Vào làng... đỏ miệng
Thật kỳ lạ khi ngược lên những ngôi làng lưng núi ở Quảng Nam, gần như không một làng nào thiếu bóng cây cau và những dây trầu lủng lẳng. Cứ tưởng rằng bà con trồng để đẹp làng, nhưng không phải, cau trầu là... món say.
Người lớn ăn thì mình cũng ăn thôi, lúc đầu thì say nhưng sau quen dần thì không sao. Ăn trầu thấy ấm bụng, đi rừng đỡ mệt hơn.
Hồ Văn Sết (12 tuổi, học sinh)
8h sáng, mặt trời xuyên cánh rừng già ở nóc Tu Nấk (xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, Quảng Nam). Tiếng lao xao vui vẻ rộ lên dưới gốc ổi giữa làng. Đám người trai, gái, già, trẻ ngồi tụm ba tụm bảy ngỏn ngoẻn nhai cau trầu. Dưới nền đất, các bãi nước cau trầu đỏ như máu.
Ăn cau trầu như thay... cơm
Nhiều thầy cô giáo cắm bản vùng cao Nam Trà My đùa rằng nếu lên núi, không biết uống rượu thì tập ăn cau trầu để... dễ bề nói chuyện với bà con. Nhưng với nhiều người, rượu dù nặng rộp lưỡi thì vẫn còn dễ uống hơn so với đụn trầu mà người vùng cao nhai gần như không rời khỏi miệng.
Chúng tôi lên nóc Tu Nấk khi lúa đã chuyển màu ngả vàng, nhưng lúa không làm bà con nóng lòng bằng mấy hàng cau nằm rải rác quanh làng. Cau dù không trồng thành vệt, nhưng được người Ca Dong trên núi cao coi như một loài cây quý buộc phải có trong vườn.
Tại nhà ông Hỗ Văn Thuận, hai cây cau đã rụng "rốn", hoa cau héo khô rũ xuống, phần buồng lộ ra tua tủa từng đụn cau non nhú ra khỏi buồng. Ông Thuận đứng dưới gốc cây, ngước mặt lên, nói: "Chừng này là mình bắt đầu hái ăn được rồi. Dù chưa say lắm nhưng nhai rất mềm và thơm".
Tục ăn cau trầu là thói quen đặc biệt và gần như có ở mọi ngôi làng vùng cao Quảng Nam. Sườn núi Ngọc Linh trải dài từ A Lưới (Thừa Thiên Huế kéo qua vùng Trà My, ranh giới với Kon Tum) là nơi cư ngụ của các bộ tộc Cor, Ca Dong, Xê Đăng, Cơ Tu.
Nếu như ở dưới xuôi, trầu cau như một thứ men say dành cho ít người lớn tuổi, hoặc ở mâm lễ vật trong các dịp cưới hỏi, thì trên núi cao, cau trầu là món nhai của mọi lứa tuổi. Rảnh rỗi bà con tụm lại nhai trầu, trò chuyện.
Ngày lễ cúng hệ trọng trong làng, ngoài rượu thì những rổ cau trầu được đặt la liệt trên nền đất. Mọi người tụm lại, ngồi chồm hổm ngỏn ngoẻn nhai trầu. Tiếng nhổ lẹt phẹt nổ như bắp rang, nền đất đỏ lựng.
Chúng tôi hỏi chuyện các bậc cao niên để hiểu thêm tục nhai trầu trong đời sống cư dân. Nhưng câu trả lời chung được đưa ra là: "Ồ, mình không biết đâu. Lớn lên thấy bà con ăn thì mình cũng ăn riết rồi quen thôi".
Già làng Hồ Văn Biển (xã Trà Don, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) nói rằng người Ca Dong sống đa số trên các núi cao, quanh năm nhiệt độ thấp, sương mù bao phủ. Bà con lại thường xuyên vào rừng làm các việc nặng nên ăn trầu cau không chỉ giúp tăng hưng phấn cơ thể mà còn chống lại cái lạnh.
Ông Biển miết ngón tay trỏ và ngón tay cái, mấy lá trầu trong chốc lát bị nghiền nát, ứa nước. Ông lôi từ trong túi áo mẩu nilông nhỏ gói thứ bột màu trắng rồi dùng ngón tay chấm miếng cau vừa bổ một phần tư trái. Miếng cau được kết hợp với lá trầu không, thứ vôi bột màu trắng rồi thả vào khoang miệng. Tiếng nhai rau ráu dễ làm người đối diện... tứa nước miếng.
"Ngon lắm, mỗi ngày mình phải ăn ít nhất vài chục miếng cau. Cứ bỏ cau trầu trong túi, lúc nào rảnh rỗi là lại đem ra nhai", ông Biển cười nói.
Ăn trầu từ tuổi... 13
Vào bất cứ một ngôi làng nào ở các huyện vùng cao Quảng Nam có thể dễ dàng bắt gặp các "cuộc trầu" ở góc vườn, góc nhà, bìa rẫy. Ông Hồ Văn Hưng (nóc Tắk Năng, xã Trà Leng) cho biết ở làng ông gần như mọi người đều biết ăn trầu. Trẻ con cứ lên 12 - 13 tuổi là răng đã ố vàng, miệng lúc nào cũng đỏ lựng vì nhai trầu.
Nhiều người làng có thể không uống rượu, hút thuốc nhưng cau trầu thì không thể không biết ăn. Bởi dân làng ăn trầu gần như quanh năm, càng đặc biệt dày hơn vào mùa đông khi cái lạnh phủ xuống các ngôi làng.
Ông Hồ Văn Hưng cho biết ở làng ông, nhà nào cũng trồng ít nhất vài gốc cau, loại cau tự nhiên, được giữ giống từ thời ông bà. Trên núi cao, những hàng cau vút lên giữa các nóc làng không chỉ là biểu tượng sức sống cộng đồng mà để phục vụ thói quen ăn trầu.
Cũng theo ông Biển, những năm cau mất mùa, bà con thường vào rừng để đào rễ cây "chay" - thứ cây có quả hình kỳ dị, phần rễ và vỏ cây khi cạo ra thì đỏ chót và có mùi thơm. Rễ, vỏ chay đem về phơi khô, rửa sạch và trộn với lá trầu, vôi bột nhai trong khoang miệng thì tạo ra thứ nước bã đỏ như nước trầu cau. Nhai kết hợp với lá trầu cũng gây "say" chếnh choáng.
Một buổi chiều, sau nhiều giờ lội ngược núi lên ngôi làng Tắk Lẻ nằm trên núi cao ở xã Trà Leng đã thấy một tốp chừng chục người đàn ông, phụ nữ ngồi thả gùi quế rồi chụm lại ngỏn ngoẻn nhai trầu. "Ăn thử không?", một phụ nữ trong nhóm đưa miếng cau bổ dở ra mời một bạn từ thành phố lên thăm núi cao.
Anh bạn nhận miếng trầu vo tròn rồi bỏ vào miệng nhai, nuốt nước. Chỉ vài phút sau người này nằm vật ra nền đất, miệng liên tục nôn ọe, mặt đỏ ửng. Mấy người Ca Dong ngồi gần cười...
Say trầu thay say rượu
Các ngôi làng trên núi cao cũng có thói quen... uống rượu. Không chỉ đàn ông, phụ nữ nhiều làng cũng vật vã ở bìa rừng bởi thói quen uống rượu quá nhiều. Nhưng ở làng Boa, xã Trà Giáp (Bắc Trà My, Quảng Nam), người dân lại ít uống rượu nhờ vào một món quen thuộc: nhai trầu. Ông Hồ Văn Đông, người lớn tuổi ở làng Boa, cho biết do thấy trồng hạt lúa quá khó khăn, mưa lũ làm mất mùa và thiếu gạo thường xuyên, nên từ thanh niên đến người già ở Boa ít uống rượu, mà chỉ nhai trầu để tạo hưng phấn.
Theo ông Đông, tục lệ làng Boa quy định người dân chỉ được dùng rượu trong ngày cúng mùa và dịp lễ Tết, nhưng uống làm sao để không được say. "Không có rượu nên phần lớn bà con gặp nhau là chia miếng trầu ngồi nhai cho ấm bụng, đỏ cái miệng", ông Đông nói.
Dù là người không biết chữ nhưng bằng cách lấy vốn sống làm kiến thức, lấy trí nhớ làm con chữ, bà Huỳnh Thị Thương (68 tuổi, làng du lịch Gò Cỏ, xã Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) đã sáng tác ra rất nhiều làn điệu bài chòi.