Vạn Thịnh Phát: Bà Trương Mỹ Lan 'phản cung' về việc nắm giữ cổ phần ở Ngân hàng SCB
Trong phiên xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát ngày 11/3, bà Trương Mỹ Lan đã phủ nhận lời khai trước đó với cơ quan điều tra về việc thâu tóm Ngân hàng SCB với 91,5% cổ phần nắm giữ.
Chụp lại hình ảnh,
Bà Trương Mỹ Lan tại phiên tòa đầu tiên xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát
11 tháng 3 2024
Theo cáo trạng, từ năm 2011, bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm ba ngân hàng tư nhân (Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ), Ngân hàng Đệ Nhất và Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa) để hợp nhất thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Thời điểm làm việc với cơ quan điều tra, bà Trương Mỹ Lan khai nhận, để sáp nhập thành công ba ngân hàng nói trên, bà Lan phải sở hữu ít nhất 65% cổ phần trở lên để các cổ đông khác không chống đối việc hợp nhất.
Để thực hiện việc này, bà Trương Mỹ Lan đã thu gom mua cổ phần Ngân hàng Đệ Nhất và nhờ người thân, người quen đứng tên trong năm 2011, theo hồ sơ của cơ quan điều tra.
bà Lan khai nhận, thời điểm ngày 1/1/2012, khi ba ngân hàng hợp nhất, thông qua 74 pháp nhân, cá nhân sở hữu/chi phối hơn 85% cổ phần SCB
Tuy nhiên, trong phiên xét xử sáng 11/3, bà Lan lại phản cung, nói rằng: "Chưa bao giờ tôi xác nhận cổ phần tôi tại SCB là 91%."
Bà Lan 'xót xa' khi tòa nói thâu tóm SCB
Khi bà Trương Mỹ Lan lên bục khai báo sáng nay, Hội đồng Xét xử (HĐXX) nêu nội dung: "Dù không giữ chức vụ trong SCB nhưng bị cáo nắm 85-91% cổ phần của ngân hàng."
Bà Trương Mỹ Lan đã phủ nhận điều này và nêu rằng phần tự khai cũng không đúng sự thật.
"Bị cáo và gia đình nắm dưới 15%, 30% là cổ đông nước ngoài, khoảng 30% là nhờ bạn bè đứng tên giùm. Chưa bao giờ tôi xác nhận cổ phần tôi tại SCB là 91%. Bản tự khai có phần đúng, phần chưa chính xác," cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nói.
HĐXX chất vấn: "Bị cáo giải thích gì về việc tất cả người nắm cổ phần pháp lý đều xác nhận cổ phần đứng tên Trương Mỹ Lan?"
Bà Lan khai: "Lúc hợp nhất, họ chỉ biết bị cáo đứng tên giúp SCB. Những người đứng tên giùm họ không biết mặt tôi. Họ khó khăn không có việc làm nên được Tạ Chiêu Trung nhờ đứng giúp," bà Lan nói và lý giải cổ phần này là của bạn bè bà nhờ đứng giùm.
Bà Lan trình bày khi mới bị bắt, cơ quan điều tra hỏi bà có nhớ những cổ đông nước ngoài đứng tên giùm không, bà Lan nói không thể nhớ nổi.
"Những người đứng tên giùm chỉ muốn giúp SCB," bà Lan nói.
Về chi tiết cáo trạng thể hiện bị cáo Lan nắm giữ 91,5% cổ phần SCB, bà Lan nói không đúng, bà nói chỉ nắm 4,9% cổ phần, hai con gái 10%; bạn bè ở nước ngoài 30%, bạn bè ở Việt Nam hơn 35%.
Chủ tọa nói: "Cáo trạng không xác định bị cáo khai nhận mình có 91% cổ phần SCB, mà cáo trạng nêu rằng, từ nhiều nguồn chứng cứ khác, thể hiện bị cáo nắm từ 81 - 91,5%. Trong đó, bị cáo chỉ có 4,9%, số còn lại là người thân, bạn bè bị cáo đứng tên. Và những người đứng tên này đều giải thích đứng dùm cho Trương Mỹ Lan, tiền của Trương Mỹ Lan."
Bà Lan giải thích: "Về cổ phần là không đúng, không biết có lời khai nào của bị cáo để cơ quan điều tra hiểu nhầm không."
"Chưa bao giờ tại cơ quan điều tra, bị cáo xác nhận rằng bị cáo có 91,5%," bà Lan khẳng định.
Chưa hết, về việc sáp nhập ba ngân hàng thành SCB, bà Lan còn nói rằng bà được một số lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước "động viên", nhờ đích danh bà đứng ra giúp đỡ, "bằng mọi giá phải kêu họ tiếp tục hợp nhất" vì bà có "có tiếng nói, có uy tín".
"Tiếp theo, Ngân hàng Nhà nước nhờ tôi phải đi kêu gọi bạn bè đầu tư, để làm sao phải nắm số cổ phần trên 65%, nhóm này góp tiếng nói cùng bị cáo để hợp nhất thành công.
"Lúc đầu tôi từ chối nhiều lần vì tôi không có nghiệp vụ ngân hàng, các anh ở Ngân hàng Nhà nước đã trấn an tôi an tâm, vì tôi có tiếng nói, uy tín với các cổ đông.
"Vị trí của tôi chỉ là giúp giải quyết tài sản chứ không điều hành. Nếu tôi như cáo trạng nói, thì không thể ngày hôm nay tất cả tài sản của tôi đều nằm ở SCB, của cả gia tộc nợ nần," bà Lan khai.
Chụp lại video,
Bà Trương Mỹ Lan 'rút ruột' ngân hàng SCB 304 ngàn tỷ đồng như thế nào?
Trong quá trình xét xử, bà Lan lên tiếng "xin" HĐXX không dùng từ thâu tóm khi nói về hành vi của bà tại Ngân hàng SCB vì "mỗi lần nghe tôi xót xa".
Về cáo buộc đưa người thân tín vào SCB nắm giữ các chức vụ quan trọng, bà Lan khẳng định những người ở SCB không phải người thân tín.
"Tất cả người ở SCB đều không phải người thân tín của tôi, nếu thân tín của tôi thì không thể làm mấy tháng một năm rồi nghỉ, kể cả bà Nguyễn Thị Thu Sương, Lê Khánh Hiền, Võ Tấn Hoàng Văn.
"Võ Tấn Hoàng Văn là tổng giám đốc một năm gặp tôi không được bao nhiêu lần, một tổng giám đốc SCB tại sao không dám nói sự thật," bà Lan nói.
Chụp lại hình ảnh,
Cựu Tổng Giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn đã khai về quá trình đưa 5,2 triệu USD tiền mặt để hối lộ bà Đỗ Thị Nhàn - cựu Cục trưởng Cục Thanh tra thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Trong vụ Vạn Thịnh Phát, ông Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc SCB) là người bị cáo buộc đưa hối lộ số tiền 5,2 triệu USD cho cựu Cục trưởng Đỗ Thị Nhàn, Trưởng đoàn thanh tra thuộc Ngân hàng Nhà nước. Ông Văn cũng là người "tố giác" hành vi nhận hối lộ của bà Nhàn.
Đối với việc chi tiền cho bà Nhàn do ông Văn thực hiện, bà Trương Mỹ Lan không thừa nhận mình đã chỉ đạo.
Bà Nguyễn Thị Thu Sương là người đang bỏ trốn, bị truy nã và bị xét xử vắng mặt. Bà là cựu Chủ tịch hội đồng quản trị SCB và từng làm việc cho bà Trương Mỹ Lan vào năm 2008. Giai đoạn đó, bà là trợ lý Ban Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Vạn Thịnh Phát.
Tóm tắt diễn biến
Ngày 11/3, phiên tòa Vạn Thịnh Phát đi đến phần xét hỏi bà Trương Mỹ Lan và ông Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch tập đoàn Capella) - hai bị cáo cuối cùng trong số 79 bị cáo có mặt tại tòa.
Bà Trương Mỹ Lan bị xét xử ba tội: tham ô tài sản, đưa hối lộ và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Riêng ông Nguyễn Cao Trí (chủ tịch Công ty Capella) bị cáo buộc về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản - ông là người duy nhất trong phiên tòa không bị cáo buộc là đồng phạm của bà Trương Mỹ Lan. Ngược lại, bà Lan là người bị hại do ông Trí Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 40 triệu USD (khoảng 1.000 tỷ đồng).
Theo cáo trạng, thời điểm sau khi bà Lan bị bắt giam, ông Trí đã chỉ đạo trợ lý soạn thảo các văn bản điều chỉnh giá và thanh lý toàn bộ hợp đồng chuyển nhượng đã ký trước đó. Mục đích làm việc này của ông Trí nhằm xóa bỏ quyền sở hữu tại Công ty Văn Lang của bà Lan để chiếm đoạt tiền, cáo trạng nêu.
Trước tòa sáng nay, ông Trí thừa nhận hành vi chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng.
"Tội danh thì bị cáo không ý kiến nhưng bối cảnh thì bị cáo nói thêm. Bị cáo suy nghĩ cho chị Lan rằng với tư cách doanh nhân, chị muốn công khai quan hệ thế nào với bị cáo. Sau suy nghĩ bị cáo thấy hành vi không đúng. Gia đình đã nộp tiền mặt hơn 700 tỷ, phong tỏa tài sản hơn 300 tỷ. Tại phiên tòa, bị cáo mong tiếp tục nộp toàn bộ tiền mặt vì tài khoản bị cáo đủ số tiền," ông Trí nói.
Ngoài ra, ông Nguyễn Cao Trí nói hiện có 4-5 doanh nghiệp chiếm dụng và nợ ông khoảng 1.500 tỷ đồng. Ông mong cơ quan điều tra và tòa giúp thu hồi để khắc phục nhanh hậu quả vụ án và xin được nhận khoan hồng.
Chụp lại video, Đại án Vạn Thịnh Phát: Giải mã những con số kỷ lục
Với tư cách bị hại, bà Trương Mỹ Lan cho biết quan hệ giữa bà và ông Trí là chị em bạn bè và đã lên tiếng xin giảm nhẹ hình phạt cho ông Trí.
Bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị cáo buộc đã rút của ngân hàng SCB số tiền là một triệu tỷ đồng trong khoảng thời gian 10 năm từ 2012 đến 2022, qua 2.527 khoản vay.
Nhưng đến ngày 17/10/2022, nhóm khách hàng của bà Trương Mỹ Lan còn 1.284 khoản vay với tổng dư nợ là 677.286 tỷ đồng (gồm 483.971 nợ gốc và 193.315 nợ lãi). Đây là số tiền được xác định là không thể thu hồi.
Con số 677.286 tỷ đồng được chia làm hai giai đoạn.
Từ năm 2012-2017 là 132.247 tỷ (68.305 tỷ nợ gốc và 63.942 tỷ lãi)
Từ năm 2018-2022 là 545.039 tỷ (415.666 tỷ nợ gốc và 129.373 tỷ lãi)
Sau khi đã trừ đi các tài sản đảm bảo, bà Lan và các cộng sự bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 498.000 tỷ đồng (20 tỷ USD). Đây là số thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay trong một vụ án.
Trong số 86 người bị truy tố, chỉ có 79 người có mặt tại phiên tòa, năm bị cáo khác đang bị truy nã, hai người còn lại có đơn xin xét xử vắng mặt do sức khỏe không đảm bảo.
Các bị cáo trên bị xét xử tám tội danh gồm: tham ô tài sản, đưa hối lộ, nhận hối lộ, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (BLHS 1999), vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng (BLHS 2015), lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Năm người trốn truy nã đều là cựu lãnh đạo, cán bộ của ngân hàng SCB: Đinh Văn Thành và Nguyễn Thị Thu Sương (cùng là cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB), Trầm Thích Tồn (thành viên HĐQT Ngân hàng SCB), Chiêm Minh Dũng (cựu Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) và Nguyễn Lâm Anh Vũ (cựu Phó Giám đốc Ngân hàng SCB chi nhánh Bến Thành).