Vàng, bất động sản, chứng khoán, USD: Kênh đầu tư nào sinh lời cao nhất trong 5, 10, 15 và 21 năm qua?
Nếu đầu tư cổ phiếu từ 21 năm trước, bình quân số tiền thu về hiện gấp hơn 19 lần. Con số này đối với kênh bất động sản là 10,6 lần, trái phiếu là 6,6 lần, vàng là 6,1 lần, còn USD chỉ tăng 58%.
Theo dữ liệu của Dragon Capital, trong 5 năm gần đây, cổ phiếu là kênh có tỷ suất sinh lời cao nhất lên tới 19,2%/năm (tương đương tăng 140%). Điều này đồng nghĩa, bình quân nhà đầu tư có thể thu về số tiền 2,4 tỷ đồng nếu tham gia đầu tư 1 tỷ đồng từ năm 2017.
Trong khi bất động sản có tỷ suất sinh lời bình quân là 12,1%/năm (tương đương tăng 77% trong 5 năm qua); trái phiếu là 9,8% (tương đương tăng 60% trong 5 năm qua). Hai kênh sinh lời kém nhất là vàng 6,1%/năm (tương đương tăng 34%) và USD 0,2% (tương đương tăng vỏn vẹn 1%).
Còn tính chung trong 10 năm qua, cổ phiếu cũng có tỷ suất sinh lời bình quân cao nhất ở mức 15,8%/năm (tương đương gấp 4,3 lần); trái phiếu có tỷ suất sinh lời cao thứ hai là 9,9%/năm (tương đương gấp 2,6 lần); bất động sản có tỷ suất sinh lời 8,9%/năm (tương đương gấp 2,3 lần); vàng và usd có tỷ suất sinh lời lần lượt là 1,7%/năm và 0,9%/năm, tương đương tăng 18,4% và 9,4% trong 10 năm qua.
Xét trong 15 năm, bất động sản lại là kênh đầu tư hiệu quả nhất với tỷ suất sinh lời bình quân lên đến 11,5%/năm. Điều này đồng nghĩa, nếu rót 1 tỷ vào bất động sản từ năm 2007 nhà đầu tư có thể thu được khoản tiền hơn 5,1 tỷ đồng, tính theo tốc độ sinh lời chung của thị trường.
Mức sinh lời bình quân của kênh cổ phiếu trong 15 năm qua là 10,8%/năm (tương đương gấp 4,7 lần), kênh trái phiếu là 9,1%/năm (tương đương gấp 3,7 lần); vàng là 7,2%/năm, (tương đương 2,8 lần) và USD là 2,4% (tương đương tăng 43%).
Xa hơn trong khoảng thời gian 21 năm, cổ phiếu lại chứng tỏ là kênh sinh lời vượt trội với tỷ suất lên tới 15,9%/năm, đồng nghĩa số tiền thu về gấp hơn 19 lần số vốn đầu tư ban đầu. Đứng kế sau là bất động sản với tỷ suất sinh lời bình quân 11,9%, tức gấp 10,6 lần; trái phiếu 9,4% (tương đương gấp 6,6 lần); vàng là 9% (tương đương gấp 6,1 lần) và USD là 2,2% (tương đương tăng 58%).
Theo ông Bùi Minh Long, Trưởng phòng quản lý danh mục đầu tư quỹ DCDS, Dragon Capital Việt Nam, kênh đầu tư tốt nhất là kênh đem lại nhiều giá trị gia tăng nhất cho xã hội.
Ông Long, những kim loại quý như vàng bạc là kênh đầu tư tạm ổn trong ngắn hạn trước những biến động địa chính trị thế giới. Tuy nhiên về dài hạn, kênh đầu tư này có hiệu quả không cao vì không tạo ra giá trị gia tăng, đây thường được coi là kênh trú ẩn rủi ro nhiều hơn là đầu tư.
"Nếu đầu tư dài hạn 10 năm vào vàng, bạn chỉ có được mức sinh lời cao trong 1 – 2 năm xảy ra khủng hoảng nhưng đã bỏ phí 8 năm còn lại".
Với kênh gửi tiết kiệm, ông Minh cho rằng đây là kênh đầu tư an toàn nhưng có tỷ suất sinh lời không cao do mặt bằng lãi suất thấp. Do đó, vị chuyên gia này cho rằng những nhà đầu tư các khẩu vị an toàn cao thay vì gửi tiết kiệm có thể chuyển một phần sang kênh trái phiếu hoặc quỹ đầu tư trái phiếu để có hiệu suất sinh lời cao hơn.
Đánh giá kênh đầu tư bất động sản tại Việt Nam, ông Minh nhận định dù không tạo ra giá trị gia tăng nhưng tình trạng gia tăng dân số và quá trình đô thị hóa giúp giá bất động sản luôn luôn tăng trong dài hạn. Do đó, tiềm năng tăng giá của thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn nhiều.
Lý giải về khả năng sinh lời vượt trội của kênh chứng khoán, chuyên gia của Dragon Capital cho rằng cổ phiếu là đại diện cho các doanh nghiệp – đây là tầng lớp tạo ra nhiều giá trị gia tăng nhất cho xã hội.
"Khi chúng ta ngồi đây vẫn còn bàn luận về các vấn đề đại chính trị thì các doanh nghiệp ngoài kia vẫn tiếp tục hoạt động và tìm kiếm các cơ hội kinh doanh sinh lời khác nhau", ông Minh chia sẻ.
Mặc dù là những kênh đầu tư hấp dẫn nhưng theo ông Minh, chứng khoán và bất động sản là kênh đầu tư có tính rủi ro cao hơn và dành cho người có chuyên môn.
Theo Quốc Thụy
Nhịp sống kinh tế