Vài con chiến mã uy danh trong dã sử Tam Quốc

Chia sẻ Facebook
16/05/2023 08:19:48

Trong dã sử về thời kỳ Tam Quốc, bên cạnh sự nổi bật về tài năng và trí dũng của những bậc anh hùng thì các con chiến mã tương xứng với chủ cũng lần lượt xuất hiện. Có một câu nói như thế này: Nếu không có ngựa quý cứu mạng thì có lẽ lịch sử đã không còn biết đến Tào Tháo, Lưu Bị, hay Triệu Tử Long. Điều đó phần nào thể hiện được tầm quan trọng của chúng.

Nhiều anh hùng Tam Quốc được tô điểm bởi chính những con chiến mã: Ngựa Xích Thố qua tay hai vị anh hùng là Lã Bố và Quan Vân Trường, ngựa Đích Lư của Lưu Bị, Dạ Chiếu Ngọc của Triệu Vân (tức Triệu Tử Long), Ô Vân Đạp Tuyết của Trương Phi, Tuyệt Ảnh của Tào Tháo.

Triệu Vân trong trận Trường Bản, một mình một ngựa cứu ấu chúa. (Tranh trong Di Hòa Viên tại Bắc Kinh, Rolf Müller chụp, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Tuyệt Ảnh: Chiến mã phi nhanh nhất

Mỗi chiến mã đều có nhiều điểm quý khác nhau, nhưng chiến mã chạy nhanh nhất được mô tả trong Tam Quốc là con Tuyệt Ảnh của Tào Tháo. Đúng như cái tên của nó, sở dĩ gọi là Tuyệt Ảnh bởi nó phi nhanh đến nỗi cái bóng cũng không theo kịp.

Tuyệt Ảnh toàn thân màu đen, bốn chân rất khỏe, thân hình cao vạm vỡ, nó sở hữu đầy đủ tố chất của một con ngựa quý. Tuyệt Ảnh cùng Tào Tháo đi chinh chiến khắp nơi và nổi tiếng bởi tốc độ không có đối thủ. Nhưng Tuyệt Ảnh nổi tiếng không chỉ bởi tốc độ mà còn cả lòng trung thành với chủ. Không may thay, con chiến mã này đã bỏ mạng trong một cuộc chiến khốc liệt.

Năm 197, Tào Tháo cho quân đánh Trương Tú ở Uyển Thành, Trương Tú cho quân đầu hàng. Nhưng ngay sau đó, Trương Tú bất ngờ tập hợp quân tấn công khiến Tào Tháo trở tay không kịp. Tướng Điển Vi hộ vệ ngay bên Tào Thào vì cứu chủ mà phải bỏ mạng, giúp Tào Tháo lên Tuyệt Ảnh, chạy thoát khỏi thành trong đêm tối. Tuy nhiên quân Trương Tú vẫn đuổi theo ráo riết.

Quân Trương Tú bắn tên như mưa, khiến con Tuyệt Ảnh bị trúng 3 mũi. Dù vậy, nó vẫn lao đi. Chỉ đến khi bị trúng thêm một mũi tên vào mắt thì con chiến mã này mới gục ngã. Trận này con cả Tào Tháo là Tào Ngang bị quân Trương Tú giết chết. Tào Tháo phải lui quân về Vũ Âm. Mãi đến năm 199 Trương Tú nghe mưu Giả Hủ mới tiếp tục hàng Tào và được trọng dụng.

Đích Lư: Chiến mã nhảy xa nhất

Con Đích Lư của Lưu Bị thời đấy được xem là con ngựa quý nhưng lại có tướng sát chủ. Dù nhiều người khuyên Lưu Bị không nên dùng con ngựa này, thậm chí có người nói nên giết đi, nhưng Lưu Bị yêu quý con ngựa theo mình bao năm. Ông để ngoài tai hết và vẫn cưỡi con ngựa này.

Khi bị một tướng của Lưu Biểu là Sái Mạo truy sát, Lưu Bị vội chạy ra ngoài với tuấn mã Đích Lư. Quân Sái Mạo chạy sát theo sau, Lưu Bị vội chạy trốn nên bị lạc đường. Khi ông chạy đến suối Đàn Khê thì cùng đường, phía trước là suối, phía sau là quân của Sái Mạo đang đuổi tới.


Hết đường, Lưu Bị lúc này nhớ đến lời cảnh báo rằng ngựa Đích Lư sát chủ liền quất mạnh vào lưng ngựa và hét lên: “Đích Lư! Đích Lư! Hôm nay ngươi hại ta đi!” Đúng lúc này ngựa Đích Lư bất ngờ tung mình nhảy một phát sang bên kia suối, cứu Lưu Bị thoát chết.

Sự việc ngựa Đích Lư nhảy qua con suối Đàn Khê cứu chủ lập nên kỳ tích lớn. Sau lần thoát nạn này, Lưu Bị ngày càng yêu quý con ngựa của mình và không còn tin vào chuyện Đích Lư sát chủ nữa.

Bàng Thống hiến kế cho Lưu Bị đánh Lạc Thành, nhưng ngựa của Bàng Thống quáng mắt, sa chân, hất ông ngã xuống ngựa. Lưu Bị thấy vậy liền tạm đưa con ngựa Đích Lư của mình cho Bàng Thống cưỡi.

Thế nhưng Bàng Thống lại không có số hưởng phúc từ ngựa Đích Lư, quân của Bàng Thống bị mai phục sẵn ở gò Lạc Phượng, quân Tây Thục tưởng Bàng Thống là Lưu Bị liền tập trung tên bắn vào khiến Bàng Thống tử trận. Vậy lời phán Đích Lư có số sát chủ, thực ra lại không phải là sát Lưu Bị.

Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử: Chiến mã tung hoành giữa muôn vạn đại quân

Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử là con ngựa có lông trắng như tuyết, ngay từ khi mới sinh ra phía dưới cổ đã có một hàng lông dày, trông giống như sư tử. Buối tối con ngựa này phát ra ánh sáng rắng bạc nên có tên là Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử. Tương truyền một ngày ngựa có thể đi cả nghìn dặm.

Con ngựa này là của Triệu Vân (Triệu Tử Long). Ông mỗi lần xuất quân đều cưỡi Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử. Một lần Triệu Vân cùng ngựa bị rơi vào cái hố bẫy sẵn của địch, tưởng như không thoát được, nhưng sức của con Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử rất lớn, nó nhảy thoát được khỏi miệng hố cứu chủ nhân của mình.


Trong trận đánh nổi tiếng Đương Dương – Trường Bản, Triệu Vân một mình cứu ấu chúa. Ông ẵm ấu chúa, ngồi trên con Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử, bị đội quân tinh nhuệ “hổ báo kỵ” của Tào Tháo bao vây.

Thế nhưng Triệu Vân cùng con Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử vẫn tung hoành trong lớp lớp vòng vây quân Tào. Sức con chiến mã này thật lớn, giữa vòng vây muôn trùng quân Tào mà nó vẫn giúp Triệu Vân chém gãy 2 lá cờ lớn, hạ 50 chiến tướng khiến quân Tào thất kinh. Triệu Vân phá được vòng vây cứu ấu chúa trở về. Từ trận đánh nổi tiếng ấy mà về sau có câu thơ rằng:


Máu đỏ chan hòa áo giáp hồng,
Đương Dương ai kẻ dám tranh hùng.
Xưa nay cứu Chúa xông trăm trận,
Chỉ có Thường Sơn Triệu Tử Long.


Trần Hưng

Lại bàn về chữ “Nghĩa” trong Tam Quốc


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook