Vẫn còn thách thức đối với ngành da giày những tháng cuối năm

Chia sẻ Facebook
12/08/2022 09:42:31

Trong 5 tháng còn lại của năm 2022, doanh nghiệp ngành da giày xác định đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó nổi cộm là thiếu thông tin thị trường.


Thiếu hụt nguồn lao động


Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước của Bộ Công Thương mới đây, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách đánh giá, 6 tháng đầu năm, dù đạt kết quả xuất khẩu khá tốt nhưng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn lớn khi nguồn cung nguyên phụ liệu bị thiếu, gián đoạn do nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc cũng như một số nước xung quanh hạn chế. Bên cạnh đó, thiếu nguồn lao động cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả sản xuất kinh doanh của ngành.


Dệt may, da giày là hai ngành hàng sử dụng nhiều lao động nhất trong các ngành kinh tế của Việt Nam. Trong đó, ngành da giày cần hơn 1,4 triệu lao động, chiếm tỷ lệ trên 18%.


Thiếu lao động, khó tuyển mới cũng là tình trạng của nhà máy Pouyuen Việt Nam, doanh nghiệp gia công giày đông công nhân nhất tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau dịch Covid-19, công ty cần tuyển mới 8.800 lao động, nhưng đến nay chỉ lấp đầy được 65%. Chưa kể, mỗi tháng lại phát sinh 500 - 650 trường hợp xin nghỉ việc. Phía doanh nghiệp cho hay không còn đặt nặng mục tiêu tuyển đủ người vì biết rõ không thể nào đạt được.


Tương tự, Công ty TNHH MTV giày dép Vĩnh Phong, với cơ ngơi nhà xưởng rộng 10.000 m2, cần khoảng hơn 1.000 lao động. Thế nhưng, hiện chỉ có gần 300 công nhân đang làm việc.

Là một trong những ngành cần nhiều lao động nhất nhưng ngành da giày đang phải đối mặt với việc thiếu hụt nguồn cung lao động.


Trao đổi với Lao động thủ đô, Bà Phan Thị Minh Thu, Phó giám đốc công ty cho hay: “Không thể tìm ra người! Nếu trước đây, một tuần nhà máy có thể tuyển 50 công nhân có tay nghề, giờ đây cả tháng, sử dụng đủ các kênh chỉ tuyển được 10 người, đa phần là lao động lớn tuổi".


Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó chủ tịch Hội Da giày thành phố Hồ Chí Minh cho rằng các doanh nghiệp cần chủ động tăng cường lực lượng lao động đã qua đào tạo.


“Hiện chỉ cần 300 lao động giày da được đào tạo nhưng khi hỏi các trường đều không đáp ứng đủ. Do đó doanh nghiệp đang phải đẩy mạnh liên kết với trường nghề để đào tạo cấp tốc, đồng thời hỗ trợ chỗ ở để kêu gọi lao động”, ông Nguyễn Văn Khánh cho biết.


Ngoài ra, theo ông Khánh, các doanh nghiệp cần tăng cường cơ giới hóa để tăng năng suất, tiết giảm nhân công. Thậm chí, trước khi xây dựng nhà máy, doanh nghiệp cần khảo sát trước nguồn lao động tại chỗ, liên kết với chính quyền để đặt hàng, đào tạo trước lao động.


Chưa tận dụng tốt cơ hội nhập khẩu


Nhận định tình hình những tháng cuối năm với Công Thương , bà Phan Thị Thanh Xuân cũng nhận định ngành còn đối mặt với rất nhiều thách thức. Cụ thể, do hiện nay lượng tồn kho đối với mặt hàng thời trang nói chung và giày dép nói riêng đang rất lớn. Khảo sát từ các doanh nghiệp và các nhãn hàng cho thấy, từ giờ đến quý I/2023, tình hình đơn hàng sẽ có phần chững lại.


Trên thị trường xuất khẩu, các mặt hàng da giày của Việt Nam được đánh giá ở mức trung bình cả về chất lượng và giá cả. Để cạnh tranh, ngành cần sản xuất các mặt hàng có giá trị cao hơn. Muốn vậy, cần nhập khẩu được nguyên liệu có giá trị cao từ các nước.


Ở khía cạnh này, ngành da giày Việt Nam dù đã đẩy mạnh được xuất khẩu sang thị trường các nước có hiệp định thương mại với Việt Nam nhưng chưa tận dụng tốt cơ hội nhập khẩu. Đặc biệt với EU, thị trường này có nguồn nguyên phụ liệu tốt, giá trị cao phù hợp để có thể sản xuất sản phẩm ở phân khúc cao hơn. Việt Nam cũng chưa tận dụng tốt cơ hội để có thể nhập khẩu công nghệ, thiết bị mới trong bối cảnh hướng đến sản xuất bền vững, sử dụng công nghệ xanh và sạch.


Từ khó khăn đã được chỉ ra, bà Phan Thị Thanh Xuân kiến nghị: Hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ tìm kiếm các đối tác xuất khẩu nguyên phụ liệu trong khối thị trường có hiệp định thương mại tự do để tận dụng ưu đãi về thuế. Cung cấp thông tin thị trường kịp thời cho các doanh nghiệp.


Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cũng thông tin: Đức ra đạo luật về nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, áp dụng từ ngày 1/1/2023. Đạo luật này sẽ tác động rất mạnh đến chuỗi sản xuất của ngành da giày khi xuất khẩu vào thị trường EU. Trong khi đó, doanh nghiệp da giày trong nước hiện mới chỉ nhận được thông tin sẽ áp dụng trong thời gian gần nhất, còn cụ thể triển khai kế hoạch như thế nào, phải đáp ứng những thủ tục gì vẫn chưa rõ thông tin.


“Doanh nghiệp rất cần được cung cấp thông tin kịp thời để chuẩn bị kế hoạch sản xuất kinh doanh”, bà Phan Thị Thanh Xuân nhấn mạnh.


Ngoài ra, đại diện Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cũng mong muốn các thương vụ Việt Nam tại thị trường nước ngoài sẽ tiếp tục quảng bá năng lực, thông tin về những lợi thế của ngành da giày Việt Nam, đặc biệt là lợi thế từ tham gia các hiệp định thương mại tự do để bạn hàng tiếp tục đặt niềm tin vào ngành .


Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất


Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, tháng 7/2022 sản xuất da giày chỉ tăng nhẹ 3,2% so với tháng trước nhưng tăng tới 25,5% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 7 tháng đầu năm, sản xuất của ngành tăng 15,1% so với cùng kỳ. Chỉ số sử dụng lao động của ngành thời điểm tháng 7/2022 cũng tăng 1,1% so với cùng kỳ tháng trước và tăng mạnh 21,6% so với cùng kỳ năm trước.


Xuất khẩu của ngành trong nửa đầu năm đã tăng 14,2% so với cùng kỳ, đạt 13,81 tỷ USD, trong đó xuất khẩu giày dép đạt 11,79 tỷ USD, tăng 13,3%, vali - túi - cặp đạt 2,02 tỷ USD, tăng 20%. Trong số các thị trường xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam, Bắc Mỹ vẫn có mức tăng trưởng mạnh nhất với 24,5%, châu Âu 15,7% và Nam Mỹ 10,8%. Kim ngạch xuất khẩu giảm ở khối thị trường châu Á với âm 6% và tiếp tục giảm nhẹ ở châu Đại Dương âm 1,9%.


Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu da giày lớn nhất của Việt Nam, đạt 6.029,7 triệu USD, Bỉ quay lại là thị trường đứng thứ 2 đạt 866,6 triệu USD, Trung Quốc tụt xuống vị trí đứng thứ 3 với 863,2 triệu USD.


Theo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, xuất khẩu sản phẩm giày dép của Việt Nam sang các thị trường có hiệp định thương mại tự do tiếp tục có sự phục hồi tích cực. Trong đó, xuất khẩu sang khối thị trường thành viên Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU tăng 18,2%, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương tăng 10,5% và thị trường Anh thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Anh tăng 10,9%.


Ở chiều ngược lại, khối thị trường Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu do vẫn ảnh hưởng xung đột giữa Nga và Ukraine nên mức tăng trưởng xuất khẩu sụt giảm rất lớn tới âm 57,7%, khu vực ASEAN vẫn tiếp tục giảm nhẹ với âm 1,7%.


Hương Anh (tổng hợp)

Chia sẻ Facebook