Vân Đồn: Thương cảng sầm uất của Đại Việt suốt nhiều triều đại
Vân Đồn ngày nay được xem là nơi có bãi biển đẹp nhất vịnh Bắc Bộ, tuy nhiên ít người biết rằng trước kia Vân Đồn còn là một thương cảng quốc tế lớn đầu tiên của Đại Việt và cũng là một thương cảng sầm uất bậc nhất trong khu vực.
Cái Rồng, Vân Đồn. (Ảnh: Amachau, Shutterstock)
Di chỉ khảo cổ cho thấy con người có mặt tại các đảo ở Vân Đồn từ thời nhà Hán. Năm 980, nhà Tiền Lê xây dựng Đồn Vân nhằm trấn giữ vùng biển.
Vân Đồn trùng điệp với hơn 600 ngọn núi lớn nhỏ hình thành vòng cung Bái Tử Long, trong đó có một dãy đảo dài ngăn thành một vụng biển kín gió, nước sâu, rất thuận lợi cho thuyền bè đi lại.
Với những đặc điểm đó, Vân Đồn trở thành nơi thuận tiện giao thương trên biển, thuyền buôn các nước đua nhau vào Vân Đồn.
Đến thời nhà Lý, Vân Đồn mới trở thành một hải cảng lớn, trung tâm trao đổi thương mại trong khu vực, góp phần cho việc hình thành nền văn hóa rực rỡ của triều đại này.
Nhận thấy việc buôn bán ở vùng này ngày càng tấp nập, vua Lý Anh Tông liền cho dựng ở đây một trang đặt tên là Vân Đồn nhằm quản lý và bảo vệ cho các hoạt động thương mại. Đại Việt Sử ký Toàn thư chép rằng: “Mùa xuân, tháng 2, năm Đại Định thứ 10 [1149], thuyền buôn ba nước Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La vào hải Đông, xin cư trú buôn bán, bèn cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn, để mua bán hàng hoá quý, dâng tiến sản vật địa phương.”
Từ đó Vân Đồn trở thành hải cảng sầm uất bậc nhất lúc bấy giờ, ngày càng có thêm nhiều nước đến xin giao dịch buôn bán: “Tháng 3, năm thứ 9 [1184], người buôn các nước Xiêm La và Tam Phật Tề vào trấn Vân Đồn dâng vật báu để xin buôn bán.” (Đại Việt Sử ký Toàn thư).
Hàng hóa giao dịch ở đây là là sản vật quý hiếm của các nước đưa đến như trầm hương, ngọc trai, ngà voi, vỏ quế, sừng tê giác, vàng, bạc, đồng, diêm tiêu, hải sản biển, gấm vóc.
Đến thời nhà Trần, việc tìm ra con đường hàng hải xuyên biển từ Trung Quốc đến Ai Cập đã đẩy mạnh hơn tốc độ giao thương quốc tế. Hải cảng Vân Đồn cũng trở nên tấp nập hơn, thêm nhiều nước tham gia như Nhật Bản, Mông Cổ, Philippines và châu Âu.
Cũng vào triều đại này, thương cảng Vân Đồn phát triển lên đến đỉnh điểm, trở thành thương cảng quốc tế sầm uất, các thuyền nước ngoài ra vào tấp nập buôn bán. Nhà Trần đặc biệt chú trọng đến việc trị an tại đây, giao cho các thân vương hoặc quan đại thần trong triều trông coi.
Thời kỳ này, nhiều chùa tháp cũng được xây dựng tại Vân Đồn như chùa Lấm, chùa Trong, chùa Cát, Bảo Tháp…, cho thấy Phật giáo phát triển cực thịnh.
Sau khi đánh bại nhà Hồ, quân Minh cai trị Giao Chỉ, chú trọng phát triển Vân Đồn vì nguồn lợi thu dược rất lớn từ thương cảng này. Quân Minh đặt các cơ quan quản lý, thu thuế buôn bán và khai thác sản vật địa phương. Vân Đồn lúc này chính là cửa ngõ giao thương cửa Giao Chỉ.
Đến thời nhà Lê, việc giao thương ở Vân đồn không còn được chú trọng như trước, triều đình còn quy định các quan tự ý ra vào Vân Đồn mà không có giấy phép đều bị xử tội.
Luật thời kỳ này còn quy định rằng:
“Người ở trang Vân Đồn chở hàng hóa lên kinh thành bán và khi trở về không có giấy phép của An Phủ ty và giấy khám đạc của Đề Bạc ty thì bị biếm một tư, phạt 100 quan tiền; thưởng người tố cáo một phần ba số tiền phạt. Nếu tự ý đem hàng hóa đến bán ở các nơi làng xã ngoài kinh thành thì xử biếm ba tư, phạt 200 quan tiền. An Phủ ty, Đề Bạc ty vô tình không biết thì xử biếm một tư; cố ý dung túng thì biếm một tư và bãi chức”
Các thuyền nước ngoài đến đây nếu muốn đậu lại thì phải có giất phép của An Phủ ty, nếu không sẽ bị phạt đến 200 quan tiền, đây là số tiền rất lớn.
Những quy định trên gây cản trở giao thương, khiến thương cảng Vân Đồn không còn phát triển như thời Lý – Trần, nhưng vẫn giữ vị trí là một thương cảng quan trọng giao thương với thế giới.
Thời nhà Mạc (1527-1677) lại chú trọng ngoại thương, các chính sách mở cửa thông thoáng về thương mại giúp Vân Đồn phát triển trở lại. Nhà Mạc cũng cho xây dựng thêm Chùa cùng các chiến lũy để phòng thủ.
Đến thời Lê Trung Hưng, Vân Đồn vẫn giao thương, triều đình cũng cho xây dựng một số đình làng làm nên sinh hoạt hoạt văn hóa tâm linh ở nơi đây.
Sang thế kỷ 16-17, nhiều thương cảng khác trong nước mọc lên như Kẻ Chợ (Thăng Long), Phố Hiến (Hưng Yên), Hội An (Quảng Nam). Đặc biệt thương cảng Hội An ở Đàng Trong của chúa Nguyễn rất sầm uất và trù phú với nhiều khu vực dành cho thương nhân nước ngoài, được xem là thương cảng tiêu biểu của châu Á và nổi tiếng trên thế giới. Cũng trong giai đoạn này, Vân Đồn dần đánh mất vai trò của mình, dù vẫn hoạt động nhưng không còn sầm uất như trước.
Sang thế kỷ 19, thương cảng Vân Đồn không còn hoạt động, dân cư vốn sống bằng thương mại chuyển đến nơi khác, các bến thuyền tấp nập giao thương trở thành bến phục vụ việc đánh cá, trao đổi lâm hải sản của người dân địa phương.
Trần Hưng
Mời xem video :