Vải thiều Việt Nam đổ bộ Mỹ - Nhật giá 800 nghìn/kg

Chia sẻ Facebook
28/06/2023 12:41:45

Vải thiều Việt Nam đã có mặt rộng rãi tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới như: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia, UAE, Singapore, Trung Đông, Thái Lan,...

Thời điểm hiện tại, vải thiều chín đỏ rực khắp các ngọn đồi khu vực Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên,... Bà con tại các địa phương này đang bận rộn thu hoạch vải chính vụ. Dù đứng ở bất kỳ đâu phóng tầm mắt ra xa, chúng ta đều có thể nhìn thấy hàng loạt ngọn đồi được bao phủ bởi những chùm vải đỏ mọng. Với sản lượng cả nước ước tính khoảng 370 nghìn tấn, vải thiều theo xe thồ cùng bà con đi chợ, lên những chiếc xe tải đi khắp các địa phương trên cả nước, xuất hiện tại các quầy siêu thị, hệ thống bán lẻ. Chưa dừng lại ở đó, vải thiều Việt Nam còn "đi máy bay" đến khắp các quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Vải thiều đổ bộ thị trường quốc tế. (Ảnh: Travellive)


Chinh phục nhiều thị trường cao cấp

Đến thời điểm hiện tại, vải thiều Việt Nam đã có mặt tại hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ. Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, ngày 20/6 vừa qua, lô vải thiều tươi đầu vụ 2023 của tỉnh Bắc Giang qua đường hàng không đã đến thành phố Houston (Mỹ). Vải thiều tươi của Việt Nam đã được bày bán đồng loạt tại nhiều siêu thị và chợ châu Á lớn nhất ở Houston, Texas (Mỹ). Giá bán lẻ cho khách hàng là 14 - 15 USD mỗi pound (tương đương khoảng 780.000 đồng mỗi kg); hoặc 140 USD cho gói 11 pound (5kg), tương đương 3,2 triệu đồng (640.000 đồng/kg).

Vải thiều tươi Việt Nam đang được triển khai bán đồng loạt tại nhiều siêu thị và chợ châu Á lớn nhất tại TP Houston, Texas (Mỹ). (Ảnh: Công ty LNS)

Đây là bước ngoặt lớn bởi trước đây vải thiều Việt đến Mỹ theo diện hàng đông lạnh. Năm nay, dưới sự hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) về yêu cầu kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của từng thị trường, các địa phương, hộ sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu vải đã chủ động vào cuộc từ rất sớm, chuẩn bị chu đáo các phương án xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi để vải thiều tươi Việt Nam vào thị trường nước Mỹ.

Chất lượng vải thiều Việt Nam ngày càng được nâng cao, quy trình trồng theo hướng hữu cơ, các địa phương đã có sự đầu tư nghiêm túc vào chất lượng sản phẩm. Vải thiều xuất khẩu ngoài việc trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn, khi thu hoạch, tất cả đều được hái vào ban đêm để bảo bảo đảm tươi ngon, đáp ứng tiêu chuẩn. Từ đó, vải thiều đã thành công chinh phục những thị trường "khó tính" trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản,...

Vải thiều Việt Nam tại Thái Lan. (Ảnh: Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam)

Có mặt trên các kệ hàng tại châu Âu. (Ảnh: Tạp chí Tài chính)

Đầu tháng 6 vừa qua, một lô vải u hồng Việt Nam cũng nhập khẩu vào Anh, trở thành lô vải xuất khẩu chính ngạch đầu tiên đến nước Anh trong năm 2023. Giá bán tại Anh khoảng 15 bảng/kg, tương đương 435.000 đồng.

Tại thị trường Nhật Bản, chia sẻ với báo Thanh Niên, ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục phó Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cho biết đã có 17 lô hàng, tổng trọng lượng trên 82 tấn vải thiều đã đạt được chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu sang Nhật Bản. Giá bán lẻ tại thị trường này 400.000 - 550.000 đồng/kg.

Vải thiều được bày bán tại các siêu thị Nhật Bản. (Ảnh: Báo Giao thông)

Nhật Bản được xem là thử thách không dễ vượt qua với các mặt hàng xuất khẩu, thế nhưng, vải thiều Việt Nam đã thành công chinh phục các doanh nghiệp của quốc gia này với chất lượng sản phẩm đạt chuẩn. Đầu tháng 6 vừa qua, trong chuyến thăm vùng vải thiều Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, đại diện doanh nghiệp Nhật Bản đã bày tỏ sự ngạc nhiên và dành lời khen ngợi đối với chất lượng thơm ngon của quả vải Thanh Hà.


Vải không hạt giá "cao ngất" vẫn cháy hàng

Vải không hạt được xem là bước đột phá, "hàng hot" của thị trường vải thiều năm nay. Loại vải này có chất lượng và sản lượng đạt chuẩn xuất khẩu châu Âu. Khi chín, vải có màu đỏ rực, cùi mọng, giòn, vị ngọt đậm đà, vì không có hạt nên loại mặt hàng này càng được ưa chuộng dù giá cao hơn mặt bằng chung. Ưu điểm của giống vải này là giảm công chăm sóc, không sâu cuống, bảo quản tốt, đem lại giá trị kinh tế cao.

Vào tháng 6/2023, 1 tấn vải thiều không hạt đầu tiên đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Anh. Tại Nhật Bản, vải thiều không hạt đang được bán với giá 4.500 - 5.000 Yen/kg (750.000 - 840.000 đồng/kg).

Vải không hạt được nhiều người yêu thích. (Ảnh: Báo Thanh niên)

Hiện nay, các địa phương cũng đang xúc tiến trồng loại vải không hạt này. Tỉnh Thanh Hóa dành hơn 1.000 ha để quy hoạch vùng trồng cây vải không hạt. Năm 2019, Bắc Giang cũng đưa giống vải thiều không hạt về trồng tại xã Tân Sơn (huyện Lục Ngạn) với hơn 500 cây. Sau hơn 2 năm trồng, năm nay một số cây vải thiều đã ra hoa, đậu quả.


"Loại quả ngon nhất tôi từng ăn"

Có thể thấy, vải thiều đang ngày càng được bạn bè quốc tế ưa chuộng. Với nỗ lực không ngừng nghỉ để nâng cao chất lượng sản phẩm, sự thành công của vải thiều trên thị trường xuất khẩu là niềm tự hào với nông nghiệp Việt.


Độc giả của YAN cũng đã chia sẻ niềm tự hào của mình đối với trái vải quê hương:


- "Mình đang học tập tại Nhật Bản, bạn bè của mình đều rất yêu thích vải thiều Việt Nam. Một anh bạn người Nhật đã nói với mình 'đây là loại quả ngon nhất tôi từng ăn', nghe đến đây, mình vô cùng tự hào, không chỉ vải thiều, rất nhiều hoa quả Việt được người nước ngoài yêu thích." - Hà My (du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản).


- " Cuộc sống Gen Z đi du học nước ngoài, vào siêu thị nhìn thấy vải thiều Việt Nam được bày kín trên kệ vô cùng tự hào và nhớ quê hương." - Kim Long (du học sinh Việt Nam tại Mỹ).

Mỗi trái vải là biết bao tâm huyết của người lao động. (Ảnh: Travellive)

Vải thiều, một trong những niềm tự hào của nông sản Việt. (Ảnh: Báo Dân sinh)

Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, các nước châu Âu đều đánh giá rất tốt về sản phẩm và dành nhiều lời khen cho sự tươi ngon của quả vải Việt Nam cũng như bày tỏ mong muốn sản phẩm này trở thành quà biếu, tặng cho gia đình, người thân. Hy vọng rằng trong tương lai vải thiều Việt Nam sẽ "đi xa, bay cao" đến nhiều vùng đất mới hơn nữa.

Vải thiều thành công chinh phục những thị trường khó tính nhất như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu. Đây là bước ngoạt lớn đối với nông nghiệp Việt Nam. Với sự đầu tư vào chất lượng sản phẩm, chắc chắn rằng trong tương lai nông sản Việt sẽ ngày càng "vươn cao, bay xa" hơn nữa trên thị trường quốc tế.


Cùng cập nhật những tin tức khác TẠI ĐÂY !

Chia sẻ Facebook