xuống địa ngục” , quả thật có một con quỷ đã nhảy vào trong ly rượu, khi người nát rượu làm dấu thánh giá, thì con quỷ đã nhảy ra khỏi ly và bị đốt bởi một cây thập tự lửa.

Người ta cũng nhận thấy khi Thánh Vasily khi đi qua những nơi mà người ta say sưa nát rượu, chè chén xa hoa linh đình, ông sẽ đến các ôm lấy các góc phòng, khóc và cầu nguyện. Người ta hỏi ông tại sao, và được đáp: các Thiên Thần đang ở đó than thở và thương tiếc về tội lỗi của con người, và tôi cũng rơi nước mắt mong họ xin với Thiên Chúa ban ân cải sửa những người này.


Một lần trong mùa đông tuyết rơi giá lạnh, một nhà quý tộc tốt bụng đã cởi áo choàng lông của mình và nài nỉ Thánh Vasily mặc vào. Thánh Vasily hỏi: “Ông thực sự muốn vậy à?” , nhà quý tộc đáp: “Tôi yêu kính ngài thật lòng, xin hãy coi đây như tấm lòng thành của tôi.” Thánh Vasily cười nói: “Vậy hãy để lại đây, và tôi cũng yêu quý ông.” Nhà quý tộc hết sức vui mừng khoác áo cho Vasily rồi rời đi.


Có những kẻ nọ nom thấy ông mặc một chiếc áo choàng tốt bèn định lừa ông để lấy áo. Một trong số họ giả vờ chết, còn những kẻ khác thì xin Vasily tiền để chôn cất. Vasily lấy áo khoác của mình che cho “người chết” , và buồn bã nói: “Bây giờ thì anh đã chết thật, bởi Thiên Chúa trừng phạt ai lừa dối lòng thương” . Sau khi ông rời đi, đồng bọn thấy kẻ lừa đảo quả nhiên đã chết thật.

Một trong những điều nổi tiếng ở Thánh Vasily là khả năng tiên tri, thấy trước tương lai.


Người ta còn kể lại rằng mùa hè năm 1547 Vasily Khổ hạnh đến tu viện Voznesensky ở Ostrog (ngày nay là Vozdvizhenka) và rơi nước mắt, cầu nguyện rất lâu trước nhà thờ. Và đó là lời báo trước của đám cháy khủng khiếp ở Moskva, đám cháy này bắt đầu ngay ngày hôm sau – 21 tháng 6 – từ tu viện Vozdvizhensky, và nhanh chóng lan ra thành phố. Đám cháy mà Thánh Vasily dự báo thật sự khủng khiếp: tất cả Zaneglinye, Velikiy Posad, Cựu Phố và Tân Phố đều bị đốt cháy, “không chỉ những ngôi nhà sơ sài, mà cả những kết cấu đá và sắt, những nhà thờ và tu viện, tất cả bị thiêu rụi”.

Thánh Vasily cũng nhìn thấy những điều ở cách xa Moskva.


Một lần Sa Hoàng Ivan Khủng Khiếp mời Thánh Vasily đến dự tiệc. Khi người ta mang trà cho ông, ông đã ba lần từ chối uống vì sức khỏe Sa Hoàng và hắt ra ngoài cửa sổ. Sa Hoàng cho rằng ông coi thường mình. “Đừng tức giận, Ivanushka” – ông nói – “tôi đang dập lửa ở Novgorod, nó đang lan ra.” Ivan Khủng Khiếp không phải người dễ tin, liền cử người đi nghe ngóng tin tức từ thành Novgorod.

Và hóa ra đó là sự thật. Người ta báo rằng một đám cháy đã bắt đầu đúng vào lúc bữa tiệc và khi đám cháy đang lan ra thì không biết từ đâu một người đàn ông mình trần đã đến dập lửa bằng cốc nước của mình.


Thánh Vasily cũng nổi tiếng với việc thường xuyên quở trách Sa Hoàng. Ví dụ như một sau buổi lễ, Thánh Vasily đến gặp Sa Hoàng. Sa Hoàng hỏi: “Ông đã ở đâu vậy Vasily? Tôi không thấy ông trong điện thờ.” Thánh Vasily đáp: “Còn tôi thì đã thấy ông. Nhưng cũng không phải trong điện thờ, mà trên đồi Chim Sẻ.” Quả nhiên trong lúc cầu nguyện Sa Hoàng đã nghĩ đến chuyện xây dựng lâu đài mới trên đồi Chim Sẻ.


Khi 88 tuổi, Vasily Hiển Phước lâm bệnh. Khi Sa Hoàng cùng con trai cả Ivan và con trai thứ Fyodor đến thăm, ông đã nói với Fyodor: “Tất cả tài sản tổ tiên sẽ thuộc về cậu, cậu là người thừa kế”. Quả nhiên về sau này Ivan Khủng Khiếp đã ngộ sát con cả Ivan, và ngôi báu thuộc về Fyodor. Đó cũng là lời tiên tri cuối cùng của Thánh Vasily khi tại thế.

Ông qua đời vào ngày 2 tháng 8 năm 1557. Đích thân Sa Hoàng cùng các nhà quý tộc đã khiêng quan tài của Vasily, còn tổng giám mục Makari thì đích thân làm lễ chôn cất ông. Thi hài của Vasily Khổ hạnh được chôn ở nghĩa địa của nhà thờ Troitskaya, nơi mà sau này người ta đã xây nhà thờ Pokrovsky.

Vào ngày 2 tháng 8 năm 1588, kỷ niệm ngày mất của ông, đã có những điều kỳ diệu xảy ra. Ví dụ như một phụ nữ tên Anna, đã nhìn thấy lại sau 12 năm bị mù. Và cho đến tháng 9 năm đó, tổng cộng đã có 183 trường hợp được chữa lành bệnh tật vì đến cầu nguyện trước mộ Thánh Vasily.

Do đó mà giáo trưởng Job đã ra lệnh tưởng nhớ thánh Vasily hằng năm vào ngày ông qua đời – ngày 2 tháng 8 theo lịch Nga cũ. Sa Hoàng Fyodor ra lệnh xây một bệ thờ tưởng nhớ Vasily Hiển Phước trong nhà thờ Pokrovsky, ở chỗ chôn Vasily, và làm một chiếc hòm bạc để đựng di hài của thánh. Từ lâu đời ngày lễ Thánh Vasily Hiển Phước tại Moskva được kỷ niệm rất trọng thể – giáo trưởng đích thân làm lễ, còn chính Sa Hoàng cũng có mặt khi làm lễ thánh.

Nhà thờ Pokrovsky – Biểu tượng của nước Nga. (Ảnh: Baturina Yuliya, Shutterstock)

Ngày nay, nhà thờ Pokrovsky xưa được gọi là nhà thờ Thánh Vasily Hiển Phước – đã trở thành biểu tượng đẹp đẽ và nổi tiếng của Moskva nói riêng và nước Nga nói chung.


Lê Quang


Xem thêm cùng tác giả :


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook