Vành đai 3 - Động lực tăng trưởng kinh tế vùng TP Hồ Chí Minh
Đường Vành đai 3 kỳ vọng sẽ trở thành động lực mới cho phát triển kinh tế cả vùng TP Hồ Chí Minh.
TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ thực hiện Vành đai 3
Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Vành đai 3 của TP Hồ Chí Minh đã được Quốc hội biểu quyết thông qua. Dự án sẽ được đầu tư theo hình thức đầu tư công, bắt đầu thực hiện từ năm nay 2022. Đây là dự án giao thông lớn nhất phía Nam từ trước đến nay, không chỉ tạo động lực cho phát triển kinh tế TP Hồ Chí Minh mà còn cả trong vùng phía Nam.
Đường Vành đai 3 bao quanh TP Hồ Chí Minh, đi qua 3 tỉnh, thành lân cận như Long An, Bình Dương và Đồng Nai. Nếu như được hình thành, đây sẽ như sợi dây kết nối hữu hình giúp vùng kinh tế vùng TP Hồ Chí Minh có thêm động lực phát triển.
Có thể ví von đường Vành đai 3 như một sợi dây kết nối và giữa các tỉnh thành là các mắc xích thì nếu như có mắc xích nào bị đứt đoạn chắc chắn dự án sẽ không thực sự phát huy được hiệu quả. Do đó, trong công tác triển khai con đường này, điểm mấu chốt chính là sự phối hợp giữa các địa phương để đảm bảo sự đầu tư một cách đồng bộ của cả con đường.
Cụ thể, UBND TP Hồ Chí Minh là cơ quan lập chủ trương đầu tư, đầu mối điều phối bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án. Hiện thành phố đã có phương án thực hiện, kế hoạch chi tiết cụ thể giữa các địa phương, cũng như kiến nghị đề xuất thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác, tổ giúp việc… cho dự án.
Đại diện Sở GTVT thành phố cho biết các thủ tục hành chính được đơn giản hóa, thậm chí cắt bớt để đẩy nhanh các phần việc.
Ông Phan Công Bằng - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết: "Chúng ta phải có có chế phối hợp và sáng tạo trong điều hành dự án này mới có thể triển khai được. Ngay trong bước lập dự án báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chúng ta đã có những cơ chế đột phá và cơ chế phối hợp, làm việc xuyên ngày xuyên đêm".
Vành đai 3 có 8 dự án thành phần, mỗi địa phương làm 2 dự án gồm giải phóng mặt bằng và xây lắp. Trong đó, đối với việc giải phóng mặt bằng, hiện thành phố thực hiện song song việc lập dự án đầu tư và hoàn chỉnh ranh mốc, bàn giao cho các địa phương để thực hiện nhanh công tác này.
Ngoài ra, việc quy hoạch, khai thác quỹ đất hai bên đường, thành phố sẽ linh hoạt điều chỉnh, đặc biệt là đưa ra các giải pháp giao thông kết nối để mang lại hiệu quả hơn.
"Quy hoạch hai bên đường cơ bản đã có nhưng có những điểm khai thác hiệu quả thì chúng ta sẽ điều chỉnh quy hoạch. Và phải có những giải pháp như ngoài đường song hành, xây dựng những tuyến đường kết nối giao thông thuận lợi mới khai thác quỹ đất hiệu quả được. Điều này song song việc triển khai dự án Vành đai 3 sẽ tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch, lập dự án để kết nối giao thông hạ tầng vào các quỹ đất", ông Phan Công Bằng cho hay.
Cụ thể theo kế hoạch, đến quý IV thành phố sẽ bàn giao ranh dự án để triển khai bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân. Dự kiến đến cuối năm 2023 bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng và thực hiện khởi công dự án.
Nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt cho Vành đai 3
Nguồn vốn đầu tư cho Vành đai 3 sẽ điều chỉnh theo kế hoạch đầu tư công và trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, hiện số vốn cho dự án này là hơn 17.000 tỉ đồng đã bố trí cho Bộ GTVT và chuyển về từng địa phương để thực hiện (TP. Hồ Chí Minh là 10.627 tỉ đồng, Đồng Nai là 856 tỉ đồng, Bình Dương là 4.266 tỉ đồng và Long An là 1.397 tỉ đồng).
Ngoài ra, để đảm bảo triển khai nhanh chóng hiệu quả, dự án cũng được áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt như cho phép tăng tổng mức vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương.
Trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong thời gian Quốc hội không họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ủy quyền để xem xét, quyết định.
Trong 2 năm kể từ khi nghị quyết được Quốc hội thông qua, cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình thực hiện dự án, như đối với các gói thầu tư vấn, phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật; các gói thầu bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...
Động lực tăng trưởng kinh tế vùng TP Hồ Chí Minh
Khi hoàn thành tất cả các tỉnh thành mà Vành đai 3 đi quay đều được hưởng lợi, đầu tiên kể đến là TP Hồ Chí Minh. Có thể thấy, hiện tất cả những hạ tầng lớn và trọng điểm của liên kết vùng đều nằm ngoài TP Hồ Chí Minh.
Ví dụ như sân bay Quốc tế Long thành nằm ở Đồng Nai, ga xe lửa lớn nhất nằm ở Bình Dương, cảng biển lớn nhất nằm ở Bà Rịa - Vũng tàu… nhưng khi có đường vành đai 3 kết nối, TP Hồ Chí Minh sẽ kết nối được thị trường hơn chục triệu dân của mình với hạ tầng để cùng phát triển và từ đó tạo sự lan tỏa về phát triển đô thị, cư dân đến thu hút đầu tư.
Theo các chuyên gia, dự án Vành đai 3 sẽ giải quyết các vấn đề về hạ tầng giao thông, giảm áp lực cho giao thông nội đô TP Hồ Chí Minh và tăng cường kết nối để mở rộng không gian phát triển đô thị.
"Nó liên quan đến giãn dân cơ học nơi đường vành đai đi qua. Đây là điểm rất quan trọng bởi đối với các đô thị trên thế giới việc đi từ thành phố này sang thành phố khác làm việc đi xe 1 - 2 tiếng đi bằng phương tiện công cộng, hay cá nhân là chuyện bình thường thì nó giải quyết được bài toán giao thông đô thị", ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam đánh giá.
Ông David Jackson - Tổng giám đốc Colliers Việt Nam nhận định: "Dự án đường Vành đai 3 sẽ giúp cải thiện giao thông, kết nối chuỗi cung ứng, tiết kiệm chi phí logistic, thúc đẩy lưu thông hàng hóa và dịch vụ hiệu quả hơn, từ đó khuyến khích các ngành nghề và doanh nghiệp mới hình thành ở các khu vực lân cận. Cơ sở hạ tầng chất lượng và liên kết vùng tốt sẽ giúp thu hút thêm đầu tư nước ngoài cho TP Hồ Chí Minh và các địa phương trong toàn vùng".
Để đảm bảo hiệu quả triển khai dự án, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn kiến nghị một số nguyên tắc như cần hoàn thiện việc giải phóng mặt bằng xong mới bắt đầu triển khai dự án. Đơn giá đền bù phải theo sát giá thị trường và ưu tiên tái định cư tại chỗ cho người dân. Nâng cao vai trò cơ quan tham mưu, kêu gọi nhân lực, chuyên gia trong và ngoài nước tham gia.
Bởi thành phố rất cần phải cụ thể hóa các bài toán dựa trên cơ sở khoa học như dự báo đất hai bên tăng giá ra sao khi hoàn thiện dự án, nguồn tiền là bao nhiêu, đâu là giá hợp lý để thu hút nhà đầu tư tham gia đấu giá… để đảm bảo tài chính cho việc đầu tư dự án, đóng góp cho ngân sách.
"Những bài toán này cần có một sự tư vấn chuyên ngành ở tầm quốc tế giúp cho thành phố có cái nhìn xa. Cái nhìn xa ở đây là mình thấy mình làm một dự án có lợi cho tất cả mọi người. Có lợi cho dân cư, có lợi cho ngân sách và có lợi cho cả nhà đầu tư. Bài toán này mình phải tính toán một cách khoa học", ông Ngô Viết Nam Sơn - Chuyên gia kiến trúc, quy hoạch cho hay.
Ngoài ra, với dự án hạ tầng lớn như Vành đai 3 thì sự chung tay, phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương để xây dựng lộ trình cụ thể, chiến lược quy hoạch không gian một cách hệ thống và toàn diện là hết sức quan trọng để đảm bảo dự án được triển khai và hoàn thành đúng tiến độ.
Dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh có tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.