Vàng bớt 'lấp lánh', không còn là kênh trú ẩn an toàn?

Chia sẻ Facebook
03/07/2023 21:32:19

Vàng đã trở thành một thứ tài sản kinh tế theo chu kỳ khác, không còn là điềm báo về sự sụp đổ của kinh tế và xã hội nữa

Trong một thế giới của lãi suất cao và đà tăng trưởng thấp, vàng dường như không còn sức hút như trước (Ảnh: Getty)


Trong thập niên 1980, giá vàng như một biến số bất định. Sau Thế chiến II, khi hệ thống Bretton Woods thịnh hành, giá vàng được neo ở mức 35 USD/ounce. Nhưng khi Tổng thống Mỹ Nixon bãi bỏ bản vị vàng, giá kim loại quý này đã tăng vọt lên mức 800 USD/ounce vào năm 1980. Vàng trở thành đề tài thu hút mỗi ngày. Nhiều nhà bình luận cho rằng giá vàng cao là điềm báo thảm hoạ đối với cả tiền pháp định và nền văn minh phương Tây.


Ngay cả khi đang giao dịch ở mức kỷ lục 2.000 USD/ounce, vàng vẫn có vẻ hơi nhàm chán và điều này có thể sẽ tiếp diễn trong tương lai gần. Nghiên cứu mới đây của Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ cho thấy, giá vàng biến động theo một số quy luật. Kể như việc giá vàng giảm khi lãi suất tăng.

Nguyên nhân là bởi bản thân vàng không sinh ra lợi suất, bởi vậy khi lãi suất cao hơn, chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng đắt đỏ hơn. Nếu xét về vấn đề này, vàng cũng giống như nhiều tài sản khác, như tiền mã hoá, các công ty công nghệ và bất động sản.

Giá vàng cũng tăng khi nhu cầu vàng (dưới góc độ một loại hàng hoá) gia tăng. Bởi vậy, đối với một nền kinh tế đang trỗi dậy như Trung Quốc, quốc gia này sẽ có nhu cầu lớn về vàng, chỉ vì nhu cầu sử dụng hàng hoá của họ, và điều đó sẽ làm tăng giá kim loại quý, giống như từng diễn ra vào năm 2002. Ngoài ra còn phải kể đến nhu cầu vàng trang sức khá cao của Ấn Độ, bởi vậy khi quốc gia này trở nên giàu có hơn, nhu cầu vàng tăng và gây áp lực cho giá vàng.

Theo cả hai cơ chế trên, vàng không còn là nơi trú ẩn an toàn trong những thời điểm tồi tệ, bởi nó tương quan với cả lãi suất thấp lẫn đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Vàng đã trở thành một thứ tài sản kinh tế theo chu kỳ khác, và đó là lý do vì sao mà giá vàng không còn được theo dõi sát sao như trước kia hay được xem như điềm báo về sự sụp đổ của xã hội và kinh tế nữa. Thay vào đó, việc giá vàng tăng hoặc ở mức cao cũng hoàn toàn bình thường.

Giá vàng dường như diễn biến rất kịch tính trong những năm xung quanh 1980 bởi các thị trường và giá cả bị dồn nén trong quá lâu trong những năm trước đó. Bởi vậy, vào thời điểm đó rất khó để biết được vàng có thực sự đáng giá hay không bởi rất nhiều mức giá chưa được thử nghiệm nhiều trên các thị trường, và bằng các quy trình thị trường để thử sai và khám phá giá trị.

Có một bài học sâu sắc hơn ở đây, có lẽ là liên quan tới cả tiền mã hoá. Nếu chính phủ các nước muốn bình thường hoá một loại tài sản và việc định giá chúng, họ thường phải "ngó lơ" chúng một thời gian và đơn giản là để cho thời gian trôi qua.

Một bài học khác là, lịch sử gần đây về giá vàng không báo hiệu tốt cho sự tái thiết của một bản vị vàng trong tương lai. Trong số tất cả bản vị vàng, thì bản vị vàng do Anh đưa ra vào thế kỷ 19 mang lại một số hiệu quả kinh tế vĩ mô tương đối tốt. Thế nhưng, thế giới hiện đại lại có nhiều đặc điểm rất khác biệt. Vào thế kỷ 19, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi rất chậm, và nhu cầu vàng như một loại hàng hoá khá ổn định, từ đó khiến cho giá vàng cũng ổn định.

Mới đây hơn, các nền kinh tế như Trung Quốc đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, từ đó khiến giá hàng hoá tăng mạnh (và đôi lúc giảm). Ví dụ, giai đoạn 2002-2012 giá vàng tăng (hơn 4 lần) sẽ gây ra sức ép giảm phát nhiều hơn đối với nền kinh tế toàn cầu. Nếu giá của một đơn vị vàng được cố định, giống như trong một bản vị vàng, thì giá trị tương đối của vàng tăng lên có nghĩa là tất cả các loại giá khác và tiền lương sẽ phải điều chỉnh giảm, một kịch bản kinh tế vĩ mô nguy hiểm.

Những thay đổi lớn về giá trị tương đối của vàng sẽ là thảm hoạ dưới chế độ bản vị vàng, nhưng dưới hiện trạng thì không có gì đáng quan ngại. Vàng, giống như nhiều loại hàng hoá khác, có nguồn cung tương đối ít co giãn trong ngắn hạn. Điều đó có nghĩa rằng nếu nhu cầu tăng, phải mất một khoảng thời gian trước khi nhiều vàng hơn được đưa vào thị trường.

Trong khoảng thời gian đó, giá vàng có thể tăng mạnh, cũng giống như lúc giảm mạnh khi nhu cầu thấp. Nhưng cả hai trường hợp giá vàng này đều không nói lên quá nhiều về tiến trình tương lai rộng lớn hơn của lịch sử thế giới.

Các nhà bình luận về thị trường tài chính thường thích nhấn mạnh về những điều bí ẩn, bong bóng đầu cơ và các vụ sập. Nhưng đôi khi thực tế còn phũ phàng hơn, và chúng ta có thể thấy điều đó xảy ra cả với vàng. Điều này nghe có vẻ gây sốc và trái ngược, nhưng lại đúng trong thế giới kinh tế./.


Theo Wall Street Journal

Chia sẻ Facebook