Vài so sánh về phận người dưới hai chế độ Liên Xô và Trung Quốc
Đảng Cộng sản Liên Xô (ĐCSLX) và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có rất nhiều điểm chung, chủ yếu là ở cách đối xử với con người. Những gì từng xảy ra với con người ở Liên Xô thì cũng xảy ra ở Trung Quốc dưới thời ĐCSTQ.
Trong nạn đói năm 1932-1933 ở Liên Xô, nhiều người đã bị bắn vì lấy trộm ngũ cốc của công xã địa phương, “thậm chí còn bị hành quyết vì nhặt vài hạt vương vãi trên mặt đất” , ông Oleh Shamshur, Đại sứ Ukraine tại Hoa Kỳ năm 2006, kể lại. Ông cũng dẫn chứng trường hợp của Mykhaylo Naumenko lúc 11 tuổi: “Tính đến ngày 24 tháng 5, 75 ngôi nhà trong làng chúng tôi đều vắng bóng người bởi dân làng đã chết sạch”.
Khoảng 30 năm sau, những thảm kịch tương tự lại xảy ra ở Trung Quốc dưới sự cai trị của ĐCSTQ. “Một báo cáo ngày 30 tháng 11 năm 1960 được truyền trong giới lãnh đạo chóp bu – nhiều khả năng có cả Mao trong đó – nói về một người đàn ông tên Wang Ziyou bị cắt một bên tai, hai chân bị trói bằng dây sắt, bị 10kg đá đè vào lưng, rồi lại bị gí thanh sắt nóng đỏ. Tội của ông ấy là: đào trộm một củ khoai tây” , Frank Dikötter, một giáo sư tại Đại học Hồng Kông, viết trong bài báo “Đại nhảy vọt tới nạn đói của Mao” (Mao’s Great Leap to Famine) trên tờ New York Times.
Giáo sư Dikötter dành 4 năm ở Trung Quốc, từ năm 2005 dến 2009, và đã nghiên cứu hàng trăm tài liệu. Ông còn kể lại rất nhiều câu chuyện mà mình đọc được. Chẳng hạn về cậu bé đã lấy trộm một nắm ngũ cốc ở một ngôi làng tại tỉnh Hồ Nam. Một quan chức địa phương tên là Xiong Dechang đã ép cha của cậu bé phải chôn sống cậu ngay tại chỗ. Người cha đã qua đời vì quá đau buồn ba tuần sau đó.
Xuyên suốt thế kỷ 20, hơn 60 triệu người dân Liên Xô đã mất mạng vì chiến tranh, chết đói và các cuộc thanh trừng chính trị. Ở Trung Quốc dưới chế độ cộng sản, có đến 80 triệu người đã chết bất thường. Những sự thật này đều có hồ sơ, nhưng không bao giờ có thể xuất hiện trong báo chí quốc nội, bởi nếu bị đưa ra, chúng có thể đe dọa tới chế độ độc tài.
Nhìn lại cách đối xử với con người của ĐCSLX và ĐCSTQ, có thể nói là rất tương tự.
Tung tin giả cho người dân trong nước
Liên Xô đã trải qua ba nạn đói lớn. Nạn đói đầu tiên là trong thời kỳ Nội Chiến năm 1921 khi ĐCSLX trưng thu ngũ cốc, hủy hoại sức sản xuất, và làm mất đi mong muốn sản xuất của nông dân. Sản lượng thóc gạo của nước Nga khi đó giảm còn một nửa, gây ra cái chết của 5 triệu người. Hiện tượng ăn thịt người đã xuất hiện ở nhiều khu vực. Nạn đói lần thứ hai xảy ra vào năm 1929, khi Stalin cưỡng chế nông dân gia nhập hợp tác xã và thu mua nông sản với giá rẻ mạt trong khi giá thóc gạo bán cho nông dân cao đến chóng mặt. Điều này đã dẫn tới cái chết của 8 triệu người, gồm cả 1/4 tổng dân số Ukraine lúc bấy giờ. Nạn đói lần thứ ba xảy ra từ năm 1946 đến 1947.
Ngoài những nạn đói tàn khốc đó, người dân Liên Xô còn phải chống chọi với sự thiếu hụt nhu yếu phẩm hàng ngày do sự sa sút của ngành công nghiệp nhẹ, bởi ưu tiên cao nhất lúc bấy giờ được dành cho công nghiệp nặng và quân sự. Thêm vào đó, rất nhiều người dân còn bị thanh trừng chính trị và đàn áp trong thời kỳ Stalin nắm quyền, khiến ai ai cũng sống trong sợ hãi.
Tuy nhiên xuyên suốt thời kỳ nắm quyền, ĐCSLX luôn tuyên truyền cho nhân dân rằng họ đang sống cuộc sống hạnh phúc không đâu bằng.
ĐCSTQ cũng nói dối như vậy trong suốt thời gian nó cầm quyền. Khi hơn 40 triệu người chết đói vì Đại Nhảy vọt, ĐCSTQ nói với nhân dân Trung Quốc rằng điều kiện sống của họ tốt hơn so với nhiều nước khác và 2/3 người dân thế giới đang sống trong nghèo đói.
Tương tự như vậy, ở Trung Quốc ngày nay, mặc dù là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, nhưng hơn 600 triệu người đang phải sống chật vật với mức thu nhập hàng tháng ít hơn 1.000 Nhân dân tệ (khoảng 140 USD). Với gần 1,4 tỷ dân, vẻ ngoài hào nhoáng của các “thành phố thượng đẳng” mà khách du lịch thường xuyên lui tới đã che khuất đi những mặt trái trong xã hội Trung Quốc.
ĐCSTQ còn bảo dân chúng rằng Trung Quốc là nơi an toàn nhất trên thế giới và chỉ có ĐCSTQ mới có thể bảo vệ họ. Tuyên truyền của ĐCSTQ đầy rẫy những điều sai trái, về sự nguy hiểm của tự do, dân chủ, về chuyện lính Hoa Kỳ mang COVID-19 đến Trung Quốc, gắn liền “yêu nước” với “yêu Đảng” , v.v..
Nếu Trung Quốc là quốc gia an toàn nhất như ĐCSTQ hùng hồn tuyên bố thì tại sao chính phủ Trung Quốc lại phải chi tiêu hàng trăm tỷ Nhân dân tệ để “ổn định” tình hình trong nước và giám sát người dân? Dưới thời ĐCSTQ nắm quyền, không có luật pháp, không có tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng.
Người nghèo là “trụ cột”
ĐCSLX và ĐCSTQ đều xây dựng đất nước trên cơ sở người nghèo là “trụ cột”. Quả thật, các lực lượng vũ trang Liên Xô, đặc biệt là vũ khí hạt nhân, đã vượt trội Hoa Kỳ, vốn là cường quốc quân sự mạnh nhất thế giới vào giữa những năm 1980. Nhưng nếu cho rằng Liên Xô phồn thịnh và hùng mạnh lại là sai lầm nghiêm trọng.
Để duy trì ưu thế quân sự, Liên Xô đã dành hơn 80% vốn đầu tư công nghiệp vào công nghiệp nặng, vốn không phục vụ gì nhiều cho cuộc sống của người dân. Người dân phải thức dậy vào lúc 5 giờ sáng để xếp hàng nhận nhu yếu phẩm hàng ngày. Người dân thiếu ăn, nông dân bị bóc lột. “Đế chế” này được xây dựng trên một nền tảng yếu kém.
Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev từng nói công cuộc hiện đại hóa trước đây phải trả giá bằng cuộc sống của người dân, hiện đại hóa để giữ “thể diện” cho quốc gia, hiện đại hóa vì giai cấp lãnh đạo sùng bái sức mạnh quân sự, hiện đại hóa để thể hiện “sự vinh quang của đế chế” , và mô hình phát triển khiến con người trở thành nạn nhân của “thành công của quốc gia” , tất cả đều chứng tỏ là đối lập với “nền văn minh hiện đại”.
Những bài học của ĐCSLX vẫn được ĐCSTQ coi là “vũ khí thần kỳ” , cố tình khiến người dân say mê ôm giữ bốn “hiện đại hóa” và tin rằng những thứ này phản ánh sự thịnh vượng và hùng mạnh của Trung Quốc.
Trong khi nhiều người ở Trung Quốc phải sống trong nghèo đói, thì viện trợ nước ngoài của ĐCSTQ trong bốn năm vừa qua lên đến 6 tỷ Nhân dân tệ. ĐCSLX cũng viện trợ tài chính rất hào phóng cho các nước khác để xuất khẩu “cách mạng đỏ” trong khi bản thân chìm trong nợ nần. ĐCSTQ cũng đi theo vết xe của ĐCSLX khi truyền bá hệ tư tưởng cộng sản trên toàn cầu bằng cách đánh đổi mức sống của chính người dân Trung Quốc.
Các lãnh đạo cộng sản và những người xung quanh họ
Các nhà lãnh đạo cộng sản như Marx, Lenin, Stalin, Mao, cùng nhiều người khác thường được suy tôn là “các vị cứu tinh vĩ đại” với đạo đức cao thượng. Mặc dù chà đạp các tín ngưỡng tôn giáo, nhưng những người này lại tạo ra sự sùng bái chính bản thân mình. Nói cách khác, sự tàn nhẫn, máu lạnh và ích kỷ cực độ của họ đã được che đậy kỹ, mà thậm chí người dân ở các quốc gia ấy qua bao nhiêu năm vẫn không hề hay biết.
Ballerina Olga Lepeshinskaya là một trong những tình nhân của Stalin. Năm 2004, bà đã nói thế này về Stalin: “Ông ta có thể rất ngọt ngào và tử tế, nhưng đó chỉ là ấn tượng mà ông ta tạo ra. Bởi vì về bản chất, ông ta là kẻ xấu – đầy thù hằn và tức giận.”
Vera Davydova là người tình mà Stalin sủng ái nhất và đã sống cùng ông ta gần hai thập kỷ. Trong hồi ký “Lời thú tội của người tình của Stalin” (Confessions of Stalin’s Lover), bà thuật lại Stalin và các “đồng chí” cấp cao của ông ta đã tàn nhẫn và giả dối ra sao trong các cuộc tranh giành quyền lực, họ trác táng, loạn bậy như thế nào trong đời tư tình dục (Xem thêm bài: Nguồn gốc sự nở rộ phong trào giải phóng tình dục trên thế giới ). Bà cũng kể lại bà đã thoát nạn ra sao khi Alexander N. Pskrebyshev, được cho là quan chức mà Stalin tin tưởng nhất, đã không tuân theo mệnh lệnh của Stalin là ném bà vào chuồng sói.
Cả Karl Marx và Friedrich Engels đều cực kỳ lạnh lùng đối với sinh mạng, kể cả trong tình huống hàng triệu người bị mất mạng. Engles từng viết trong cuốn “Cuộc đấu tranh của Magyar” (The Magyar Struggle): “Chiến tranh thế giới tiếp theo sẽ không chỉ khiến các giai cấp phản động và những triều đại phản động, mà là toàn bộ những phần tử phản động biến mất khỏi bề mặt trái đất này. Đó cũng là một sự tiến bộ.”
Mao Trạch Đông, nhà lãnh đạo cộng sản có ảnh hưởng nhất ở Trung Quốc, được tung hô là “vị cứu tinh vĩ đại” của nhân dân, thực ra tay đã vấy máu của hàng chục triệu người. Ông ta tàn nhẫn cả với các “đồng chí” , với thường dân, và cả với người thân của chính ông ta. Chẳng hạn như trường hợp của Dương Khai Tuệ, vợ hai của Mao, đã bị Quốc dân Đảng bắt giữ sau khi Mao và Hồng quân của ông ta tấn công Trường Sa. Bà đã bị xử tử ở tuổi 29 sau khi từ chối tố cáo Mao, bỏ lại ba đứa con nhỏ.
Căn cứ theo nhiều tài liệu lịch sử, Mao đã có nhiều cơ hội để cứu Dương Khai Tuệ bằng cách đưa bà và ba người con tới nơi an toàn trước vụ tấn công. Nhưng lúc đó, ông ta đang qua lại với một phụ nữ trẻ đẹp khác là Hạ Tử Trân. Người ta tin rằng Mao không đoái hoài gì đến sự an nguy của Dương và ba đứa con vì ông ta không muốn họ phiền nhiễu tới mối quan hệ của ông ta với vợ mới.
Mười năm sau đó, lịch sử lại lặp lại khi Mao ruồng bỏ người vợ thứ ba, Hạ Tử Trân. Có tin cho hay bà được đưa sang Liên Xô để điều trị bệnh tâm thần. Mao lại kết hôn với người vợ thứ tư, Giang Thanh, một nhân vật rất có quyền lực trong Cách mạng Văn hóa nhưng đã bị hạ bệ sau cái chết của Mao. Bà ta bị đưa ra xét xử và tống giam, sau đó đã tự sát vào năm 1991 khi được bảo lãnh tại ngoại để điều trị bệnh. Theo thư ký riêng của Mao, Lý Duệ, thì Giang Thanh đã gọi Mao là “tên lưu manh trong cả chính trị lẫn đời tư”.
Cũng không có gì ngạc nhiên khi các nhà lãnh đạo cộng sản “vĩ đại” đối xử với những người “đồng chí” và thân nhân tàn nhẫn, máu lạnh như thế. Đối với họ và nhiều người khác nữa trong chế độ này, “Đảng tính” đã vượt trên cả “nhân tính”.
Theo “Từ Liên Xô tới Đảng Cộng sản Trung Quốc, những lời nói dối lặp đi lặp lại làm hại nhân dân”
Đăng lại có chỉnh sửa từ Minghui.org
Tác giả: Tân Minh, Hân Nham
Mời xem video :