Vài nét về làng khoa bảng Khả Lãm

Chia sẻ Facebook
08/08/2023 12:19:56

Ngày nay làng Khả Lãm xưa đổi tên là Cao Lãm, làng vẫn giữ truyền thống nuôi dạy con cái theo con đường khoa bảng, dù làng nhỏ nhưng vẫn có 7 tiến sĩ, gần ba chục thạc sĩ và trên hai trăm bác sĩ, kỹ sư, cử nhân, nhạc sĩ làm việc ở khắp nơi trong nước.


Theo ghi chép từ làng Khả Lãm thì hơn trăm năm dưới thời Lê Trung Hưng, làng có 99 người đỗ đạt từ sinh đồ đến Đình nguyên, trong đó có 3 người đỗ tiến sĩ, hơn 80 người đỗ Hương cống, gần 20 người đỗ tú tài và sinh đồ. Tên tuổi của 99 vị khoa bảng làng Khả Lãm được dân làng khắc vào bia đá và lưu giữ đến tận ngày nay.

Tranh dân gian: Trạng Nguyên vinh quy bái tổ.

Làng Khả Lãm thuộc phủ Ứng Thiên (nay là thôn Cao Lãm, xã Cao Thành, huyện Ứng Hòa, Hà Tây, Hà Nội). Dù làng chỉ có 200 nóc nhà, nhưng hầu như nhà nào cũng từng có người làm quan từ địa phương cho đến Triều đình.


Làng Khả Lãm xuất hiện từ thời nhà Lý khi có hai vợ chồng họ Hoàng làng nghề chài lưới đến đây cư ngụ, rồi dần dần có thêm nhiều người đến lập thành làng. Trong làng có dòng họ nổi tiếng là dòng họ Mai – đây là dòng họ nổi tiếng khoa bảng của làng. Họ Nguyễn Tây cũng có nhiều người đỗ đạt. Vì thế mà người làng vẫn có câu rằng: “ Họ Hoàng lập ấp, Tây Nguyễn khai khoa”.

Truyền thống khoa bảng làng Khả Lãm bắt nguồn từ hai người phụ nữ. Bà Mai Thị Biểu bỏ công sức dạy dỗ con và cháu của mình đỗ đạt, con trai bà là Nguyễn Duy Tuấn đỗ khai khoa, mở đầu cho truyền thống khoa bảng của cả làng. Cháu nội của bà Mai Thị Biểu là Nguyễn Thị Khiếu dạy dỗ con cái rất tốt, hai con trai là Mai Danh Tông và Mai Trọng Tương đều đỗ tiến sĩ.


Hiện nay nhà thờ song thân của Mai Danh Tông và Mai Trọng Tương còn lưu giữ đạo sắc phong thời nhà Lê tặng cho bốn chữ vàng “Nghĩa phương giáo dục” vì có công dưỡng dục nên 2 vị tiến sĩ cho Triều đình.

Mai Danh Tông đỗ tiến sĩ làm quan cho triều đình, trước khi nghỉ hưu có làm một bài thơ tặng các quan trong triều, đây là bài thơ nổi tiếng vào thời điểm đó;


Lưu giản đồng triều


Miệt tuyến vi trường quý dự mao
Hạnh liêu khoa giáp xuyết ban tào
Ngũ thiêm Hán tước phàn hề bổ
Lưỡng đốc Chu hàn thốn mị lao
Ưu lão hồng thi như phú ốc
Giả niên phồn huống tự dung tào
Đắc nhàn thả chủng Hương Sơn lạc
Tả hữu hi triều ngưỡng bật cao.

Dịch nghĩa là:


Làm thơ gửi các quan đồng triều


Quần áo lụa là thẹn đấng làm trai
May mà dự hàng khoa giáp làm quan
Tước Hán năm bậc có bổ ích gì
Quan Chu hai bậc chẳng hề khó nhọc
Thân già được ban nhiều ân lộc
Tuổi lớn vẫn được ơn trên ưu ái
Được nhàn hãy du chơi Hương Sơn
Triều thịnh trị có nhiều người tài cao giúp rập.

(Bản dịch từ website của họ Mai Cao Lãm)

Mai Trọng Tương tham dự khoa thi năm 1736 và vào đến kỳ thi cuối cùng là thi Đình. Theo họ Mai ở Cao Lãm thì bài văn sách của Mai Trọng Tương không hề thua kém bài văn sách của Trịnh Huệ, nhưng do Trịnh Huệ là dòng họ chúa Trịnh nên các quan đã sửa đi một nét của một chữ khiến chữ này biến thành nghĩa khác để có lý do hạ bài của ông xuống. Kết quả Trịnh Huệ đỗ Trạng nguyên, còn Mai Trọng Tương đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, dù thế cũng không thể phủ nhận được tài năng của Trạng nguyên Trịnh Huệ. Việc này được khắc trên đôi câu đối treo ở nhà thờ chi họ Mai ở thôn Cao Lãm. Câu đối đó như sau:


Tài năng bất nhượng Trịnh Trạng nguyên, văn thủ tín xưng văn nghệ lão.
Tể yếu nhung lưu Lê sử quán, phượng lâu trường ngưỡng bút phong cao

Nghĩa là:


Thi tài đâu có kém Trịnh Trạng nguyên, đứng nhất bảng rồng văn chương lão luyện.
Việc lớn còn mải lưu Lê sử quán, ngửa nhìn lâuh phượng ngọn bút vút cao.

(Xem thêm về Trịnh Huệ:

Câu chuyện về vị Trạng nguyên tài hoa cuối cùng trong sử Việt)

Cổng làng Khả Lãm có đôi câu đối mô tả khái quát về làng:


Linh chi lai hề vân vi cái nguyệt vi sa đồng nhân cộng ngưỡng
Thần sở lao hỹ danh ư triều lợi ư thị xuất môn hữu công.

Đại ý là: Nơi đây cảnh quan thật đẹp, mây như lọng che, mặt trăng như xe kéo, ai qua cũng đều ngưỡng vọng. Quê hương gốc rễ chặt bền, danh tiếng chính trường, lợi lộc nơi chợ búa, con dân ra khỏi làng là làm nên công trạng.

Các dòng họ trong làng đều có quỹ khuyến học, làng cũng có ban khuyến học với số quỹ khi nào cũng lên đến vài chục triệu đồng, thường xuyên khen thưởng hay trợ giúp học sinh giỏi, đỗ đạt hay nhà nghèo vượt khó.

Vì làng có truyền thống dạy dỗ con cháu nên các lớp thế hệ sau nhiều người chọn làm nghề nhà giáo. Làng có hơn 30 thầy cô giáo, còn số giáo viên đã nghỉ hưu là trên 60 người.


Trần Hưng


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook