Vài điểm cần chú trọng để tạo phúc cho gia đình
Một gia đình có phúc không phải là để lại bao nhiêu tiền của, bao nhiêu căn nhà, mà là truyền lại cho con cháu được bao nhiêu trí tuệ...
Gia đình là tế bào của xã hội. Một quốc gia, một xã hội muốn an bình, hưng thịnh thì mỗi gia đình phải an bình, hưng thịnh. Thời xưa, có những gia tộc hưng thịnh suốt hàng trăm năm, đó là bởi vì cổ nhân rất coi trọng luân thường đạo lý, các phép tắc, đạo xử thế trong gia đình, khiến cho gia đình có được phúc phận dài lâu.
“Hiếu mục phòng huấn từ” , một gia huấn nổi tiếng thời xưa viết: “Hai điều khiến một gia đình tiêu vong là ham mê dâm dục và làm những việc ti tiệc, hèn hạ. Hai điều khiến một gia đình lụn bại là tàn bạo và hung ác.” Lại viết: “Hai chữ gia truyền là canh và đọc. Hai chữ gia hưng là kiệm và cần. Hai chữ gia an là nhẫn và nhường. Hai chữ gia phòng là đạo và tặc” , gia đình truyền thống coi trọng canh tác làm việc nuôi thân, nhưng không bỏ bê việc đọc sách, muốn hưng thịnh thì cần tiết kiệm và siêng năng, muốn an bình thì cần nhẫn chịu, nhường nhịn, và cần luôn đề phòng con cháu trong nhà phát sinh ý định xấu như trộm cắp, gian trá. Ngoài ra còn cần chú trọng đến những điểm sau.
Gia phong
Điều quan trọng nhất của một gia đình là gia phong tốt đẹp. Người xưa có câu: “Truyền lại đạo đức thì gia đình hưng vượng đến mười đời, truyền lại phú quý giàu sang thì bất quá chỉ đến ba đời là hết.” Giữ gìn gia phong chân chính bằng việc duy trì những phẩm đức tốt đẹp trong các thế hệ mới là căn nguyên của một gia đình hưng thịnh lâu dài.
Một gia đình có phúc, một cặp vợ chồng có phúc, không phải được đánh giá dựa trên việc để lại bao nhiêu tiền của, bao nhiêu căn nhà, bao nhiêu chiếc xe hơi cho con cháu, mà là thông qua lời chỉ dạy và hành động của mình để dạy dỗ truyền lại cho con cháu được bao nhiêu trí tuệ nhân sinh, bao nhiêu đạo đức làm người tốt đẹp.
Tính toán trăm điều cũng không bằng hành thiện tích đức bởi vì đức dày có thể nâng đỡ được vạn vật, đức dày có thể nuôi dưỡng gia đình. Cổ ngữ nói: “Đức dày tải vật, đạo dày dưỡng gia” , nếu một gia đình xây dựng được một gia phong chân chính, tốt đẹp thì dù gia cảnh đang nghèo túng thế nào cũng không đi đến bờ vực lụi bại.
Trái lại, một gia đình có gia phong bất chính, nền nếp không tốt thì dù cho hiện tại đang giàu có đến đâu cũng sẽ gặp cảnh hiểm nghèo. Người xưa có câu: “Lúc bé trộm kim, lớn lên trộm vàng”. Cho nên chỉ cần không có giáo dưỡng, thì con trẻ khi trưởng thành sẽ dám làm những điều khiến gia đình suy sụp.
Gia hòa
Gia đình là chốn nương thân quan trọng nhất của con người. Những cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố của một người đều có liên quan mật thiết đến gia đình. Nếu trong một gia đình, mọi người suốt ngày chỉ có tranh chấp, cãi vã lẫn nhau thì gia đình ấy sẽ giống như một cái hang băng.
Trong “ Lễ Ký ” có viết: “Phụ tử đốc, huynh đệ mục, phu thê hòa, gia chi phì dã” , ý nói một gia đình mà cha con tin tưởng lẫn nhau, anh em đoàn kết đồng lòng, vợ chồng hòa thuận vui vẻ, tương trợ nhau lúc khó khăn thì tài phú có thể ào ạt kéo đến, gia nghiệp cũng có thể thịnh vượng phát đạt, cuộc sống gia đình cũng hạnh phúc mỹ mãn.
Trong một gia đình để giữ được sự hòa thuận, mỗi người đều phải có sự nhân nhượng, có tấm lòng bao dung người khác. Những người nguyện ý chịu thua, không phải là họ không biết cách tranh cãi, nhưng họ hiểu được rằng gia đình không phải chiến trường để mà phân thắng bại.
Gia giáo
Trong cuộc sống, chúng ta không khó để bắt gặp rất nhiều đứa trẻ được cha mẹ chiều chuộng quá đà, trong vô thức hình thành tâm lý ký sinh vào cha mẹ. Thậm chí có những đứa trẻ được bao bọc, nuông chiều quá mức mà làm ra những việc tổn hại đức, thương thiên hại lý. Một gia đình mà cha mẹ nuông chiều con như vậy thì dù tài sản có nhiều cỡ nào cũng sẽ nhanh chóng đến ngày tiêu tan hết.
Trong đời người không có những cực khổ vô ích. Nếu hiện tại, cha mẹ không nỡ để con cái tự chịu khổ thì sau này chúng sẽ phải vất vả, chịu khổ hơn rất nhiều. Không ai có thể có được một đời như ý muốn, cha mẹ không thể vĩnh viễn chở che cho con cái, cần để con cái chịu khổ thì chúng mới có sức mạnh vượt qua những khó khăn của cuộc đời.
Hãy để con trẻ chịu một chút cực khổ, một chút dày vò, vì đó là cách cổ vũ và chuẩn bị năng lượng giúp con bước đi vững vàng hơn trên con đường sau này, để khi bước vào xã hội, trong cuộc đời đầy sóng gió, con sẽ cho thấy được giá trị của bản thân.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Nhận lỗi về mình là bí quyết giúp gia đình yên ấm
Mời xem video :