Vấn đề tài chính "ngáng đường" doanh nghiệp khi xây dựng KCN bền vững
Để xây dựng một KCN bền vững, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó nguồn vốn và tài chính là vấn đề nan giải.
Thiếu cơ chế rõ ràng
Chia sẻ tại Diễn đàn “Thúc đẩy phát triển bền vững KCN Việt Nam” sáng 28/3, bà Trần Thị Tố Loan - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn đầu tư Sao Đỏ nhìn nhận, việc xây dựng KCN bền vững mang lại nhiều lợi ích đáng kể, không chỉ về mặt kinh tế mà còn về môi trường và xã hội.
Lấy ví dụ từ thực tiễn doanh nghiệp, bà Loan cho biết nguồn vốn và tài chính là một vấn đề nan giải. Nguyên do bởi các KCN phần lớn được phát triển theo giai đoạn cuốn chiếu, việc đầu tư một cách đồng bộ toàn bộ hệ thống các phân khu chức năng và hệ thống xử lý nước thải, hệ thống hoàn thiện điện nước thì cần nguồn vốn lớn và phải đầu tư ngay từ ban đầu.
Tiếp đó là đến từ năng lực cũng như các quy định pháp lý của Nhà nước. Hiện nay, rất nhiều quy định chưa rõ ràng, gây cản trở cho KCN trong việc chuyển đổi mô hình.
Bà Trần Thị Tố Loan - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn đầu tư Sao Đỏ.
Ngoài ra, để sử dụng hiệu quả tài nguyên, cần tái sử dụng tài nguyên nhưng thực tế qua quá trình thu hút đầu tư, bản thân KCN gặp khó khăn khi thu hút các dự án tái chế đến từ quy định pháp luật. Và nếu thu hút, thì phải thay đổi toàn bộ hệ thống như báo cáo tác động tài nguyên, môi trường, giấy phép hệ thống quan trắc để phù hợp với việc thu hút những ngành nghề đó.
“Để sử dụng tài nguyên sạch hơn, hiệu quả hơn, thì bản thân KCN và các doanh nghiệp trong khu cũng phải đầu tư một nguồn tài chính rất lớn để thay đổi toàn bộ công nghệ, dây chuyền. Trong khi đó, lại không có quy định cụ thể thì rất khó để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi”, bà Loan bộc bạch.
Ông Trần Tiến Dũng - Uỷ viên VLA, Chủ tịch Hiệp hội Logistic Hải Phòng cho biết các doanh nghiệp FDI đến Việt Nam đều vào các KCN, qua đó cho thấy vai trò quan trọng của các KCN trong thu hút FDI.
“Tuy nhiên, cơ hội đón đầu xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng trên toàn cầu để nhưng cơ hội này không chia đều cho các quốc gia dù Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi. Cần nhìn nhận thẳng thắn rằng, chúng ta chậm bước hơn so với nhiều quốc gia dù không có lợi thế về vị trí địa lý như Việt Nam nhưng họ đi nhanh hơn nhờ sớm chuyển đổi số, chuyển đổi xanh”, ông Dũng nêu.
Ông Trần Tiến Dũng - Uỷ viên VLA, Chủ tịch Hiệp hội Logistic Hải Phòng.
Theo đó, Chủ tịch Hiệp hội Logistic Hải Phòng cho rằng phát triển bền vững là nội dung không phải là lựa chọn mà các nhà phát triển KCN và ngành nghề liên quan bắt buộc phải làm.
Ông Dũng cũng lưu ý, tại hội nghị COP26, Chính phủ cam kết thực hiện NetZero vào năm 2050 nhưng các khách hàng cao cấp của Việt Nam đến từ Mỹ, châu Âu đã cam kết Net Zero sớm hơn vào năm 2030.
Do đó, các doanh nghiệp Việt chỉ còn hơn 5 năm để “thực hiện và hành động” nếu muốn có thể vừa cạnh tranh các nước trong thu hút FDI vừa cạnh tranh giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ trong nước.
Vị chuyên gia khẳng định doanh nghiệp nào đi sớm, đi nhanh trong phát triển bền vững sẽ có nhiều cơ hội hơn để thu hút khách hàng phân khúc cao hơn.
Từ góc độ của doanh nghiệp logistics, ông Trần Tiến Dũng chia sẻ ở khu vực phía Nam các doanh nghiệp cơ bản đã tận dụng tốt tài nguyên thiên nhiên, cơ sở đường sông nâng cao tỉ trọng vận tải đường thuỷ nội địa nhằm tiết giảm chi phí vận tải, logistics, gián tiếp góp phần giảm khí thải.
Tuy nhiên ở khu vực miền Bắc, Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung phụ thuộc nhiều vào đường bộ tạo áp lực lớn về giảm khí thải, đầu tư hạ tầng đường giao thông, nguy cơ gây mất an toàn giao thông, nhân lực vận chuyển…
Từ đó Chủ tịch Hiệp hội Logistic Hải Phòng kiến nghị các nhà phát triển bất động sản KCN quan tâm dành nguồn quỹ đất ở những vị trí có thể phát triển bến cảng thuỷ nội địa, nâng cao tỉ lệ hiện có là 2%, góp phần giảm phát thải và cam kết Hiệp hội sẵn lòng song hành hợp tác đầu tư.
Cần lộ trình cụ thể để phát triển KCN bền vững
Đóng góp thêm ý kiến, ông Trương Khắc Nguyên Minh – Phó Tổng Giám đốc KCN Việt Nam bày tỏ mong muốn Việt Nam cần tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hơn nữa thể chế, chính sách; đồng thời điều chỉnh mục tiêu, định hướng phát triển KCN và khu kinh tế để thích ứng với bối cảnh mới.
Ông Trương Khắc Nguyên Minh – Phó Tổng Giám đốc KCN Việt Nam.
Theo ông Minh, trong quá trình chuyển đổi ngành công nghiệp của Việt Nam, “Chiến lược phát triển công nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn 2035" của Chính phủ đóng vai trò then chốt.
Chiến lược này nhấn mạnh việc phát triển các ngành công nghệ cao, hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp với sáng kiến đổi mới sáng tạo; đồng thời, đặt việc phát triển các KCN hiện đại, bền vững là trụ cột chính trong hành trình nâng hạng ngành công nghiệp của Việt Nam.
Song về phía doanh nghiệp, để có thể thu hút vốn đầu tư chất lượng cao, các KCN cần cung cấp chương trình phát triển bền vững theo xu hướng toàn cầu mà các nhà đầu tư trên toàn cầu đang tìm kiếm, các KCN cần được xây dựng theo các tiêu chuẩn chất lượng cao của quốc tế .