Vẫn còn tình trạng lao động ở lại, bỏ trốn tại nước sở tại

Chia sẻ Facebook
16/08/2022 22:43:17

Sáng 16/8, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài - Thực trạng và giải pháp”.


Với sự tham dự của gần 300 đại biểu và đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở Trung ương, đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành ủy, UBND, các sở lao động - thương binh và xã hội, đại diện lãnh đạo một số đại sứ quán, các tổ chức quốc tế cùng các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy trong nước và quốc tế về lĩnh vực lao động, việc làm.

Toàn cảnh hội thảo.

Trong những năm qua, công tác đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng; thị trường lao động được mở rộng, trong đó nhiều thị trường mới đã được mở ra như Australia, New Zealand, Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Séc, Slovakia, Rumani; số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng ổn định, trong giai đoạn từ 2013 đến 2021 đã đưa được gần 1 triệu lao động lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến những biến động quốc tế chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, hầu hết các quốc gia đều tập trung phòng - chống dịch, thực hiện các biện pháp mạnh như đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội… tập trung mọi nguồn lực cho nghiên cứu, sản xuất và tiêm phòng COVID-19. Việc này dẫn tới đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động tiêu cực tới nền kinh tế, làm giảm nhu cầu sử dụng lao động của nhiều quốc gia. Trong bối cảnh đó, công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cần sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ và sự phối hợp giám sát của người dân để đảm bảo hoạt động này đạt hiệu quả, đi vào thực chất, bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; đồng thời đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

Các tham luận tại hội thảo đã thẳng thắn nêu những tồn tại hạn chế như: Tình trạng lao động ở lại, bỏ trốn, đến nhập cảnh nhưng không đến nơi làm việc hiện hữu ở nhiều nơi. Một số lao động bị lôi kéo, lợi dụng, lừa gạt hoặc một số vấn đề khác được các diễn giả nêu như: Công tác quản lý, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm của các doanh nghiệp, mối quan hệ giữa người lao động với thân nhân ở trong nước, mối quan hệ giữa doanh nghiệp đưa lao động đi nước ngoài và doanh nghiệp sử dụng lao động ở nước ngoài. Bên cạnh đó, ý kiến các đại biểu cũng đề cập về công tác quản lý người lao động sau khi kết thúc hợp đồng về nước cũng làm chưa chặt chẽ; Vấn đề đào tạo nghề, giáo dục định hướng, phí tuyển dụng, tình trạng cò mồi… vẫn cần phải khắc phục trong thời gian tới.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An.


Phát biểu tại hội thảo, bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam nhấn mạnh, ILO kêu gọi xây dựng chương trình nghị sự về di cư công bằng, góp phần đem lại cơ hội thực sự cho lao động có việc làm thỏa đáng; kêu gọi cho hoạt động di cư trở thành sự lựa chọn bằng cách tạo ra việc làm tốt tại các quốc gia, tôn trọng quyền của con người, tuyển dụng công bằng, tạo sân chơi bình đẳng cho lao động, thúc đẩy các hiệp định song phương nhằm đảm bảo hoạt động lao động di cư cho các quốc gia thành viên.

Kết luận hội thảo, ông Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, ban tổ chức sẽ nghiên cứu, chắt lọc và tiếp thu, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị được đưa ra tại Hội thảo để đề xuất với Đảng và Nhà nước tiếp tục hoàn thiện chủ trương, đường lối lãnh đạo, chính sách, pháp luật về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để phù hợp với tình hình mới và đạt hiệu quả cao nhất.

Chia sẻ Facebook