Vấn nạn dùng 'sổ đỏ' giả để lừa đảo

Chia sẻ Facebook
21/05/2023 08:23:24

Các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được làm giả tinh vi tới mức mắt thường không thể phát hiện, thậm chí nhân viên văn phòng công chứng cũng đành “bó tay” nếu không kiểm tra kỹ trên hệ thống quản lý đất đai.

Thông thường, sự việc chỉ bị vỡ lở khi cơ quan Công an vào cuộc xác minh hoặc lúc phát sinh tranh chấp, các cá nhân, tổ chức liên quan đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra...


Trích lục đóng dấu… doanh nghiệp

Ngày 9/5 vừa qua, Công an huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Hồ Văn Hưng (SN 1994, ngụ xã Đà Loan, huyện Đức Trọng, chủ sở hữu Công ty TNHH Dũng Đại Phát Lâm Đồng, chi nhánh 3 tại huyện Đức Trọng), để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.


Công an làm việc với đối tượng Hoàng Văn Hiền

Là người sinh sống tại địa phương, Hưng biết nhiều gia đình tại xã Tà Hine, huyện Đức Trọng đang có nhu cầu làm trích lục cho các thửa đất nhưng nhiều năm qua không thể làm được vì hầu hết liên quan tới đất lâm nghiệp hoặc đất thuộc các dự án đã được cấp có thẩm quyền giao cho doanh nghiệp. Với tài ăn nói, Hưng khẳng định mình có mối quan hệ rộng, có thể làm được trích lục cho những gia đình đang có nhu cầu.

Tin những lời khoe mẽ của đối tượng này là thật, ít nhất 6 hộ dân tại xã Tà Hine, huyện Đức Trọng đã “nhờ” Hưng đứng ra làm trích lục các thửa đất cho họ. Theo thỏa thuận, mỗi gia đình phải trả cho đối tượng này 24 triệu đồng, đưa trước 12 triệu đồng, số tiền còn lại Hưng sẽ nhận khi bàn giao trích lục có giá trị pháp lý. Sau đó, Hồ Văn Hưng đã thuê dịch vụ đo đạc hết 10 triệu đồng và cùng 6 hộ trên tiến hành đo đạc đất đai trên thực địa.

Khi đơn vị đo đạc cung cấp các tờ họa đồ thửa đất, Hưng đề nghị sửa phần “họa đồ thực tế” thành “họa đồ trích lục”. Có được họa đồ này, Hồ Văn Hưng ký và đóng dấu Công ty TNHH Dũng Đại Phát Lâm Đồng chi nhánh 3 vào phần ký, xác nhận của cơ quan chuyên môn tại tờ trích lục. Do nhận thức hạn chế, không biết đọc tiếng Việt nên các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhầm tưởng giấy tờ Hưng đưa là trích lục thửa đất do cơ quan chức năng cấp. Với thủ đoạn này, Hồ Văn Hưng đã chiếm đoạt của 6 hộ với số tiền tổng cộng 144 triệu đồng.


Hai đối tượng Cao Xuân Hồng và Hồ Lê Vy

Cơn sốt đất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trước thời điểm năm 2022 cũng đã khiến cho loại tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản liên quan tới sử dụng “sổ đỏ” giả tăng mạnh. Thời điểm đất “sốt sình sịch”, các giao dịch liên quan tới đất đai diễn ra sôi động, nhiều đối tượng đã nhận làm “sổ đỏ” giả, sử dụng để lừa đảo, trong đó hình thức phổ biến nhất là dùng “sổ đỏ” giả để giao dịch, cầm cố, thế chấp, sang nhượng quyền sử dụng đất…

Lợi dụng nhu cầu làm “sổ đỏ” của người dân, nhiều đối tượng có hành vi xấu đã chủ động liên hệ với những người đang có nhu cầu để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn. Khi đã đạt được thỏa thuận với những người đang có nhu cầu làm “sổ đỏ”, kẻ lừa đảo lấy thông tin về thửa đất, họ tên, địa chỉ của bị hại rồi liên hệ, đặt làm “sổ đỏ” giả qua mạng xã hội. Mỗi “sổ đỏ” giả đối tượng lừa đảo nhận của bị hại từ vài chục triệu tới cả trăm triệu đồng tùy vào vị trí và giá trị thửa đất. Với cách làm tinh vi, giống hệt thật, nếu không nhờ các cơ quan chức năng kiểm tra trên hệ thống quản lý Nhà nước về đất đai thì rất khó để phát hiện đây là “sổ đỏ” giả.

Không ít trường hợp chỉ phát hiện ra sổ giả khi đem đi thực hiện việc sang tên quyền sử dụng đất hoặc có phát sinh tranh chấp, cơ quan chức năng vào cuộc xác minh. Thông thường, khi các bị hại phát hiện sự việc thì kẻ lừa đảo đã ôm tiền “cao chạy xa bay”, buộc cơ quan Công an phải vào cuộc truy tìm, lần theo dấu vết và phải mất rất nhiều thời gian để điều tra, làm rõ.

Đối tượng Hồ Văn Hưng (ngoài cùng bên trái) dùng dấu công ty đóng vào trích lục để lừa đảo chiếm đoạt tài sản


Hàng loạt người “sập bẫy”

Tháng 7/2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng nhận được văn bản của TAND huyện Đức Trọng về việc phát hiện “sổ đỏ” có dấu hiệu bị làm giả trong vụ án tranh chấp giữa một cá nhân với Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), đồng thời đề nghị Công an tỉnh Lâm Đồng làm rõ.

Vào cuộc điều tra, đến nay Công an tỉnh Lâm Đồng đã có đủ căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Hoàng Thị Bích Châu và Hoàng Văn Xuân (cùng trú tại xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng). Kết quả điều tra xác định, để vay được tiền, Châu đã nhờ chú ruột là Xuân đứng tên trong “sổ đỏ” giả.


Đối tượng Hoàng Thị Bích Châu

Sau đó, Xuân dùng sổ giả này thế chấp tại Ngân hàng ACB, vay 1,2 tỉ đồng. Số tiền vay được Xuân chuyển cho Châu sử dụng. “Sổ đỏ” giả trên chỉ bị phát hiện khi phía ngân hàng khởi kiện ông Xuân yêu cầu trả tiền gốc và lãi đã vay. Điều đáng nói, trước đó Châu cũng đã bị Công an huyện Lâm Hà khởi tố về hành vi sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối tượng này đã sử dụng “sổ đỏ” giả thế chấp tại một ngân hàng khác vay 700 triệu đồng.

Theo cơ quan Công an, loại giấy tờ các đối tượng dùng để làm sổ giả rất giống thật, từ màu sắc, cỡ chữ cho đến con dấu, chữ ký... nên dễ dàng qua mắt các văn phòng công chứng. Nếu quan sát bằng mắt thường, hầu như không ai phát hiện ra đây là những sổ bị làm giả. Do đó, các nạn nhân chỉ phát hiện ra mình bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi đem sổ này ra thực hiện các giao dịch liên quan tới quyền sử dụng đất, hoặc phát sinh tranh chấp khiến cơ quan chức năng vào cuộc.

Cũng với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan tới dùng “sổ đỏ” giả, vừa qua Công an tỉnh Lâm Đồng cũng đã bắt tạm giam Cao Xuân Hồng và Hồ Lê Vy (đều ngụ tại TP Bảo Lộc). Theo cơ quan điều tra, Cao Xuân Hồng đã sử dụng “sổ đỏ” giả số hiệu DA992613 thế chấp cho bà N.T.K.H (TP Bảo Lộc) để mượn 7,3 tỉ đồng. Tiếp đó, Hồng sử dụng một sổ giả khác, số hiệu CB898426 thế chấp cho bà H với số tiền 8,6 tỉ đồng để trừ nợ. Sau khi trừ đi 7,3 tỉ đồng, còn dư 1,3 tỉ đồng, Hồng tiếp tục đưa ra nhiều thông tin sai sự thật để lừa bà H và được bà cho vay thêm 6,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi bà H phát hiện ra 2 sổ giả thì Hồng thừa nhận sự việc, đồng thời hứa với nạn nhân sẽ hoàn trả lại 13,8 tỉ đồng.

Sổ đỏ giả được Công an huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng phát hiện

Không dừng lại, Hồng còn tiếp tục dùng “sổ đỏ” thật, số hiệu DD 780808 đứng tên bà T.T.T (bà T thuê Hồng làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất và xin giấy phép xây dựng nhà) để vay bà H thêm 1,2 tỉ đồng. Sợ bị lừa như những lần trước, bà H yêu cầu Hồng phải đưa bà T (người đứng tên trong sổ đỏ) đến để lập hợp đồng ủy quyền sử dụng thửa đất trên cho bà H.

Để lừa nạn nhân, lần này Hồng nhờ bạn gái là Hồ Lê Vy đóng giả người đứng tên trong sổ đến gặp bà H lập hợp đồng ủy quyền. Lúc gặp nhau, Vy giả vờ quên đem theo các giấy tờ tùy thân nên các bên chỉ ký kết, lăn tay xác nhận. Lần này, bà H cho Hồng vay thêm 1,2 tỉ đồng. Khi phát hiện bị Hồng và Vy cấu kết với nhau để lừa mình, bà H đã yêu cầu Hồng hoàn trả tiền nếu không sẽ trình báo vụ việc đến cơ quan Công an.

Hồng thừa nhận việc lừa bà H nhưng xin cho thêm thời gian để trả lại tiền. Ít ngày sau, Hồng lấy lý do mượn lại các “sổ đỏ” đã thế chấp cho bà H để mang đi vay tiền ở chỗ khác lấy tiền trả nợ nên bà H đã đưa lại cho Hồng 2 sổ này. Sau đó, Hồng đã trả lại sổ số hiệu DD780808 cho bà T, sổ giả số hiệu DA922613 được Hồng thế chấp cho ông T.N.A.Q (TP Bảo Lộc) vay 850 triệu đồng lấy tiền sử dụng vào mục đích cá nhân. Sau nhiều lần hứa hẹn nhưng Hồng không trả lại tiền cho bà H, nạn nhân mới có đơn tố cáo tới Công an tỉnh Lâm Đồng.

Cũng liên quan tới loại tội phạm trên, Công an huyện Di Linh đã bắt giữ Hoàng Văn Hiền (SN 1986, trú tại xã Liên Đầm, huyện Di Linh). Chỉ trong thời gian ngắn, đối tượng đã “sản xuất” ra hàng loạt “sổ đỏ” giả. Hiền luôn rêu rao mình quen biết rộng, có khả năng làm sổ cho nhiều thửa đất đang “gặp khó”.

Tin tưởng đối tượng này, không ít người đã “nhờ” Hiền làm sổ cho mình. Có được dữ liệu về thửa đất và thông tin người muốn làm sổ, Hiền gửi đi in ấn, hai tuần sau gửi trả “sổ đỏ” giả cho các nạn nhân. Mỗi sổ giả, đối tượng nhận từ 30-50 triệu đồng của các bị hại. Thời điểm khám xét chỗ ở của Hiền, cơ quan Công an phát hiện có 8 “sổ đỏ” giả còn chưa kịp gửi trả cho các nạn nhân.

Theo Công an tỉnh Lâm Đồng, ngoài những “sổ đỏ” giả được phát hiện trong các vụ án trên, có thể vẫn còn nhiều sổ giả khác, thậm chí ngay chính các nạn nhân cũng không hay biết. Để chủ động phát hiện, phòng tránh vấn nạn “sổ đỏ” giả, luật sư Lê Cao Tánh, Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng cho biết, trước khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc thực hiện các giao dịch liên quan tới “sổ đỏ”, các bên cần phải kiểm tra kỹ về tình trạng thửa đất, ai mới là người chủ sử dụng hợp pháp và được nhà nước cấp sổ. Có nhiều cách để kiểm tra về nguồn gốc thửa đất trước khi nhận chuyển nhượng hoặc nhận thế chấp, cầm cố.

Đối với việc cầm cố, thế chấp “sổ đỏ” để vay mượn tiền, người nhận cầm cố, thế chấp nên lập hợp đồng công chứng, chứng thực, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm tra tính xác thực. Đối với việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, sau khi xác minh được nguồn gốc, tính hợp pháp của “sổ đỏ” và thửa đất, ngay khi lập hợp đồng đặt cọc tại văn phòng công chứng, người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất cần có đơn gửi Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tại địa phương, đề nghị cung cấp về dữ liệu thửa đất đã có hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng.

“Chỉ có cơ quan chức năng có thẩm quyền mới có thông tin đầy đủ, chính xác về thửa đất và hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cũng chỉ có cơ quan có thẩm quyền mới xác định được chủ sử dụng đất hợp pháp và “sổ đỏ” đã cấp cho ai, vào thời điểm nào, hiện trạng thửa đất ra sao!.. Thực tế tại Lâm Đồng hiện nay đã có rất nhiều vụ án liên quan tới “sổ đỏ” giả, nếu không kiểm tra kỹ trước khi thực hiện giao dịch, người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhận thế chấp  rất dễ sập bẫy “sổ đỏ” giả của những kẻ lừa đảo!..”, luật sư Lê Cao Tánh cho biết.

Chia sẻ Facebook