Văn hóa doanh nghiệp: “Hiệu ứng bầy cua” làm tổ chức sụp đổ

Chia sẻ Facebook
24/08/2023 00:06:58

Văn hóa doanh nghiệp: "Hiệu ứng bầy cua" là khi trong giỏ có nhiều cua chen chúc, chúng sẽ kéo chân nhau khiến không con nào bò lên được.

Cái gọi là “hiệu ứng bầy cua” còn gọi là “văn hóa bầy cua”, nghĩa là khi giỏ cua (không đậy miệng), mà chỉ có một hoặc vài con cua thì cua trong giỏ có thể dễ dàng bò ra ngoài, nhưng trong trường hợp có một bầy cua chen chúc nhau thì chúng sẽ kéo chân nhau khiến không con nào bò lên được, đây gọi là “hiệu ứng bầy cua”.

Doanh nghiệp nên lưu ý 2 phương diện gồm cơ chế và văn hóa để cổ vũ tinh thần đồng đội giúp doanh nghiệp phát triển tốt hơn (Ảnh: Rawpixel.com/ Shutterstock)


Trường hợp kể trên chắc rất quen thuộc với ai đã từng đi bắt cua, khi có nhiều cua trong giỏ, dù không cần đậy nắp thì cua cũng không bò ra ngoài được. Thí dụ này cũng đúng với doanh nghiệp, nếu các nhân viên và lãnh đạo chỉ biết tính toán lợi ích cho mình, đấu đá công khai hoặc ngấm ngầm, thậm chí ra sức triệt hạ hay trấn áp nhau thì sớm muộn gì doanh nghiệp chỉ còn những người kiềm chân nhau, không thể phát triển được.


Trong cơ chế cạnh tranh hãy tránh để xảy ra “văn hóa bầy cua” này. Bối cảnh cạnh tranh để phát triển dĩ nhiên khó mà nhường nhịn nhau, nhưng nguyên tắc của cạnh tranh hiệu quả cũng là không triệt tiêu/chà đạp nhau, vì một khi quy tắc bị phá vỡ khiến trật tự trở nên rối loạn thì tất cả đều gặp nạn, hệ quả là “hiệu ứng bầy cua” sẽ xuất hiện.


Những con cua kìm kẹp nhau sẽ không bao giờ có con nào có thể thoát khỏi cái giỏ, tương tự các doanh nghiệp không ngừng đấu tranh với nhau cũng không thoát khỏi số phận “không lớn”, “không mạnh”, thậm chí sụp đổ.


“Hiệu ứng bầy cua” phản ánh văn hóa doanh nghiệp yếu kém, đặc điểm chính của nó là các thành viên trong tổ chức thiển cận, chỉ chú trọng đến lợi ích cá nhân mà bỏ qua lợi ích của tập thể; chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà bỏ qua lợi ích lâu dài, đấu đá lẫn nhau, rồi cả tập thể sẽ dần dần mất đi động lực tiến lên, như vậy sẽ có tình trạng 1 +1 < 2 và “1” càng tăng thì tổng càng nhỏ. Điều này cũng giống như sự tranh giành giữa các nhóm lợi ích trong xã hội phong kiến, cuối cùng dẫn đến triều đình thối nát và triều đại suy tàn.

Nguyên nhân của “hiệu ứng bầy cua”


1. Tính tư lợi: Đây là tác nhân chính của “hiệu ứng bầy cua”.


2. Tâm lý hơn thua: Quá muốn thể hiện bản thân giỏi và mạnh mẽ hơn những người ngang hàng, hệ quả hình thành thế đối đầu nhau và kiềm hãm nhau phát triển (công khai hoặc âm thầm), đây cũng là lý do gây ra “hiệu ứng bầy cua”.


3. Lỗi của cơ chế tuyển dụng người tài: Do chế độ tuyển dụng người tài chưa khoa học, người phù hợp không vào được vị trí phù hợp, nhiều người có năng lực không được thăng tiến, trong khi một số kẻ chuyên quyền thủ đoạn lại không ngừng thăng chức, đây chính là căn nguyên khách quan của “hiệu ứng bầy cua”.


4. Cơ chế khuyến khích và văn hóa doanh nghiệp còn lạc hậu hoặc yếu kém: Gây tình trạng bình quân trong đối đãi, khiến những người tài đức bị kìm hãm tinh thần cải cách tiến bộ, khiến họ mất đi động lực cống hiến.


5. Quyền lực và trách nhiệm không tương xứng: Đôi khi văn hóa cơ chế doanh nghiệp ở trong tình trạng quyền to chức cao mà trách nhiệm lại nhỏ, điều đó khiến tâm lý ai cũng khao khát muốn leo lên vị trí quyền lực hơn, hệ quả là trong công ty luôn đầy bầu không khí kiềm chế cản trở nhau.


6. Thiếu văn hóa làm việc nhóm: Công ty không có văn hóa và ý thức làm việc nhóm tốt thì sẽ gặp phải hiệu ứng “1 + 1 < 2”, xu thế tâm lý ích kỷ ngày càng mạnh hơn.


7. Kẻ tầm thường và tiểu nhân nắm quyền: Để củng cố địa vị, họ loại trừ, đàn áp, bức hại những người tài đức để trong toàn đội chỉ còn những người kém cỏi hơn họ và phục tùng họ, thậm chí họ còn có tâm lý chà đạp người khác để leo lên, làm những việc hại người để lợi mình cũng như hại người không có lợi cho tham vọng ích kỷ của họ.


8. Chủ nghĩa cào bằng: Không tính công trên tài năng mà lo chia phần không đều nhau [giữa những người có năng lực cao thấp khác biệt].


9. Chủ nghĩa bảo thủ: Coi sự cân bằng và ổn định là ưu tiên hàng đầu, sợ cân bằng bị phá vỡ gây ra những tác động khác, từ đó gây kìm hãm sự đổi mới.


10. Cơ chế gây trở ngại con đường phát triển nghề nghiệp của nhân viên: Các kênh phát triển nghề nghiệp cá nhân của nhân viên bị hạn chế.


11. Về mặt chiến lược, công ty thiếu hướng dẫn về tầm nhìn: Đặc biệt ở tầm văn hóa, tính định hướng, tức là nhân viên thiếu hiểu biết về sứ mệnh dài hạn của doanh nghiệp/tổ chức khiến ý thức thiển cận, như vậy sẽ không phát triển được bản thân trong con đường phát triển lâu dài của doanh nghiệp, ngược lại bị lún vào “hiệu ứng bầy cua” đấu đá nhau, lao vào con đường tranh giành vị kỷ.

Hậu quả có thể xảy ra vì “hiệu ứng bầy cua”


1. Một núi không thể chứa hai hổ: Hai người có năng lực ngang nhau dễ thành đối thủ cạnh tranh, cuối cùng thường là một người bị loại bỏ khiến sức mạnh doanh nghiệp tổn hại.


2. Trai cò đánh nhau, ngư ông đắc lợi: Đôi khi có sự bất lực như vậy ở nơi làm việc, có 2 người là ứng viên sáng giá nhất cho một vị trí nào đó, nhưng vì họ kiềm chế lẫn nhau do tranh giành chức vị và ngấm ngầm hại nhau vì lợi ích của cá nhân mỗi người, trong trường hợp này thì dùng ai cũng gây tác dụng ngược đối với toàn đội, kết quả cuối cùng là đành phải loại bỏ cả 2 người giỏi đó để đưa một người kém hơn vào vị trí.


3. Ba nhà sư không có nước để uống: Một công việc nào đó khi một người làm thì tốt, nhưng 2 người làm lại dở, gây đùn đẩy trách nhiệm và mâu thuẫn nhau, làm giảm hiệu quả tổng thể.


4. Khởi nghiệp đã khó, giữ doanh nghiệp còn khó hơn: Khi khởi nghiệp có thể xuất phát từ mục tiêu chung, nhưng trong khi xây dựng doanh nghiệp thì mỗi người đều nghĩ đến lợi ích cá nhân, đây cũng gọi là “cùng nạn giúp nhau, phú quý khó nhường”.


Mộc Vệ, Vision Times

5 khác biệt giữa doanh nghiệp Trung Quốc và Nhật Bản

Nhật Bản và Trung Quốc, hai quốc gia châu Á có những nét văn hóa tương đồng, tuy nhiên, lại có khác biệt rất lớn trong quan điểm và lối sống, đặc biệt là trong…

Chia sẻ Facebook