Vài cảm nghĩ khi nhìn chiếc áo phông Che Guevara

Chia sẻ Facebook
28/03/2023 02:37:21

Che Guevara sinh ra ở Argentina nhưng lại nổi tiếng ở Cuba, được tôn thờ như anh hùng, và cũng bị vô số người thống hận như ác quỷ...


Có thể bạn không biết Ernesto Che Guevara là ai, nhưng chiếc áo phông có in hình ông ta thì hẳn là bạn đã từng nhìn thấy. Đối với giới trẻ thế giới một thời, Che Guevara có thể là một huyền thoại với những danh hiệu như “Robin Hood màu đỏ”, “Đôn Kihôtê của Chủ nghĩa Cộng sản”, “Garibaldi ở Mỹ Latinh”, “Người đàn ông hoàn hảo”, “Nhà thám hiểm lãng mạn”… Che Guevara đã từng trở thành một biểu tượng của sức mạnh, chiến đấu và nổi loạn trong mắt nhiều người trong suốt một thời gian dài, thậm chí cả ngày nay. Người đàn ông này sinh ra ở Argentina nhưng lại nổi tiếng ở Cuba, từng được giới trẻ mới lớn tôn thờ như một người anh hùng, và cũng bị vô số người thống hận như một con ác quỷ.

Áo phông in hình Che Guevara. (Ảnh: 360b, Shutterstock)

Tôn sùng một người thì cần phải có lý do.


Một nhóm người ủng hộ Che Guevara là những người yêu nhạc Rock . Che Guevara cũng yêu nhạc Rock, ông ta bị ám ảnh bởi Beatles, một ban nhạc ngầm ủng hộ chủ nghĩa cộng sản, và vô cùng nổi tiếng thế giới thời đó. Nhưng ở Cuba, chỉ có một mình Che Guevara được phép nghe Rock. Ông ta từng ban hành một sắc lệnh: “Những người có mái tóc dài, những người nghe nhạc phương Tây, những người mặc quần legging, những người có niềm tin Kitô giáo công khai… tất cả đều vi phạm đạo đức cách mạng, và một khi bị phát hiện họ sẽ bị nhốt trong các trại lao động.” Ở Cuba, nhạc Rock là đặc quyền riêng của Che Guevara, những người khác chỉ có thể nghe “nhạc cách mạng” .


Một nhóm người ủng hộ Che Guevara vì ngoại hình nam tính của ông ta . Khuôn mặt cứng rắn và ánh mắt kiêu ngạo rất nam tính của Guevara khiến không biết bao nhiêu phụ nữ phải mê mẩn. Thực tế, cũng như nhiều nhân vật cộng sản nổi tiếng khác, Che Guevara có quan hệ không giới hạn với vô số người phụ nữ. Ông ta nói một cách hùng hồn rằng: “Không ai từng quy định rằng một người đàn ông chỉ được lên giường với một người phụ nữ suốt đời. Chủ nghĩa Marx không phải là Thanh giáo.” Che Guevara là hiện thân nối tiếp của “chủ nghĩa cốc nước” tại Liên Xô thời đầu thế kỷ 20 (Xem bài: Nguồn gốc sự nở rộ phong trào giải phóng tình dục trên thế giới ). Vì vậy phụ nữ sẽ chỉ được coi như gái qua đường để thỏa mãn dục vọng nhất thời trong mắt Che Guevara.


Còn có một nhóm người cho rằng Che Guevara rất dũng cảm, thích nổi loạn . Điều này thì đúng, bởi vì Che Guevara từng tham gia cùng Fidel Castro vào một số trận đánh và được tán thưởng bởi lòng dũng cảm. Nhưng nếu có một từ thích hợp để mô tả Che Guevara, thì đó là từ “khát máu” . Che Guevara từng viết trong một bức thư gửi cho cha mình: “Cha ạ, con phải thừa nhận, con phát hiện ra mình thực sự thích giết chóc.”


Một thông tấn viên của Fidel từng mô tả Che Guevara: “Ông ta giết người dễ dàng như ăn cháo” , khi kể một câu chuyện tự mình chứng kiến: Một ngày nọ, Guevara dẫn họ xông vào một đồn điền cà phê, nói rằng chủ đồn điền là một gián điệp của chính phủ cũ. Khi người chủ hét lên rằng ông ta không tán thành cách mạng. Che Guevara đã bắn chết ông ta ngay trước mặt vợ và ba đứa con, chúng chỉ mới 1 tuổi, 3 tuổi và 4 tuổi.


Một cha xứ tại nhà tù La Cabaña, nơi Che Guevara phụ trách, nhớ lại: “Guevara không bao giờ có ý định che giấu sự tàn nhẫn của mình. Ngược lại, càng nhiều người cầu xin sự thương xót, ông ta càng trở nên tàn nhẫn. Ông ta hoàn toàn say mê với những tưởng tượng không tưởng của mình. Cách mạng yêu cầu ông ta giết người, thì ông ta giết, cách mạng yêu cầu ông ta nói dối, thì ông ta nói dối. Guevara thích ra lệnh xử tử một người con trai qua điện thoại trước mặt bà mẹ đang khóc lóc của anh ta. Khi ông ta đến thăm nhà tù, ông ta sẽ cố tình yêu cầu đi bộ qua nơi hành quyết, bức tường đó đầy máu tươi.” Guevara cũng đập bỏ một bức tường của văn phòng trên tầng hai để ông ta có thể ngồi thoải mái trong văn phòng, vừa uống rượu ngon và hút xì gà, vừa thưởng thức những cuộc hành quyết.


Đầu năm 1959, một phóng viên người Rumani đến thăm Guevara và tình cờ nghe tin Guevara ra lệnh xử tử. Phóng viên này sau đó đã phẫn nộ viết: “Tôi không ca ngợi ông ta nữa” . Tổng cộng có hơn 600 người bị tàn sát vào thời điểm đó, gồm cả phụ nữ mang thai và nữ tu.

Hơn 40 năm sau cái chết của Che Guevara, truyền thông Pháp đã phỏng vấn một số đồng đội và nạn nhân của ông ta. Trong những người được phỏng vấn, không một ai là không mô tả Che Guevara là kẻ khát máu. Một thân tín của Che Guevara nói rằng Guevara coi việc thảm sát là hương vị cho cuộc sống. Đến năm 1961, hơn 300.000 người Cuba đã bị tống vào tù, khiến Guevara trở thành cỗ máy giết người lớn nhất trong lịch sử cách mạng Cuba.


Che Guevara không chỉ “khát máu” theo nghĩa bóng, mà còn “khát máu” theo nghĩa đen. Tác giả Humberto Fontova trong cuốn “Exposing the Real Che Guevara” (Phơi bày bộ mặt thật của Che Guevara) đã ghi chép rằng theo chỉ dẫn của Guevara, những người sắp bị xử tử trước tiên sẽ bị hút máu, một số người chết vì kiệt sức trong quá trình hút máu. Những người vẫn còn thoi thóp sẽ được đưa đến nơi hành quyết. Máu này sau đó được bán cho một quốc gia cộng sản tại Đông Nam Á.

Xem thêm: Chuyện ít biết về tín ngưỡng của Karl Marx


Lại có một nhóm người cho rằng Che Guevara văn võ song toàn , không chỉ giỏi trong đánh giết, mà còn có can đảm tiếp quản nền kinh tế Cuba đang hỗn độn. Che Guevara được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Cuba, Giám đốc Phòng Công nghiệp của Ủy ban Cải cách ruộng đất và Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ở tuổi 31.

Thực ra, trước khi Guevara nắm quyền kiểm soát nền kinh tế Cuba, nền kinh tế này không phải là một mớ hỗn độn, mà là một trong bốn nền kinh tế thành công nhất ở Mỹ Latinh. Hiện tượng thiếu hụt thực phẩm chưa từng xuất hiện trước cuộc cách mạng Cuba.


Che Guevara có thể trở thành người điều hành nền kinh tế Cuba, không phải vì khả năng lèo lái của mình, mà hoàn toàn giống như một trò đùa. Ngày hôm đó, Fidel hỏi liệu có ai trong số các đồng chí của mình là “nhà kinh tế giỏi” hay không. Guevara giơ tay đầu tiên theo thói quen. Fidel rất ngạc nhiên: “Che, tôi không biết rằng cậu còn là một nhà kinh tế giỏi cơ đấy!” Guevara nói với một nụ cười: “Tôi xin lỗi, tôi đã nghe nhầm, tôi nghĩ ông muốn có một đảng viên cộng sản tốt.” Nhưng dẫu Guevara có thực sự nghe nhầm hay không, Fidel thực sự đã bổ nhiệm Guevara vào vị trí trên, trở thành người quản lý huyết mạch nền kinh tế Cuba. Ở Cuba, Fidel là trái tim, còn Guevara là khối óc. Một loạt các thay đổi chính sách được thực hiện bởi Guevara.

Vậy, Guevara đã mang đến điều gì cho kinh tế Cuba sau khi nhậm chức?


Che Guevara đã sao chép hoàn toàn cách làm của Liên Xô, “đất nước tốt nhất thế giới” như ông ta nghĩ. Thực tiễn quen thuộc: Cải cách ruộng đất, tịch thu tài sản tư nhân, cưỡng chế quốc hữu hóa tất cả các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp địa phương ở Cuba, và thậm chí cả hiệu cắt tóc và cửa hàng sửa chữa giày. Điều này khiến một lượng vốn lớn được tuồn ra ngoài. Những “nhà tư bản đỏ” của cách mạng Cuba cũng trốn chạy.

Kết quả cũng rất quen thuộc: Các cửa hàng trống rỗng và thiếu lương thực nghiêm trọng. Một hệ thống phân phối thực phẩm được thành lập vào năm 1962, ban hành đủ loại tem phiếu. Thịt, sữa, gạo, mì… chỉ có thể được mua bằng tem phiếu.


Khi nền kinh tế Cuba thoi thóp, nhằm hỗ trợ cho hoạt động của chính phủ, Che Guevara bắt đầu khai thác các di tích văn hóa và tác phẩm nghệ thuật. Ông ta đã bán bộ sưu tập tư nhân bị tịch thu cho châu Âu và Hoa Kỳ để đổi lấy đô-la Mỹ. Đây thực sự là một điều xấu hổ lớn nhất đối với Che Guevara, một “đấu sĩ chống Mỹ”. Nhưng ông ta giải thích điều này rất đường hoàng: “Nhằm chinh phục một vài điều, chúng ta đành phải lấy nó từ trong tay một số người.”

Sau khi Guevara trở thành bộ não kinh tế của Cuba, chỉ trong ba năm từ năm 1959 đến năm 1962, gần 400.000 người Cuba đã mạo hiểm trốn khỏi Cuba. Điều này cho thấy sự thất bại trong chính sách kinh tế của Guevara và bao nhiêu khổ nạn nó đã gây ra cho người dân.


Nhóm người cuối cùng tôn thờ Che Guevara là vì vào năm 1965, Guevara đột nhiên từ bỏ “quan cao lộc hậu”, rút khỏi mọi vị trí ở Cuba và dẫn dắt một số “đồng chí chiến đấu” tới Congo, Châu Phi, đánh du kích, gọi là lan rộng ngọn lửa của chủ nghĩa cộng sản khắp thế giới. Hành động này quả là kích thích đối với giới trẻ.

Kỳ thực mâu thuẫn ngầm giữa Che Guevara và Fidel Castro đã trở nên căng thẳng hơn sau khi Cuba đi theo quỹ đạo kinh tế của Liên Xô và không còn đường trở lại. Fidel Castro không mong muốn điều đó và còn phải chịu áp lực lớn từ Hoa Kỳ. Khi xảy ra mâu thuẫn với Fidel, Guevara rõ ràng phải từ bỏ quyền lực và phải ra đi bởi Fidel vừa không muốn một cuộc đổ máu và vừa không muốn làm ảnh hưởng tới hình tượng anh hùng của chế độ.

Ngoài ra, cái gọi là truyền bá ngọn lửa cách mạng ra thế giới rất khác với trí tưởng tượng của mọi người, không huy hoàng cũng không bi tráng như nhiều thanh niên mơ mộng. Ra khỏi Cuba thì Che Guevara liên tục bị các lực lượng thế giới truy đuổi và phải lẩn trốn khắp nơi.


Che Guevara đã huấn luyện đội quân du kích ở Congo, và thất vọng rời đi bảy tháng sau đó. Ông ta viết trong nhật ký của mình: “Quân giải phóng nhân dân này giống như một đám ký sinh trùng, không lao động, không huấn luyện, không chiến đấu, chỉ biết gái mại dâm và buộc người dân thường phải cấp dưỡng cho họ.”

Sau khi lang thang ở Tanzania, Cộng hòa Séc và Đông Đức trong hơn nửa năm, Che Guevara chuyển sự chú ý sang Nam Mỹ và đến Bolivia. Ở Bolivia, ông ta phát triển một đội quân du kích nhưng nhanh chóng bị lực lượng chính phủ Bolivia vô hiệu hóa và bắt giữ.


Félix Rodríguez, một người Mỹ gốc Cuba làm việc cho CIA, nhớ lại: “Khi tôi thấy các lực lượng chính phủ tiếp cận họ, Guevara hét lên: Đừng bắn! Tôi là Che Guevara! Tôi sống đáng giá hơn chết!” Rodríguez đã thương lượng với chính phủ Bolivia thông qua Hoa Kỳ, hy vọng dẫn độ Che Guevara sang Panama để xét xử, nhưng chính phủ Bolivia kiên quyết muốn xử tử Che Guevara ngay lập tức vì lo lắng về mức độ nguy hiểm của Che Guevara. Vì vậy Rodríguez đã tranh cãi gay gắt với chỉ huy Bolivia, nhưng vô ích. Khi Rodríguez báo lại kết quả với Guevara, “Khuôn mặt anh ta trở nên trắng bệch như một tờ giấy trắng.”

Dù bị bắn nhiều phát vào chân và tay trước khi chết, Che Guevara đã cố gắng cắn vào cổ tay để không kêu khóc.


Dẫu sao, tôn thờ một kẻ “khát máu” đã từng trực tiếp và gián tiếp cướp đi sinh mạng của vô số người dân thường Cuba, khi ông ta không nhất thiết phải làm như vậy, không phải là một điều mà lương tri con người cho phép.


Dựa theo bài đăng trên Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Thanh Vân
Nguyễn Vĩnh biên tập

Trang sử theo thực đơn: Khmer đỏ và mạch sống Trung Quốc


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook