Vào mùa thấp điểm nhưng giá phân urê, kali giảm không nhiều
Do hàng tồn kho và nhu cầu phân bón tại một số địa phương đều giảm, một số loại phân bón như urê, kali đã giảm khoảng 15.000 đồng/bao 50kg. Tuy nhiên, mức giảm này không nhiều.
Ghi nhận thị trường cho thấy giá phân urê Phú Mỹ tại tỉnh Bình Thuận giảm 15.000 đồng/bao 50kg, chỉ còn 865.000 đồng/bao; urê đầu trâu của Công ty cổ phần phân bón Bình Điền bán tại Quảng Bình giảm 10.000 đồng/bao 50kg, chỉ còn 870.000 đồng/bao.
Giá phân kali Phú Mỹ tại Bình Thuận là 950.000 đồng/bao 50kg, giảm không đáng kể so với ngày trước đó. Giá DAP Đình Vũ hiện là 1,12 triệu đồng/tấn, không đổi so với ngày trước đó.
Tại một số nơi khác, phân kali hoàn toàn không giảm vì đang bán thấp hơn giá thế giới bán về thị trường Đông Nam Á từ 3 - 4 triệu đồng/tấn; giá DAP cũng không giảm.
Thị trường phân bón nội địa trong 1-2 tuần gần đây có giảm so với trước. Nguyên nhân là phía Nam đã vào cuối vụ, nhu cầu phân bón nhỏ lẻ, trong khi phía Bắc đã hết vụ nên không còn nhu cầu.
Theo ông Vũ Duy Hải - tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinacam (TP.HCM), vào mùa thấp điểm nhưng giá phân bón giảm không đáng kể.
"Một số đại lý kẹt tiền muốn bán ra nguồn hàng từ các lô giá rẻ đã mua hồi cuối năm ngoái, đầu năm nay nên bây giờ xả hàng nhưng đều xuất hóa đơn rất thấp, đồng thời giảm giá cũng xuất phát từ tác động của thông tin áp thuế xuất khẩu với phân bón. Mặt khác, giá urê thế giới giảm gần 200 USD/tấn so với đầu tháng 4.
Mặc dù thời điểm này toàn thế giới đang vào mùa thấp điểm nhưng giá phân kali và DAP hầu như đi ngang, giảm không nhiều. Riêng phân urê có khả năng giảm tiếp nhưng sẽ khó xuống dưới mức 15 triệu đồng/tấn", ông Hải nhìn nhận.
Còn theo một giám đốc công ty kinh doanh phân bón ở TP.HCM, những thông tin kỳ vọng giá giảm mạnh xuất phát từ việc Liên Hiệp Quốc và một số lãnh đạo châu Âu đề xuất Nga gỡ bỏ phong tỏa các cảng biển của Ukraine và Nga thực tế đã mở một hành lang hạn chế.
Tuy nhiên Nga đang yêu cầu gắn với việc gỡ bỏ cấm vận Nga nên việc xuất khẩu trở lại của phân bón còn rất nan giải, bước đầu sẽ chỉ là hạn hẹp dành cho việc xuất khẩu lúa mì và các loại ngũ cốc mang tính cứu đói mà thôi.
"Tóm lại không có nhiều kỳ vọng cho phân bón giảm giá như trước, ít nhất là trong năm 2022", vị này nhấn mạnh.
Nông dân ở nhiều tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long đang dần thu hẹp diện tích trồng lúa, kể cả vụ lúa hè thu vốn thường có giá cao. Lý do là càng làm càng lỗ vì giá vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nhân công cứ liên tục leo thang.