Vài nét về gia huấn trong một số cuốn gia phả Việt
Giáo dục con cái là công việc không thể thiếu trong mỗi gia đình. Nhận thức được điều đó, các bài huấn đã nêu ra tác dụng của việc dạy dỗ con cái:
Người xưa nói “chim có tổ, người có tông”. Mỗi người sinh ra ai mà chẳng có cội nguồn tổ tông, như dòng sông, con suối đều có ngọn nguồn của nó. Nếu như lịch sử của một dân tộc thể hiện qua những trang chính sử, thì sự hưng vong của một dòng họ, một gia tộc, có thể thấy được qua từng trang của gia phả.
Lần giở lại những trang gia phả, chúng ta sẽ hiểu được cội nguồn của dòng họ, qua đó một điều dễ nhận thấy là có không ít các bản gia phả kèm theo những bài “huấn” . Đó là những lời khuyên răn, dạy bảo con cháu cách sống, các làm người. Tùy thuộc vào từng dòng họ khác nhau mà nội dung các bài huấn mang sắc thái riêng.
Tiếp sau bài Sách có nội dung giáo dục gia đình hiện tàng trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm đăng ở Tạp chí Hán Nôm số 3/1994, trong bài viết này, với sự tìm hiểu bước đầu, chúng tôi xin giới thiệu một số nét về mảng gia huấn được chép lẫn trong các bản gia phả hiện đang tàng trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Đó là:
– Lê tộc phả ký, A.2807
– Hồ gia hợp tộc phả ký, A. 3076
– Nguyệt áng Lưu thị gia phả, A.811
– Nguyễn tộc gia phả, VHv.2488
– Hoa cầu xã Nguyễn tộc gia phả, A.667.
1. Cách sắp xếp các bài huấn trong gia phả thường không tuân theo một trật tự nhất định nào: nó có thể nằm ở đầu sách, như ở cuốn Lê tộc phả ký, có thể nằm ở giữa sách, như ở cuốn Nguyễn tộc gia phả, hay cuốn Hoa Cầu xã Nguyễn tộc gia phả, có khi, nó lại nằm ở cuối sách, như ở cuốn Nguyễn tộc gia phả.
2. Tiêu đề các bài huấn thường kèm theo tên, chức tước của người chép huấn, như: “Giám sinh Lê Toàn Thành huấn giới tử tôn biên” (Lê tộc phả ký), “Cùng đạt gia huấn của Hồ Phi Tích” (Hồ gia hợp tộc phả ký), “Tiến sĩ Hiến Tế công gia huấn” (Nguyệt áng Lưu thị gia phả) v.v.
3. Trong các bài huấn, ngoài lời khuyên răn cụ thể còn có một số tựa dẫn. Chẳng hạn lời tựa dẫn ở Lê tộc phả ký viết:
Lê Toàn Thành vì thế gia được thừa hưởng cơ nghiệp tổ tông, nhiều đời sung túc [nên] muốn con cháu về sau tu đức, noi theo mà không để mất đi. Thấy trong nhà vốn đã có gia huấn lưu truyền, nhưng do lâu ngày [nên] rách nát, không còn nguyên vẹn. E rằng đời sau hiểu sai cả khuôn phép, bèn viết tiếp một thiên dài, làm sáng tỏ điển chương, dùng lời hay, ý đẹp để trần thuật chí hướng và sự nghiệp của cha ông, khiến cho con cháu muôn đời mãi mãi làm nền móng cho cơ nghiệp, lưu truyền lại làm phép nhà. Vậy cung kính viết ra.
Hay lời tựa sách Nguyễn tộc gia phả viết:
Đức cần cù của tổ tiên cùng với sự truyền nối các đời của chi ta, tất cả đều có thể dựa vào đó để tra cứu, xác định. Con cháu ta gắng chí làm theo, hàng năm ghi chép thêm làm cho cái căn cơ chưa rộng trở thành rộng, làm cho cái sự nghiệp chưa thành trở nên thành, thế là có gây dựng, có bồi đắp, lại có thể đưa tới thành công để truyền cho con cháu muôn đời. Thật là làm tỏ đời trước, chiếu rọi đời sau, như thế mới là đại hiếu.
4. Nội dung giáo dục:
Trang Tử nói: việc tuy nhỏ, không làm [thì sẽ] không hoàn thành. Con cháu tuy có tài, không dạy không sáng suốt được.
Hán thư nói: Vàng bạc đầy một giỏ cũng không bằng dạy con một kinh sách. Cho con ngàn vàng không bằng dạy cho nó một chữ.
(Nguyệt áng Lưu thị gia phả, 133b)
Giáo dục lao động là vấn đề luôn đặt ra trong các bài huấn. Sách nêu những chuẩn mực đạo đức của từng giới và khuyên con cháu thực hiện thế nào cho phải.
Phàm thế gia, làm người con trai nên chú trọng vào nghiệp học, chuyên tâm dốc ý, không được nghiêng ngả dao động, khi có dịp thì lấy văn chương hiển danh ở đời. Vinh hoa có thời, khi đến sẽ đến, việc dạy bảo con cháu phải dốc lòng, không biết mệt mỏi. Khi làm quan đăng khoa, thì lo giữ sản nghiệp, chăm chỉ không quên, như vậy sẽ làm rạng rỡ tổ tông, không làm trái với gia huấn. Nếu như có ai không thành danh ở trong nghiệp học, nên dốc sức vào nghề nông.
(Lê tộc phả ký, tờ 1b)
Để khuyên con trai nên gắng sức học hành, sách Hoa Cầu xã Nguyễn tộc gia phả viết:
Họ ta gia thế bản Nho,
Con trai nên nặng công phu học hành.
Ắt lại thấy công danh sự nghiệp,
Hiển vinh này nền nếp con giai.
Dầu ai luật sức kém tài,
Canh van nhiễm tác sản bài tứ dân.
(Hoa Cầu xã Nguyễn tộc gia phả, tờ 14a).
Sách khuyên con trai không nên cờ bạc, rượu chè, trai gái, làm tổn hại đến phong tục giáo hóa của dòng họ:
Kiêu căng, xa xỉ, chơi bời, không cẩn thận, rượu chè, hiếu sắc, trong 7 điều này, nếu phạm một điều cũng sẽ không tránh được việc phá nghiệp nhà, mất thanh danh của dòng họ.
(Hồ gia hợp tộc phả ký, 50a)
Sắc đẹp thì đừng ham [vì] ham sắc đẹp sẽ dẫn đến loạn gia, bại tạng; rượu chớ nghiện, vì nghiện rượu sẽ dẫn đến loạn tính, bại thân; cờ bạc thì đừng ham mê, [vì] ham mê cờ bạc sẽ dẫn đến khuynh gia bại sản.
(Lê tộc phả ký, 3a)
Đối với con gái, sách khuyên giữ gìn công, dung, ngôn, hạnh – những phẩm cách đáng quý của người con gái.
Chữ rằng hiền nữ kính phu,
Tam tòng tứ đức dễ mua đâu mà.
Mấy lời ấy thực là có ích,
Chớ lấy làm quê kệch mà quên.
(Hoa Cầu xã Nguyễn tộc gia phả, 15a)
Nhận thức được tác dụng của việc dạy con, từ đó có những phương pháp giáo dục sao cho phù hợp, sách Nguyệt áng Lưu thị gia phả đã viết:
Con trai mà không dạy dỗ, lớn lên sẽ trở thành người ngu dốt, ngoan cố. Con gái không dạy dỗ, lớn lên sẽ trở thành người thô thiển. Phương pháp dạy con trai không nên để chúng nghe những lời điên khùng. Phương pháp dạy con gái không để chúng xa mẹ. Con trai lúc trưởng thành không nên tập nghiện rượu; con gái lúc trưởng thành dạy không được du chơi. Cha nghiêm thì sinh ra con trai có hiếu, mẹ nghiêm thì sinh ra con gái khéo léo.
(Nguyệt áng Lưu thị gia phả, 134a,b)
Không chỉ dừng lại ở các mối quan hệ trong gia đình, các bài huấn trong các cuốn gia phả còn đưa ra những lời khuyên về các mối quan hệ ngoài xã hội, như đối với anh em, họ hàng, nên kính trên nhường dưới, hòa nhã với mọi người, chia ngọt xẻ bùi, tương thân tương ái:
Phàm thế gia, là con cháu, anh em đối xử với nhau [thì] anh phải hòa thuận, em phải cung kính, tương thân tương ái; khi có niềm vui thì cùng san sẻ, lúc gặp hoạn nạn thì cứu giúp lẫn nhau. Xử sự phải công bằng, gặp chuyện bực bội thì phải nhẫn nhục.
(Lê tộc phả ký, 2b).
Đối với hàng xóm, láng giềng, sách khuyên nên giữ quan hệ sao cho đúng mực, bởi hàng xóm láng giềng là những người “tối lửa tắt đèn có nhau” :
Ở làng tạm bớt lời dức lác,
Sự người đừng bàn bạc dại khôn.
(Hoa Cầu xã Nguyễn tộc gia phả, 15a)
Phàm thế gia, là con cháu nếu được hưởng phú quý [thì nên] ban ơn cho mọi người trong làng xóm, chớ gây oán hận; kẻ làm điều ác sẽ bị người đời báo lại điều ác, hà tất phải ganh đua?
(Lê tộc phả ký, 2b)
Qua phần nội dung giới thiệu ở trên, chúng ta phần nào hiểu được cách giáo dục trong gia đình truyền thống của cha ông chúng ta. Ở đây có những mặt tích cực cần phát huy, nhưng cũng có không ít những hạn chế, bị lịch sử vượt qua, nay không còn thích hợp nữa.
Văn hóa của một quốc gia, một dân tộc bao giờ cũng bắt nguồn từ văn hóa của một gia đình, một dòng họ. Văn hóa của một gia đình như thế nào còn phụ thuộc vào sự dạy bảo, khuyên răn của các thế hệ đi trước. Vấn đề giáo dục gia đình là vấn đề đang được đặt ra một cách bức thiết trong xã hội hiện nay. Làm thế nào để phát huy những phẩm chất cao quý mà ông cha ta để lại, và để hạn chế được những mặt tiêu cực, đó là vấn đề cần đặt ra.
Lê Thu Hương
Trích lược từ bài viết “Vài nét về mảng gia huấn được chép trong một số cuốn gia phả”
Đăng trên tạp chí Hán Nôm số 3 năm 1998
Theo Viện nghiên cứu Hán Nôm ( hannom.org.vn )
7 gia huấn của cổ nhân giúp tạo lập gia đình hưng vượng
Mời xem video :