Vàng đen và những cú sốc khủng hoảng thế giới - Kỳ 6: Kịch bản nào cho giá dầu sắp tới?
Thị trường dầu thô không ổn định và đang gánh chịu ảnh hưởng từ chiến sự ở Ukraine. Giá dầu tăng hay giảm tùy tuyên bố và hành động của các nhà chính trị phương Tây và Nga về xung đột.
Trong bối cảnh đó, ngày 15-3-2022, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã công bố báo cáo tháng với dự báo rất thận trọng.
Năm 2022 đã hội đủ nhiều điều kiện hoàn hảo làm tăng giá dầu.
SCOTT L. MONTGOMERY
Thế giới đã thiếu dầu từ đầu năm 2022
OPEC cảnh báo do chiến tranh Nga - Ukraine tác động đến giá dầu đang tăng chưa từng có. Tuy nhiên, OPEC vẫn giữ nguyên dự báo trước đó và tiếp tục khẳng định nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 4,15 triệu thùng/ngày trong năm 2022. Song OPEC giải thích dự báo trên có thể được điều chỉnh tùy thuộc diễn biến chiến sự ở Ukraine.
Trong bài viết đăng trên trang web The Conversation, chuyên gia năng lượng Scott L. Montgomery - giảng viên Trường Nghiên cứu quốc tế Jackson (Đại học Washington, Mỹ) - nhận định thật ra trước khi chiến sự bùng nổ ở Ukraine ngày 24-2-2022, giá dầu đã tăng nhanh do nhu cầu tiêu thụ tăng cao và thế giới vẫn thiếu dầu do nguồn cung cấp dầu tăng có hạn. Bằng chứng là giá dầu đã tăng trên 90 USD/thùng vào đầu năm 2022.
Thông thường có bốn yếu tố có thể gây ra cú sốc giá dầu:
* Thay đổi lớn về cung hoặc cầu ở bất kỳ đâu trên thế giới vì dầu mỏ là loại hàng hóa phổ biến toàn cầu.
* Hậu quả chiến tranh và xung đột. Mọi cú sốc địa chính trị đều dẫn đến tăng giá dầu ngay lập tức.
* Tăng trưởng kinh tế nhanh tại các quốc gia nhập khẩu dầu thô chủ chốt.
* Các vấn đề xảy ra tại các quốc gia cung cấp dầu khí như xung đột chính trị hoặc thiếu đầu tư vào ngành công nghiệp dầu mỏ.
Scott L. Montgomery nhận định nói chung kết hợp hai hoặc nhiều yếu tố nêu trên sẽ dẫn đến mức tăng giá dầu đột biến tệ nhất và đó là tình hình hiện nay. Ông đánh giá năm 2022 đã hội đủ nhiều điều kiện hoàn hảo làm tăng giá dầu, trong đó có ba yếu tố chính:
* Một là nhu cầu về dầu mỏ tăng nhanh hơn dự kiến trong những tháng gần đây trong bối cảnh các nước vừa thoát khỏi tình trạng đóng cửa do đại dịch COVID-19.
* Hai là các nước OPEC+ không nâng sản lượng ở mức tương xứng và các công ty dầu đá phiến của Mỹ cũng vậy. OPEC+ còn được gọi là nhóm Vienna ra đời cuối năm 2016 gồm 13 nước OPEC và 10 nước sản xuất dầu khác (Azerbaijan, Bahrain, Brunei, Kazakhstan, Malaysia, Mexico, Oman, Nga, Nam Sudan và Sudan).
* Ba là các quốc gia phải dùng đến kho dự trữ dầu và nhiên liệu để bù đắp vào khoảng cung cấp bị thiếu, từ đó mức an ninh năng lượng bị giảm.
Với những diễn biến như vậy, các nhà giao dịch dầu thô có tâm lý lo ngại bùng phát nạn khan hiếm dầu nên họ đã tăng giá dầu lên. Khi giá dầu cao, người tiêu dùng thường đổ lỗi cho các công ty dầu khí và các nhà chính trị. Thật ra giá bị đẩy lên cao là do các nhà giao dịch nguyên liệu ấn định tại các sàn giao dịch chứng khoán ở New York, London và Singapore.
Sau khi chiến sự Ukraine bùng nổ, các thương buôn dầu đánh giá khả năng xuất khẩu dầu khí của Nga sẽ bị trừng phạt nên tiếp tục đẩy giá dầu lên cao hơn nữa. Ngoài ra còn phải tính đến một số yếu tố bất ngờ khác.
Một số công ty dầu khí lớn như Shell, BP và ExxonMobil đã thông báo ngừng hoạt động ở Nga. Nhiều bạn hàng cũng từ chối mua dầu thô Nga vận chuyển qua đường biển có thể vì sợ bị trừng phạt. Ngày 8-3, Mỹ và Anh đã công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga.
Tuy hai nước này không phải là bạn hàng lớn của Nga, nhưng các nhà phân tích cho rằng từ lệnh cấm có thể dẫn đến leo thang vì Nga sẽ giảm hoặc ngừng xuất khẩu dầu sang các đồng minh của Mỹ. Tập hợp các điều kiện nêu trên là bối cảnh chưa từng xảy ra trước đây.
Dầu có thiếu, sẽ có nguồn khác bù vào
TS kinh tế Manuel Maleki ở Ngân hàng Edmond de Rothschild (Thụy Sĩ) đã đối chiếu với các cuộc khủng hoảng dầu trong quá khứ và dự báo hai kịch bản về giá dầu tương lai.
Kịch bản thứ nhất: nguồn cung giảm, giá cao sẽ kéo dài: Đây là kịch bản từng xảy ra trong giai đoạn 1978 - 1988 kể từ cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979 đến khi chiến tranh Iran - Iraq kết thúc năm 1988. Giá dầu tăng mạnh từ 14 USD/thùng năm 1978 lên 42 USD/thùng vào cuối năm 1980 rồi giảm chậm và từ năm 1986 kìm giá 30 USD/thùng.
Ở giai đoạn này, tình hình sản xuất và tiêu dùng giảm trong khi tăng trưởng kinh tế thế giới rất yếu. Song giá dầu lại vẫn ở mức cao trong khi nhu cầu về dầu giảm từ 65 triệu thùng/ngày xuống còn 55 triệu thùng. Nhu cầu giảm nên nguồn cung cũng giảm, vì vậy Iran và Iraq phải giảm sản lượng dầu do cơ sở hạ tầng dầu mỏ hứng chịu nhiều thiệt hại chiến tranh.
Một yếu tố khác giải thích nguồn cung dầu giảm là Saudi Arabia giảm sản lượng khai thác từ 10,5 triệu thùng/ngày vào năm 1981 xuống còn 2,5 triệu thùng/ngày năm 1985 nhằm hỗ trợ giá dầu…
Kịch bản thứ hai: giá tăng rất mạnh rồi quay về giá cũ nhờ tăng nguồn cung: Kịch bản này từng xảy ra trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1990 - 1991. Chiến sự kéo dài từ tháng 8-1990 đến 2-1991 khiến giá dầu tăng từ 17 USD/thùng lên 38 USD rồi tuột xuống trở lại 17 USD/thùng vào tháng 5-1991. Tăng trưởng kinh tế thế giới chỉ bị cú sốc hạn chế ảnh hưởng với mức tăng trưởng 3,4% năm 1991.
Trong giai đoạn này, Saudi Arabia không giảm sản lượng khai thác để kìm hãm giá dầu như nửa đầu thập niên 1980, thậm chí còn tăng sản lượng rất nhiều, từ 6 triệu thùng/ngày lên hơn 8 triệu thùng/ngày nhằm hạn chế tác động chiến tranh. Với nguồn cung ứng dầu lớn từ Saudi Arabia, giá nhanh chóng được điều tiết và trở lại mức trước chiến tranh. Do đó, những bất ổn có nguồn gốc từ chiến tranh vùng Vịnh chỉ tồn tại một thời gian ngắn.
Hiện nay, các nước sản xuất dầu lớn như Saudi Arabia đã có tinh thần hợp tác ổn định, giá dầu cao hơn so với thời chiến tranh Iran - Iraq. Vì lẽ đó, TS Manuel Maleki đánh giá tình hình hiện nay cho thấy chúng ta có thể đang tiến gần hơn đến kịch bản thứ hai hơn kịch bản thứ nhất. Bối cảnh hiện nay đã khác trước vì hai lý do.
Một mặt, các cơ sở hạ tầng dầu mỏ không bị thiệt hại như trong chiến tranh Iran - Iraq hay chiến tranh vùng Vịnh. Mặt khác, lựa chọn hạn chế hoặc không tiếp cận nguồn dầu khí Nga là lựa chọn chính trị.
Theo TS Manuel Maleki, dù nguồn dầu thô từ Nga có vắng bóng trên thị trường quốc tế, chắc chắn sẽ có lượng dầu khác bù vào nếu Mỹ và Iran đạt được một thỏa thuận về hạt nhân Iran. Iran sẽ quay lại thị trường quốc tế với sản lượng có thể tăng thêm 1 triệu thùng/ngày trong ngắn hạn và 2 triệu thùng/ngày trong dài hạn, chưa tính đến 100 triệu thùng dự trữ sẵn sàng để bán (tương đương 1/4 trữ lượng thương mại hiện tại của Mỹ).
Ngoài ra, các công ty sản xuất dầu của Mỹ chắc chắn sẽ được khuyến khích tăng thêm sản lượng để đạt hơn 11 triệu thùng/ngày như hiện nay.
Cuối cùng, ba nước sản xuất dầu gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Kuwait có thể nhanh chóng tăng tổng sản lượng hiện nay 16 triệu thùng/ngày thêm tối thiểu 1 triệu thùng/ngày khi cần thiết. Như vậy chắc chắn nguồn cung ứng dầu rồi sẽ dồi dào hơn để kiềm chế tăng giá trong giai đoạn trung hạn.
Đồng quan điểm với TS Manuel Maleki, chuyên gia Scott L. Montgomery phân tích có thể có ba giải pháp xoa dịu giá dầu: * Khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran và dỡ bỏ cấm vận dầu thô Iran để đưa thêm dầu vào thị trường. * Bổ sung thêm nguồn cung cấp dầu từ các nước như Guyane, Na Uy, Brazil và Venezuela. * Các nhân tố chính tăng cường thêm nguồn cung ứng dầu vẫn là các nước OPEC với Saudi Arabia giữ vai trò chủ công và Mỹ.
Mỗi cuộc chiến tranh, cùng với tên lửa, dầu mỏ lại được đem ra làm vũ khí để mặc cả và "giải quyết" nhau. Bao giờ thế giới mới thoát được nỗi ám ảnh dầu mỏ?
>> Kỳ tới: Bao giờ thế giới mới hết nỗi ám ảnh dầu mỏ
Ngày 3-7-2008, các hãng tin AFP và Reuters đồng loạt loan tin lần đầu tiên giá dầu thô vượt ngưỡng lịch sử 145 USD/thùng trên các sàn giao dịch điện tử ở châu Á.