Vấn đề phát xít ở Ukraine nhân vụ cựu chiến binh Hunka

Chia sẻ Facebook
03/10/2023 05:56:40

Chiến binh sư đoàn Galicia Đức Quốc xã kỳ thực được một số người Ukraine tôn vinh mặc dù các cộng đồng quốc tế coi họ là tội phạm chiến tranh.

Chiến binh sư đoàn Galicia Đức Quốc xã kỳ thực được một số người Ukraine trong và ngoài nước tôn vinh, như BBC chỉ ra hôm Thứ Sáu, mặc dù các cộng đồng quốc tế —đặc biệt là Ba Lan và các cộng đồng Do Thái— coi họ là tội phạm chiến tranh. Đó là nguyên nhân gây nhiều tranh cãi từ lâu.

Ông Hunka có ảnh về nơi tập luyện khoảng 2 tuần trong sư đoàn Galicia Đức Quốc xã trước khi ra tiền tuyến.


Nhân sự cố cựu chiến binh Yaroslav Hunka, người Ukraine nay đã 98 tuổi, được ca ngợi long trọng như một anh hùng theo nghi thức “standing ovation” ở Quốc hội Canada, BBC đã có bài theo một góc độ khác.


Đó là vấn đề nhóm những người Ukraine năm đó đã lựa chọn theo phe Phát xít Đức, trong con mắt một số người Ukraine trong và ngoài nước hiện nay.

Sơ lược về ông Yaroslav Hunka


Hunka là người Ukraine, sinh năm 1925. Nói chính xác thì bấy giờ không có khái niệm “Ukraine” như hôm nay. Nơi ông sinh ra bấy giờ thuộc về cái gọi là “Đệ nhị Cộng hòa Ba Lan” .


Năm 1943, ông tham gia sư đoàn số 14 của Waffen-SS Đức Quốc xã. Sư đoàn này gồm những lính Ukraine tình nguyện. Nói đơn giản là Đức Quốc xã tuyển những người bất mãn Liên Xô. Sau đó huấn luyện, trang bị vũ khí, và để họ chiến đấu chống Liên Xô. Sư đoàn này cũng được gọi là sư đoàn Galicia. Nó bị giải thể sau khi Đại Thế chiến II kết thúc.


Những bằng chứng cho thấy sư đoàn khét tiếng này đã tham gia các vụ thảm sát ở Ba Lan, đặc biệt là năm 1944. Lúc đó ông Hunka 19 tuổi. Hiện vẫn chưa rõ vai trò cụ thể của cá nhân ông trong giai đoạn lịch sử đó.

Ông Hunka đăng hình của mình (người ở giữa, hàng trước) trong đơn vị. (Nguồn ảnh từ bài của ông Hunka đăng trên blog yêu nước)

Ông Hunka kể đây là bức ảnh trở về đơn vị vào tháng 12/1943 sau khi được đào tạo.


Theo BBC , hàng triệu người dân Ba Lan đã là nạn nhân của các đợt thảm sát trong Đại Thế chiến II, trong đó có hơn 1 triệu người Do Thái.

Mời xem thêm bài ‘ Đằng sau việc ông Trudeau xin lỗi vụ ca ngợi cựu chiến binh Ukraine khi đón đoàn Zelensky’ để có thêm thông tin về sư đoàn này.

Liên quan tới người Ukraine hôm nay


Trong Đại Thế chiến II, hàng triệu người Ukraine chiến đấu trong hàng ngũ trong Hồng quân Liên Xô chống Phát xít. Nhưng gần chục ngàn người Ukraine khác đã lựa chọn đứng về phía Đức và chiến đấu dưới sự chỉ huy của sư đoàn Galicia.


Mở đầu trong bộ phim tài liệu “Ukraine on Fire” (2016), Oliver Stones nói rằng Ukraine có vị trí địa lý đặc thù. Nó là nơi giao tranh của nhiều cuộc đại chiến trong lịch sử.

Vùng đất mà nay gọi là “Ukraine” nằm trên đường tiến quân của phương Tây trong các chiến tranh lịch sử 1609, 1809, và 1812. (Ảnh cắt từ video phim tài liệu “Ukraine on Fire” (2016) của đạo diễn Oliver Stones)


Nếu người Châu Âu muốn chinh phục phía Đông, thì Ukraine sẽ là điểm mà họ đi qua, như trong Đại Thế chiến II cũng không ngoại lệ.


Nếu người Châu Á muốn chinh phục phương Tây, thì Ukraine cũng là điểm mà họ đi qua, như chiến tranh của người Mông Cổ. Dân “bản địa” của bán đảo Crimea hôm nay kỳ thực chính là người Thát Đát.


Khi mà bên cạnh là các cường quốc hùng mạnh, thì “nhiều giai đoạn lịch sử của Ukraine là được viết bởi người ngoài” , bộ phim bình luận.


Cho nên, người Ukraine phải biết cách lựa chọn phe trong mỗi lần diễn ra chiến tranh như vậy, bộ phim gọi đó là “nghệ thuật thay đổi phe” .


Theo giáo sư David Marples của Đại học Alberta, những người như ông Hunka, năm đó lựa theo Đức là vì họ bất mãn với sự cai trị của Liên Xô, họ kỳ vọng rằng người Đức sẽ giúp họ.


Những người mang tư tưởng cực hữu, trong đó có nhóm của Bandera, còn được gọi là theo “chủ nghĩa dân tộc” ở Ukraine, là đại biểu của tư tưởng căm thù Liên Xô. Họ cho rằng lãnh đạo Liên Xô đã cố ý gây nên cái được gọi là “Holodomor” ở Ukraine năm 1932–33 , khiến khoảng 5 triệu người Ukraine thiệt mạng.


Theo giáo sư Marples, các hệ tư tưởng cực hữu cũng thu hút được sự chú ý ở hầu hết các nước Châu Âu trong những năm 1930 —bao gồm cả Vương quốc Anh— và Ukraine cũng không phải là ngoại lệ.


Đức Quốc xã bại trận khi Đại Thế chiến II kết thúc. Sư đoàn Galicia bị giải tán. Gần chục ngàn binh lính của sư đoàn được phép nhập cảnh vào phương Tây, sau khi họ đầu hàng quân Đồng minh. Một phần trong đó, đã đặt chân tới Canada.


Các nhóm Do Thái, hoặc các quốc gia như Ba Lan ngay thời đó đã phản đối chủ trương này. Vì sư đoàn này bị coi là tội phạm chiến tranh.


Tuy nhiên, những người Canada gốc Ukraine coi những người lính Ukraine rất là tốt. Thậm chí đôi khi họ coi toàn bộ sư đoàn Galicia của Đức là tốt. Họ coi các chiến binh ấy là “anh hùng dân tộc” , vì đã chiến đấu cho nền độc lập của đất nước.


Chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, và nhiều kênh truyền thông phương Tây gắn Nga với Liên Xô. Bất chấp nhiều học giả của chính phương Tây cũng nhìn nhận rằng chính quyền Putin không phải là chính quyền cộng sản. Thậm chí là chính quyền chống cộng.


Nhưng dù thế nào đi nữa, phong trào “chống Nga” dẫn đầu bởi chính quyền Kiev hiện nay, cũng dẫn tới những quan niệm cho rằng các nhân vật lịch sử người Ukraine mà chống Liên Xô, hoặc chống Nga Sa hoàng, là các “anh hùng dân tộc” của Ukraine.


Năm đó, phe ủng hộ Canada và các nước phương Tây đón nhận cựu chiến binh của sư đoàn phát xít Galicia lập luận rằng những người đó, những người ở nơi mà nay là Ukraine, là những người chống cộng, chống Liên Xô. Điều đó phù hợp với quan hệ bấy giờ. Ba Lan lúc đó tuy phản đối, nhưng Ba Lan cũng là thuộc phe Liên Xô.


Một lập luận khác cho luận điểm này là sự hợp tác của những chiến binh Ukraine với Đức Quốc xã chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, cho nên tội lỗi của Đức Quốc xã không thể tính liên đới lên họ.


Cộng đồng Do Thái và người Ba Lan hiển nhiên không chấp nhận luận điểm này.


Michael Mostyn, người đứng đầu nhóm B’nai Brith Canada về nhân quyền cho người Do Thái, nói với BBC : “Điểm mấu chốt là đơn vị SS thứ 14 này là của Đức Quốc xã.”


Người Ba Lan, như trong một báo cáo nhìn nhận rằng Galicia tham gia vào các đợt thảm sát gần ngàn người năm 1944 ở các làng như làng Huta Pieniacka của Ba Lan.


Canada cũng từng có dư luận nổi lên về sư đoàn này, cáo buộc rằng Canada là thiên đường tránh nạn của tội phạm chiến tranh Đức Quốc xã. Cho nên năm 1985, một Ủy ban được chính phủ lập ra để điều tra.


Một báo cáo do Ủy ban công bố vào năm sau đó kết luận rằng không đủ bằng chứng nào buộc tất cả những chiến binh Ukraine từng phục vụ cho sư đoàn Galicia đều phải chịu trách nhiệm cho tội ác của phát xít Đức.

“Nếu chỉ với tư cách là thành viên của sư đoàn Galicia thì không đủ để biện minh cho việc truy tố”

, báo cáo đã viết.


Báo cáo này bị phản đối bởi các nhóm Do Thái, người Ba Lan, và cả chính người Canada.


Theo BBC đưa tin, giáo sư Marples nói rằng tại thời điểm thực hiện báo cáo ấy, một số tài liệu lưu trữ về Đại Thế chiến II ở Ukraine và Nga không thể truy cập được.


Nhưng sau đó, chúng đã có thể truy cập được. Và người ta đã tiến hành những nghiên cứu bổ sung. Kết quả là nhiều người Ukraine ấy, những người thuộc sư đoàn Galacia của Đức Quốc xã đúng là đã tham gia tội ác chiến tranh. Nhưng họ chưa từng bị kết án.


Tuy nhiên cứu bổ sung này đã quyết định như vậy, nhưng cho đến nay, danh sách những chiến binh đã được xác định là phạm tội ấy vẫn chưa hề được công khai ra công chúng.


Nhật Tân

Đằng sau việc ông Trudeau xin lỗi vụ ca ngợi cựu chiến binh Ukraine khi đón đoàn Zelensky

Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã chính thức xin lỗi thay mặt Quốc hội Canada về sự cố long trọng ca ngợi cựu chiến binh Hunka của Đức Quốc xã.

Chia sẻ Facebook