Văn mẫu, không chỉ là chuyện học đường

Chia sẻ Facebook
19/09/2023 07:01:32

Một trong những “tệ nạn” có thâm niên của ngành giáo dục nói chung và của việc dạy môn Văn trong nhà trường phổ thông nói riêng, ở ta, là “tệ nạn” có tên “văn mẫu”.

Nó xuất phát từ việc người ta – tôi phiếm chỉ “người ta”, bởi tham gia vào cái khối “người ta” này là rất nhiều người, không đếm xuể, trong đó có không ít những vị đầy uy vọng của giáo giới – biên soạn và cho xuất bản những cuốn sách để giáo viên và học sinh phổ thông tham khảo, mà ở đó, các bộ đề thi môn Văn qua nhiều năm đã được giải quyết trọn vẹn, hoặc các tác phẩm văn học trong nội dung chương trình giảng dạy đã được phân tích, chứng minh kỹ càng dưới dạng một bài nghị luận hoàn chỉnh. Cái đó được mặc định là “văn mẫu”, theo nghĩa là hình thức mẫu mực, thậm chí là khuôn vàng thước ngọc, cho việc thực hiện một kiểu đề thi, hoặc cho cách nghị luận về những tác phẩm văn học cụ thể nằm trong chương trình.

Ảnh minh họa.


Mẫu như thế, xét cho công bằng, cũng chưa gây nên tội vạ gì, có khi nó còn là cần thiết cũng nên. Bởi vì, ngẫm cho kỹ, trong bất cứ một lĩnh vực hoạt động xã hội nào, bất cứ một ngành nghề nào, cũng đều phải có một hệ thống những tiêu chí mang tính chuẩn mực để tất cả noi theo, và để tiện cho việc đánh giá, phân loại kết quả của hoạt động. Hàng mẫu (thường chỉ bày không bán) là những sản phẩm mẫu mực nhất của một kiểu loại hàng hóa, đáp ứng những tiêu chuẩn đánh giá chất lượng khắt khe nhất, và nếu các sản phẩm cùng kiểu loại không đạt được những tiêu chuẩn đánh giá ấy như hàng mẫu, chúng sẽ bị coi là hàng lỗi, hỏng, kém chất lượng. Người mẫu cũng vậy. Trong ngành thời trang, người mẫu được mặc định là những người sở hữu thân hình đạt tiêu chuẩn cao nhất về nhân trắc học – tất nhiên cái tiêu chuẩn nhân trắc học này sẽ biến đổi qua từng thời kỳ, theo quan niệm về cái đẹp mỗi lúc mỗi khác nhau – cộng với diện mạo và “thần thái” khi biểu diễn nữa, họ là những người khiến cho bộ trang phục hay món trang sức cần được lăng xê trở nên đẹp đẽ nhất, có sức hấp dẫn lớn nhất.

Cán bộ, công chức, viên chức (ở ta) cũng có mẫu: ấy là những chiến sỹ thi đua, những lao động tiên tiến xuất sắc qua các cuộc bình bầu nảy lửa hàng năm ở mỗi cơ quan, không đạt được những danh hiệu này ắt sẽ chỉ là loại lao động tầm thường. Học sinh phổ thông (ở ta) cũng có mẫu: ấy là những em đạt những danh hiệu,, không đạt được những danh hiệu này thì bị coi là học sinh cá biệt... Nhân vật chính trong tác phẩm “Sống như anh” của nhà văn Trần Đình Vân (1965), tức liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi, “người công nhân thành phố Sài Gòn”, thì chắc chắn là một mẫu tuyệt vời cho hình ảnh người chiến sỹ cách mạng kiên trung, quyết tử cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Ví dụ thì nhiều vô kể, nhưng tôi xin trở lại với dòng chính: văn mẫu trong việc dạy và học môn Văn ở trường phổ thông như nó đã diễn ra nhiều năm nay. Tôi khẳng định: văn mẫu rất cần thiết, nhưng chỉ nên cần thiết như một tham khảo quan trọng đối với giáo viên và học sinh, và chỉ thế thôi. Còn khi văn mẫu được xem như chính bản và duy nhất, cốt để đạt điểm cao khi đi thi, thì coi như mọi sáng tạo của thầy khi dạy cũng như mọi sáng tạo của trò khi học môn Văn đều đã bị triệt tiêu.

Tất cả chỉ còn là các bản dập của cái bản chính và duy nhất kia, tức văn bản văn mẫu, mà thôi. Nếu muốn diễn đạt cách khác, thì tất cả chỉ giống như những chiếc usb: nạp dữ liệu đầu này và nhả dữ liệu ở đầu kia, không hơn. (Ấy là nói những trường hợp chịu học thuộc lòng văn mẫu, còn với những trường hợp chỉ rắp tâm “hoài hiệp văn tự”, tức mưu đồ mang “phao” vào phòng thi, thì văn mẫu hóa ra lại là một thứ tiếp tay cho cái thói rất tệ: thói hai lần đạo tặc chữ nghĩa).

Tóm lại, như tôi hằng nghĩ, triệt tệ nạn văn mẫu không phải bằng cách cấm xuất bản và lưu hành các sách in những bài văn mẫu, mà phải bằng sự thay đổi rất cơ bản trong cách chấm thi, ít nhất là như vậy. Nó đòi hỏi người thầy chấm thi phải có con mắt xanh và tấm lòng rộng mở để biết chấp nhận, thậm chí biết thích thú trước những trường hợp khác biệt trong cách học trò tiếp cận với những tác phẩm hoặc những vấn đề của văn chương, chứ không chỉ chăm chăm nhìn vào văn mẫu. Bởi vì, theo một quy luật rất oái oăm của sáng tạo: cái được chuẩn hóa thành mẫu là để người ta theo, nhưng đến cùng, cũng chính là cái chỉ để người ta phá. Chỉ có như vậy mới có Cái Mới ra đời.


Hoài Nam

Chia sẻ Facebook