Vài di vật rồng Việt Nam qua các triều đại

Chia sẻ Facebook
11/06/2022 11:39:43

Ở nước ta, dòng dõi con Rồng cháu Tiên, con rồng được nói đến từ thuở tiền sử qua những thú vật thuồng luồng, giao long...


Thứ sáu, 10/06/2022


Trứng rồng lại nở ra rồng
Liu điu lại nở ra dòng liu điu.
Ca dao


Ở nước ta, dòng dõi con Rồng cháu Tiên, con rồng được nói đến từ thuở tiền sử qua những thú vật thuồng luồng, giao long, sấu rồng, khú rồng,… Bên cạnh vô số bài tản mạn văn chương về rồng có một số công trình biên tập sâu rộng nguyên gốc cũng như mỹ thuật của con vật thiêng liêng nầy (1) . Nay tôi đến với đề tài con rồng nhân dự cuộc triển lãm Envol du Dragon – Art royal du Vietnam (Rồng cất cánh – Nghệ thuật cung đình Việt Nam) ở viện Bảo tàng Á Đông Guimet từ 09.07 đến 15.09.2014, do hai Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở Hà Nội và Viện Bảo tàng Á Đông Guimet ở Paris đồng tổ chức. Bài viết dựa lên các di vật rồng trưng bày trong cuộc triển lãm.

Nhiều thế kỷ trước Công nguyên, đồng thời với những trống đồng văn hóa Đông Sơn, đã được tìm ra nhiều di tích bằng đồng như lưỡi rìu, mũi kích, mũi giáo,… hình thức khác nhau với những hình vẽ cong queo loại sông uốn hay xoắn ốc đặc thù của trang trí thời đại đồ đồng. Trên một mũi tên, có hình hai nhân vật mang nhiều lông như trên trống đồng, nhìn kỹ thì giống như hai con cá sấu đứng nhìn nhau, đuôi cong lên. Trên một lưỡi rìu, hai con vật đuôi cuốn hình xoắn như hai con rắn. Có thể đấy là những con giao long hay song long trong sách vở. Hình rắn ngoằn ngoèo cũng thấy trên phía sau một cái gương bằng đồng thanh, được xác định thời Giao Chỉ (thế kỷ I-III), mang nặng ảnh hưởng Đông Sơn và hình dung bước đầu cho con rồng tương lai. Về sau, vào khoảng các thế kỷ X-XIII, đôi song long có thể nhập lại một thành con độc long. Di vật trình bày nó là một nắp hộp bằng sành men màu lục nhạt đường kính 18,5 cm: thân uốn rắn rỏi quanh cái đầu đặt ở giữa, miệng thon dài để lộ ra viên ngọc thạch. Tính cách hài hòa của bố cục và mềm dẻo của nghệ thuật gia công đưa di vật lên hàng kiệt tác. Cũng vào thời Giao Chỉ, còn tìm ra được hình tượng một con thú cuốn tròn, đầu uốn lên đến thân người cưỡi có bộ mặt giản dị, đôi mắt to đầy ý vị, trên thon trần, dưới đóng khố hai vạt chéo nhau, đầu đội một cái mũ có thể là một chân đèn. Con rồng điệu hóa như đang đùa giỡn với người cuỡi còn mang dấu ấn văn hóa Đông Sơn. Đây là biểu tượng một trong những con rồng đầu tiên, nếu không kể những dĩa đèn dầu Lạc Trường cùng thời có cán cong như đầu rắn hay đầu rồng.

Song long thời Đông Sơn.

Tiền nhân rồng thời Giao Chỉ (thế kỷ I-III).

Con rồng chỉ thực thụ thành hình từ khi nước ta tự chủ, bắt đầu từ thời Ngô, nhất là qua các thời Lý (1010-1225) – Trần (1225-1400). Rồng là biểu tượng nhà vua nên không phải tình cờ mà Lý Thái Tổ đặt tên Thăng Long (Rồng bay lên) khi cho dời kinh đô từ Hoa Lư về Đại La năm 1010. Rồng thời Lý chạm trên bệ tượng có mắt lồi, má phính, mõm gồ, bờm bù, tai viền, miệng há rộng luôn ngậm ngọc, rất gần với phong cách chạm trổ Cham Pa. Rồng trên gạch nung ở tháp chùa, độc long (một con rồng), song long (hai con rồng) hay quần long (nhiều con rồng) đều có hình thon, đuôi dài uốn lượn như rắn, chỉ khác là có chân, móng vuốt nhọn sắc. Rồng nổi bật trên một thảm lá cây bồ đề của đức Phật trông như một tấm thêu. Đế tượng, rời tách khỏi tượng, cũng như hai mảnh gạch đều được tìm ra cùng nhiều mảnh di vật khác trong khuôn viên chùa Phật Tích, còn gọi Vạn Phúc tự ở Bắc Ninh. Ngôi chùa rất có tiếng nầy được vua Lý Thánh Tông cho xây năm 1057, nhiều lần bị phá hủy, lần cuối cùng do quân đội viễn chinh Pháp năm 1947. Năm 1957, chùa đuợc trùng tu toàn vẹn. Nhờ công tác nầy mà bộ Văn hóa tìm ra được và cho ghép lại bức tượng khổng lồ A Di Đà tuyệt đẹp hiện đặt tại chùa và một bản sao ở viện Lịch sử Tp HCM. Chùa Phật Tích là một trong những ngôi chùa xưa nước ta còn giữ lại những vết tích huy hoàng của một quá khứ Phật giáo vẻ vang.

Rồng thời Lý, 1057.

Một số di vật bằng gạch nung phát hiện ngay trong lòng đất Hà Nội và ngoại ô từ lâu nhân những công tác mở rộng và hiện đại hóa thành phố. Rất khó xác định niên đại những mảnh rời rạc được ghi trong mục Mỹ thuật Đại La (866-1009). Phải đợi đến kỳ khai quật Ba Đình 2002-2009 mới có dịp so sánh và đặt chúng vào trong một bối cảnh khảo cổ học và thứ tự niên đại rõ ràng hơn. Ngày nay, các nhà khảo cổ học biết phần lớn các di vật nầy thuộc về những đền đài, lăng miếu thời Lý Trần (thế kỷ XI-XIV). Trái với hình tượng con phượng đặc biệt Việt Nam, những hình tượng rồng nầy có thể là một cải biên địa phương những mẫu trang trí Tàu. Xen lẫn với phượng, đùa giỡn với viên ngọc, chúng tô điểm những đầu mút mái nóc chùa như chùa Bình Sơn ở tỉnh Vĩnh Phúc là nơi đã cung cấp các di vật nầy. Đóng khung uốn lượn trong chiếc lá bồ đề hình ngọn giáo trổ thủng trông tựa một tấm ren, những con rồng Lý – Trần nầy có đặc điểm rồng thời Lý: thân rắn, thon dài, uốn khúc, không có vẩy, vây lưng tỉa riêng hình tia lửa nhỏ, dày, đều, vòi uống quanh ngọn lửa; lông đài hất ra phía sau, bốn chân ngắn, mỗi chân ba ngón, móng nhọn giống chim; không có sừng, miệng há rộng, răng sắc, nhỏ, mào rộng dáng ngọn lửa, má tròn nhỏ dần về phía đầu do ảnh hưởng con Makara trong nghệ thuật Cham Pa, từ đó trở nên đặc trưng nghệ thuật Lý – Trần. Nói chung, so với rồng Trung Quốc, rồng Lý là một sáng tạo của nghệ sĩ dân gian, một bản sắc dân tộc, đỉnh cao của mỹ thuật Việt Nam.

Rồng thời Lý Trần (thế kỷ XI-XIV).

Trước triều Nguyễn, di vật về rồng hiện có nhiều nhất trong các viện bảo tàng thuộc triều Lê. Cái may là đầu năm 1990, một chiếc ghe chở toàn đồ gốm bị đắm có lẽ đầu thế kỷ XVI, được vớt ra cạnh Cù lao Chàm: ghe cống hiến 150.000 di vật, phần lớn hiện giữ ở Hà Nội, những bản trùng chia cho nhiều nước và còn lại đem bán đấu giá. Sau đó xác thuyền Pandanan tìm ra ở Philippines năm 1995 cũng đem lại 4.722 di vật Việt Nam thế kỷ XV xuất phát từ Lò Sành, lò Trường Cửu (tỉnh Bình Định) và nhiều lò khác ở miền bắc. Tồn tại sau gần năm thế kỷ ngâm dưới nước mặn, những đồ gốm nguyên vẹn như chén dĩa trở về ánh sáng với những hình vẽ động vật hoang đường linh động chưa từng thấy. Điều lạ là trong số bát dĩa thuờng dùng hằng ngày cho công chúng, xen lẫn những chén, những dĩa có trang trí rồng dành cho nhà vua. Cạnh những cốc chén vừa phải có những dĩa tương đối khổng lồ dùng rồng làm trang trí. Đem so sánh rồng nầy với những rồng Lý – Trần, những nhà chuyên môn dò ra những nét mỹ thuật nhà Minh, vinh quang tột bậc vào thế kỷ XV, đã có nhiều ảnh hưởng lên những con rồng nhà Lê, “một con rồng phong kiến toàn mỹ dưới một triều đại phong kiến toàn thịnh”: vạm vỡ, đầu mũi to, bờm ngược ra sau, răng nanh dài, mép miệng thẳng, lông mày uốn lượn, sừng chẻ hai cuộn tròn ở đầu; lần đầu chân năm móng sắc nhọn, tiêu biểu đế vương, phong độ oai hùng.

Rồng thời Lê: chén, dĩa (thế kỷ XIV-XV).

Sau một thời gian sử dụng thoải mái màu sắc sặc sỡ, trang trí sôi nổi, bắt đầu từ thế kỷ XVII, các lò nung Bát Tràng (thành lập thế kỷ XIV, phát triển mạnh mẽ dưới thời Lê) sản xuất những mẫu hàng độc màu. Những sản phẩm nầy, dễ nhận ra qua lớp men trắng nhuốm kem với một hệ thống đường rạn màu nâu, vẫn còn giữ phong độ mãnh liệt, cấu trúc thừa kế nghệ thuật đồng thanh và điêu khắc trên đá. Một ví dụ điển hình là lư hương sành sứ (1736) thường trưng bày ở viện Quốc gia Lịch sử Hà Nội. Hai con rồng miệng há nhe răng, bờm ngược ra sau, mình đầy vẩy, chân víu vào thành lư huơng, linh động trèo chầu con kỳ lân chễm chệ trên nắp cũng há miệng nhe răng như để chống lại hai con rồng. Phần dưới lư hương, một đầu rồng mắt lồi, mũi rộng, nghiêm nghị dương hai sừng, xoè đuôi ra trên đám mây tách rời riêng biệt. Mây trên chân đèn điểm xuyết màu sắt nâu thì được trình bày thành đám mù mịt trong ấy rồng thân mình uyển chuyển thênh thang bơi lội. Trên một hộp cúng sành sứ men rạn màu ngà giữ ở viện Bảo tàng Á Đông Guimet, hai con rồng đủ sừng, đủ bờm, đủ chân nghiêm trang tranh hòn ngọc lửng lơ ở giữa.

Rồng thời Lê: lư lương, hộp cúng, chân đèn (thế kỷ XVIII).

Ngoài chén dĩa, lư hương, hộp cúng, chân đèn,… bằng sành, rồng cũng được sử dụng trên các di vật bằng đất nung màu xám như những mẫu trang trí các góc mái nhà nầy không biết rõ xuất xứ. Năm 1959, nhà khảo cổ Bezacier có chụp những ảnh các vật tương tự ở mái đình Phú Mẫn gần Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh hay ở ngôi Đình Bảng có tiếng xây năm 1736 cùng tỉnh. Những con rồng ngẩng cao chiếm các khuỷu mái ở góc trong đầu hồi còn các con rồng thu mình trên chân được đặt ở các mút dưới: mắt chúng nhìn lên trời hay xuống đất, gồng mình tưởng như đang chờ đợi để nhảy lên một địch thủ nào. Mắt lồi, miệng ngậm ngọc, bờm ngược ra sau lên đến lưng, không có sừng, đuôi dài thẳng hay cong lên, chân ba hay năm móng, những rồng đặt trên mái nầy có thể là những vị canh gác đình chùa chống ma quỷ. Song song với những thợ chạm gỗ tìm tòi mọi chi tiết làm tinh vi thêm tác phẩm, các thợ đồ gốm đã thành công tạo hình được những con rồng rất linh động nơi chốn linh thiêng. Là động vật tiêu biểu vương triều, lại dòng dõi thần tiên, con rồng luôn thoải mái trên trời, dưới đất, trong sông ngòi cũng như dưới biển cả, dưới mưa dầm cũng như trong sương mù, rồng có chỗ đứng chọn đúng trên mái nhà, nơi suốt năm bốn mùa gió tạt mưa quất.

Rồng thời Lê: góc mái đình chùa (thế kỷ XVIII).

Tuy chiếm một thời gian khá ngắn giữa hai triều Lê, nhờ các lò nung Lạc Tràng phát triển mạnh, những nền kinh tế và thương mại mở mang, kinh đô phồng lớn, qua những nhà buôn sáng suốt, nhà Mạc (1527-1533 rồi 1533-1592…) đã để lại một số di vật nâng cao mỹ thuật sành gốm. Thường những tác phẩm nầy là do những nhà giàu đặt làm, phần lớn để dâng cúng vào đình, miếu, đền, chùa, có ghi tên tuổi người cúng và năm tháng. Sự kiện nầy dánh dấu thời phồn thịnh thương mại và điểm thắng lợi của Phật giáo, đồng thời giúp cho các nhà khảo cổ theo dõi cuộc tiến triển kỹ thuật sành gốm qua năm tháng dâng cúng đã ghi. Những chi tiết đáng chú ý nằm trên chân đèn, lư hương. Trong chân đèn sành men điểm màu xanh cobalt (1580), con rồng mắt lồi, sừng dài, bờm lớn chạy dài suốt thân đầy vẩy, uốn mình nổi bật giữa bụng đèn. Trong một chân đèn khác, chậm hơn vài năm (1592), hai con rồng tương đối nhỏ hơn, quấn quýt cùng chỗ. Còn trong lư hương cũng sành men điểm màu xanh colbalt (Hưng Trị 1559), hai con rồng nhỏ nằm nép mình trên ven miệng, giữa các đám mây lơ lửng, có phần khác với ở thế kỷ XV, mây được trình bày trên chân đèn thành đám mù mịt như đã thấy ở trên. Đáng để ý là qua thế kỷ XVI, màu sắc được đưa vào tô điểm, nhất là màu xanh cobalt điểm mạ vàng để làm nổi màu nhưng chất nầy không chịu đựng được sức phá hoại của thời tiết.

Rồng thời Mạc: chân đèn, lư hương (thế kỷ XVI).


Có một số hiện vật mang tên Bleu de Hué (Đồ sứ men lam Huế), tức là đồ sứ ngự dụng và quan dụng, thật ra không phải sản xuất ở Huế mà là đặt làm bên Trung Quốc từ thế kỷ XVIII. Được nung trong các lò hoàng gia Cảnh Đức Trấn (Jing De Zhen) ở Giang Tây (Jiang Xi), những chén dĩa nầy từ thời Minh (1368-1644) cung cấp các điện ở Bắc Kinh, nay làm cho các triều vua Lê chúa Trịnh. Sau nầy các chúa Nguyễn ở Đàng Trong cũng có đặt nhiều nhưng hàng không được nung trong các lò hoàng gia. Chén dĩa thường được Trung Quốc gởi qua các nước chư hầu để đáp lễ những của cống đã nhận được. Những hiện vật dành cho phủ điện thì có ghi Nội phủ (tiếng Tàu neifu ) thêm vào những chữ chỉ định dinh phủ nào như Nội phủ thị hữu (dinh bên mặt tức nhà vua ở). Những hiện vật dành cho các chúa Trịnh thì ghi Khánh Xuân thêm những chữ chỉ định phủ. Những hiện vật dành cho các chúa Nguyễn không có chữ chỉ định. Tuy làm bên Tàu, những tác phẩm nầy trang trí có tính cách Việt. Có những hiện vật viết bằng chữ nôm mà người Hoa không biết đọc và nghe nói có lỗi chính tả! Kích thước tương đối nhỏ, những dĩa và chén lớn hiếm có là những tác phẩm tinh vi, trang trí tinh tế, nhưng ít thay đổi qua nhiều thế kỷ. Thường những hiện vật nầy có hình rồng phượng biểu tượng vua và hoàng hậu uốn lượn quanh những hòn ngọc quí giữa các đám mây lơ lửng. Trên nền dĩa và chén tô màu đơn sắc xanh lạt hay đậm, nổi bật rồng và phượng qua màu xanh cobalt, điểm thêm nét tinh hoa cho hiện vật.

Rồng thời Lê Trịnh : chén, dĩa (thế kỷ XV-XVIII).


Những hiện vật rồng vương triều cuối cùng ở Việt Nam thuộc thời Nguyễn. Trừ thế hệ trẻ, phần lớn chúng ta ít nhiều có sống ở thời nầy thì rồng đối với ta khá quen thuộc. Rồng đứng đầu trong nhóm tứ linh: long (rồng) lân (lân) quy (rùa) phụng (phượng), được trình bày hoặc một mình hoặc cặp đôi với một con khác trong nhóm hoặc toàn nhóm. Chất liệu để thực hiện rồng rất phong phú: chạm trên gỗ bàn thờ, trên cột đình chùa, trên đá, trên ngà, khắc trên lư hương, hộp cúng kim loại, trên vật liệu triều đình bằng vàng, vẽ trên gốm sứ, vải dệt, sơn mài, đặc biệt trên một loại đồng tráng men Huế gọi là pháp lam . Rồng cũng được trình bày qua những biến thể cây, hoa, lá hay qua những biến đổi như mai, cúc, trúc, liễu, cá chép hóa rồng . Vị trí xuất hiện của rồng cũng rất dồi dào, trong trang trí kiến trúc nhà Nguyễn cũng như trong vật liệu ngự dụng. Rồng có mặt khắp đình, chùa, miếu, lăng,.. trên bờ nóc từng cặp chầu mặt trời, mặt trăng, viên ngọc, bầu rượu ( lưỡng long triều nhật, lưỡng long triều nguyệt, tranh châu, chầu thiên hồ ), ở giữa nóc mái thì chỉ có đầu và hai chân trước, ở đầu nóc mái thì đầu ngửng lên quay lại sau kiểu hồi long ; ở đầu hồi một đầu rồng nhìn trực diện, miệng ngậm chữ thọ; ở cột rồng và mây xen lẫn với sóng nước ( long vân thủy ba ); ở nền móng rồng nằm dài theo bậc cấp, đầu phía dưới; ở cổng rồng được sắp trên trong ô học hay thân cổng dưới dạng rồng mây ( long vân ); ở bình phong rồng hầu được trình bày chầu mặt trăng mặt trời như trên nóc, ở đầu hồi hay ở cột hay dưới dạng đầu rồng thân ngựa ( long mã ), lưng chở Bát quái, một biến thái đặc biệt rồng Huế. Có thuyết giải thích long mã là hóa thân của kỳ lân, thể hiện chạy trên sóng nước (tích vua Vũ trị thủy); rồng bay lên nghĩa là tung (kinh tuyến, thời gian), ngựa chạy ngang tức là hoành (vĩ tuyến, thời gian), vậy long mã tượng trưng cho sự tung hoành của nam nhi, biểu hiện sự vận động của vũ trụ, hiểu xa hơn là tượng trưng cho thánh nhân.

Rồng thời Nguyễn: bàn thờ, lư hương (thế kỷ XIX-XX).


Hỏa hoạn năm 1947 rồi trận chiến 1968 đã hủy hoại nhiều cung điện Huế, may mà một phần lớn kho tàng hoàng gia quí báu đã được bàn giao cho chính phủ mới sau khi vị vua cuối cùng nhà Nguyễn thoái vị. Châu báu nầy trước được cất giữ ở viện Bảo tàng Lịch sử Hà Nội sau chuyển qua tủ sắt nhà Ngân hàng quốc gia từ 1962 dến 2007. Ở Huế, cũng may những điện Cần Chánh (nơi vua thiết triều), Càn Thành (nơi vua cư trú), lầu Kiến Trung (nơi ở của vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương)… còn giữ được một số bàn ghế, tủ kệ chạm trổ công phu hiện trưng bày ở viện Bảo tàng Mỹ thuật Huế. Quí hơn là những đồ trang sức kim hoàn bằng chất liệu vàng hoặc bạc nổi tiếng nhờ chất lượng tốt thành hình qua kỹ thuật những người thợ tay nghề tinh xảo, kinh nghiệm, khéo tay. Họ thực hành đủ ba kỹ thuật cơ bản: trơn là tạo hình, chạm là điêu khắc, đậu là kéo kim loại ra từng sợi nhỏ để bố trí thành hình tác phẩm, thao tác quan trọng nhất mà cũng là khó hoàn hảo nhất, ít thợ đạt được. Thêm vào khiếu thẩm mỹ sáng tạo phong phú, họ đã thể hiện những kiệt tác trên các đồ nữ trang như vòng, kiềng, nhẫn, khuyên tai, dây chuyền,.. cũng như trên những hộp đặt trên bàn thờ, những vật liệu thờ cúng như lư hương. Hỗn hợp các tượng trưng hoàng tộc với các chúc tụng hạnh phúc, trường thọ biểu thị qua những chữ Hán hay gợi ý qua những hình thức nhiều vẻ, họ đánh dấu một nghệ thuật cung đình thanh tao đã nâng cao danh tiếng của kinh đô. Với những bàn thờ, lư hương tinh xảo, mức độ phía kỹ thuật cũng như mặt thẩm mỹ, các nghệ nhân đầu thế kỷ XX đã được đánh giá cao. Tên tuổi một ông Cao Đình Độ quê gốc Thanh Hóa định cư ở làng Kế Môn cạnh Huế hành nghề kim hoàn và mở lớp truyền dạy cho các thế hệ con cháu đã được tôn vinh.

Rồng thời Nguyễn: hộp cúng (thế kỷ XIX-XX).


Một hiện diện đặc sắc của rồng là ở trong các đồ ngự dụng biểu tượng vương quyền, từ ngai vàng, ấn kiếm đến áo quần, chén dĩa,.. Biểu hiện cao quí nhất của nhà Nguyễn là Cửu Đỉnh tức là chín cái đỉnh đồng không nắp tích tụ linh khí (đúng ra là chín cái vạc) ba quai, ba chân, được vua Minh Mạng ra lệnh đúc năm 1835 và khánh thành năm 1837, đặt trước Hiển Lâm Các, đối diện với Thế Miếu. Lấy ý tưởng từ Cửu Đỉnh nhà Hạ của Trung Quốc, vua muốn truyền lại quyền uy của triều đại. Trên bầu đỉnh, 162 tấm họa tiết chạm nổi tinh xảo các mô hình thể hiện vũ trụ tinh cầu, núi cao biển cả, sông ngòi rộng lớn, sản vật chim thú,.. tập hợp thành bức tranh toàn cảnh đất nước Việt Nam, một cuốn sách sử địa minh họa toàn diện. Rồng được khắc trên Cao Đỉnh, thụy hiệu của Nguyên Thế Tổ Cao Hoàng Đế, đặt chính giữa, trên thần đạo chạy từ Hiếu Môn đến Hiển Lâm Các, nhích về phía trước 3m để tôn vinh công lao to lớn của vị vua đầu tiên triều đại. Rồng còn được thấy trên Cửu vị Thần công là tên gọi chín khẩu súng đại bác bằng đồng vua Gia Long cho đúc để làm vật chứng cho chiến thắng Tây Sơn vẻ vang của mình. Ở điện Thái Hòa, nơi đăng quang của 13 vị vua triều Nguyễn, rồng có mặt khắp nơi: trên mái, trên cột, trên mỗi mặt ba tầng bệ ngai vàng một bộ chín con rồng. Những sách phong năm 1819 của vua Gia Long tấn phong Đông cung Hoàng thái tử Nguyễn Phúc Đảm, sau là vua Minh Mạng (1820), năm 1840 của vua Minh Mạng tấn phong Hoàng thái tử Nguyễn Phúc Miên Tông, sau là vua Thiệu Trị (1841), năm 1822 của vua Minh Mạng tấn phong mẹ là Hoàng hậu làm Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu, được trưng bày rất trân trọng. Văn bản được viết chữ bạc trên giấy vàng hay khắc trên kim sách (sách vàng) nhiều tờ có bốn vòng khâu đóng lại với nhau, trên có khắc một con rồng mặt mày uy nghi, nghiêm nghị, chân đuôi quay cuồng giữa các đám mây điệu hóa. Văn bản có thể đặt trong một cái hộp gỗ hay bằng bạc ở trên cũng có chạm một con rồng uốn lượn giữa các đám mây.

Rồng thời Nguyễn: sách phong, Cửu Long (thế kỷ XIX).


Rồng lẽ tất nhiên còn được thấy trên ba bảo vật tượng trưng cho quyền lực tối cao, ngoài ngai vàng, là ấn tín hay bửu tỷ, bảo kiếm hay quyền trượng và vương miện hay mũ miện. Vương miện có nhiều loại: khi thiết triều vua đội mũ thượng triều hay mũ đại triều chế tác tinh xảo trên nền đũi màu đen đính 35 con rồng, mặt trước hình hổ phù, hoa cúc bằng vàng, nhụy bằng ngọc; vua đội mũ bình thiên trong lễ tế Nam Giao, khung dệt bằng những sợi đồng mảnh, hoa cúc vàng, nhụy ngọc quí, rồng cũng bằng vàng nhưng chỉ có 12 con bay lên. Khi thiết triều thì vua mặc áo long bào màu vàng bằng gấm vóc, sa nam, nhiễu lụa, trang trí rồng mặt nạ, ở lễ Nam giao thì áo thêu lưỡng long chầu nguyệt dọc hai thân trước. Khi thái tử đi cày ruộng thì đội mũ bình đinh , gần giống mũ bình thiên, mặc áo hồng bào màu gạch non, rồng thêu nhỏ trong mấy cụm mây. Trên áo mũ nhà vua rồng luôn có năm móng, thái tử chỉ được thêu lân, còn hoàng hậu, công chúa thì hoa hay phượng. Thanh kiếm trưng bày ở cuộc triển lãm, mang tên Thanh kiếm Khải Định, là một vũ khí thao diễn khá rườm rà, chiết trung nhiều truyền thống các vương triều Âu Á, phản ảnh mỹ học triều đại của ông về trang trí cung điện cũng như lăng tẩm. Tuy là phong cách Tây phương, kiếm mang rồng từ cán gươm qua đốc kiếm, bao kiếm. Thanh kiếm nầy nhắc đến một thanh khác có tiếng hơn là thanh kiếm Thái A của vua Gia Long trưng bày ở viện Bảo tàng Quân đội Invalides tại Paris. Tượng trưng nhất cho đế quyền có lẽ là hai loại ấn tín kim bửu tỷ hay kim tỷ bằng vàng và ngọc tỷ bằng ngọc. Triều Nguyễn có 24 chiếc báo tỷ, thời Gia Long đúc 6 chiếc, thời Minh Mạng 14 chiếc. Cuộc triển lãm trình bày ba chiếc: Quốc gia tín bảo (1802) bằng vàng của vua Gia Long, chạm trổ tinh tế, quai ấn là một con rồng rắn rỏi cắm chặt móng chân vào nền vuông biểu hiện mặt đất; thân uống cong, đầu quay lại, mắt mở trừng, bờm giương lên, rồng tỏ ra thần bảo vệ đặc quyền đế vương. Chiếc thứ hai Phong tặng chi bảo (1802) bằng bạc là ấn tín đóng vào sắc chỉ phong phẩm tước cho quan lại; quai ấn không phải rồng mà là một con kỳ lân. Thực hiện trong một khối ngọc thạch hảo hạng màu lục lạt, chiếc ấn Hoàng đế chi tỷ (1835) của vua Minh Mạng thể hiện ý chí nhà vua ngày nay là một quân vương ngang hàng với những đế vương phương bắc; giống hệt những ấn tín Trung Quốc, ấn được chạm thành hai con rồng thu hình xoay lưng với nhau trên một một nền vuông mặt đất. Cũng cần nói thêm theo kinh điển Bắc tông, con rắn naja trong chùa phun nước tắm đức Phật mới sinh được chín con rồng thay thế phun hai dòng nước lạnh và nóng trong một bức tượng bằng gỗ mạ vàng gọi là Cửu Long . Ngài đứng trên hoa sen, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất và nói: Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn (Trên trời dưới đất, ta là bậc tôn quí hơn cả). Tượng nầy có thể sáng tác từ thời Lê.

Rồng thời Nguyễn: ấn, kiếm, áo, mũ (thế kỷ XIX-XX).


Cuộc triển lãm Rồng cất cánh nầy biểu thị một cuộc hợp tác vô cùng hữu ích giữa hai viện Bảo tàng Guimet và Lịch sử Việt Nam ở Hà Nội bắt đầu từ lâu, đặc biệt từ những thập niên 1920-1930. Lẽ tất nhiên hai viện bảo tàng tiếp tục tổ chức cuộc triễn lãm nầy trong khuôn khổ hai năm chéo Pháp Việt 2013 và Việt Pháp 2014. Ngoài những di vật thường trưng bày, cả hai viện đã rút ra từ kho trữ những kho tàng chưa hoặc ít ra mặt công chúng. Theo ông Quản đốc bảo tàng Pierre Baptiste, người đã bỏ công sưu tầm tìm kiếm rồi thương lượng đàm phán trong hai năm để thành công cuộc triển lãm, khán giả đã xem được phỏng chừng 15-20% hiện vật mới, khám phá khi từ thuở 1920! Có những di vật phát hiện ở Việt Nam trong những năm 1930 nhờ đóng góp tài chánh của viện Đại học Harvard, viện Bảo tàng Cernuschi thuộc Thành phố Paris, ngoài công lao của viện Bảo tàng Guimet. Nếu những kiệt tác được giữ ở Hà Nội, một phần các hiện vật được chia cho các viện khác… Nổi trội trong các di vật trưng bày trong cuộc triển lãm nầy là kho tàng nhà Nguyễn. Tuy vua Gia Long chỉ lên ngôi năm 1802, các chúa Nguyễn đã có mặt ở miền Trung từ 1558, lúc Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, tính đến ngày thoái vị của vua Bảo Đại năm 1945 cũng non 350 năm. Mặc dầu nước nhà bị đô hộ, các vua chúa nhà Nguyễn mất quyền hành đã biết thu tập một kho tàng quí báu may mắn không bị phân tán và mất mát nhiều. Cũng còn may nữa là gần đây thôi, những của báu cất giữ trong tủ sắt nhà Ngân hàng Quốc gia Hà Nội được trả về viện Bảo tàng Lịch sử để ngày nay ta có dịp chiêm ngưỡng tài ba của những nghệ sĩ tay nghề khéo léo nước ta.


Bài và ảnh (2) : Võ Quang Yến
Thành Xô mùa xuân 2016


Đăng lại từ Forum Diễn Đàn (diendan.org)
Creative Commons BY-NC-ND 3.0 France


Chú thích :


(1) Chẳng hạn:
– Phan Thuận An: Con rồng trong tâm thức người Việt, Tạp chí Sông Hương , 10.03.2010
– Phan Thanh Hải: Rồng trong trí mỹ thuật cung đình Nguyễn, Tạp chí Sông Hương , 07.07.2010
– Đặng Tiến: Rồng trong Mỹ thuật Việt Nam, Diễn Đàn Forum (diendan.org) 19.01.2012
– Quốc Lê: Khám phá Việt Nam qua ‘biến thể’ Rồng thiêng, baodatviet.vn 23.01.2012
– Toàn Nguyễn: Men lam Huế – Sắc hồn dân tộc, Du lịch giải trí 12.03.2012


(2) Ảnh sử dụng trong bài chụp nhân cuộc triển lãm Envol du Dragon – Art royal du Vietnam ở viện Bảo tàng Á Đông Guimet. Tham khảo: L’envol du Dragon – Art royal du Vietnam , Musée national des arts asiatiques Guimet, Musée national d’Histoire du Vietnam, 2014 và bài phỏng vấn ông Pierre Baptiste, Quản đốc ở viện Bảo tàng Guimet, người phụ trách cuộc triển lãm, Art vietnamien Entretien Interview Musée Guimet.


Phụ lục

Vài ảnh rồng chụp ở cung đình Huế.

Thanh kiếm Thái A ở viện Bảo tàng Quân đội Invalides tại Paris.

Chia sẻ Facebook