"Vắc-Xin mRNA" và "Vaxxers": Hai cuốn sách chỉ rõ vai trò của khoa học kỹ thuật trước biến động xã hội

Chia sẻ Facebook
19/05/2022 22:36:49

“Vắc-xin mRNA: Cuộc chinh phục đại dịch COVID-19 từ cái nhìn trong cuộc” và cuốn sách “Vaxxer: Câu chuyện về cuộc đua phát triển vắc-xin chống Covid 19 của các nhà khoa học Oxford” không chỉ cung cấp cho độc giả hành trình phát triển chi tiết hai loại vắc xin giúp nhân loại đối phó dịch bệnh Covid 19, mà còn chỉ rõ vai trò của khoa học kỹ thuật trước biến động xã hội.

Xuất hiện cuối năm 2019, dịch bệnh Covid 19 đã nhanh chóng trở thành dịch bệnh toàn cầu làm gần 500 triệu người bị mắc bệnh và gần 5 triệu người tử vong, gây ra thiệt hại hàng nghìn tỷ đô la cho nền kinh tế thế giới… và con số này vẫn chưa dừng lại. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của các loại vắc- xin trong đó vắc-xin mRNA BioNTech- Pfizer và Astra Zeneca là hai loại vắc-xin đầu tiên được phê duyệt, đã khiến tình hình dịch bệnh đã được cải thiện đáng kể, giúp cuộc sống bình thường đang dần quay trở lại tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Vắc-xin mRNA: Cuộc chinh phục đại dịch COVID-19 từ cái nhìn trong cuộc

Cuốn sách "Vắc-xin mRNA: Cuộc chinh phục đại dịch COVID-19 từ cái nhìn trong cuộc" của tác giả Joe Miller giúp độc giả có thể đồng hành cùng hai nhà khoa học Özlem Türeci và Uğur Şahin, cùng những nhân viên của họ trong Công ty BioNTech trên con đường tìm ra loại vắc-xin đầu tiên cứu giúp con người đối phó với thảm họa dịch bệnh: vắc-xin COVID-19 BioNTech-Pfizer sử dụng công nghệ mRNA.

Trong câu chuyện này, độc giả sẽ thấy được nghị lực cũng như câu chuyện truyền cảm hứng của họ trong việc đối mặt và vượt qua muôn vàn khó khăn, trắc trở trong công việc của mình để mang lại giải pháp hiệu quả cho nhân loại trong đại dịch.

Sinh ra và lớn lên từ gia đình có nguồn gốc xuất thân Thổ Nhĩ Kỳ bị định kiến là những người buôn bán rau củ thu nhập thấp, hai vợ chồng nhà khoa học Özlem Türeci và Uğur Şahin thường xuyên phải đối mặt với sự khinh miệt, thù ghét.

Về phần công việc, được các công ty đầu tư mạo hiểm tài trợ, họ thành lập Công ty công nghệ sinh học BioNTech ở Mainz (thủ phủ bang Rhineland-Palatinate của Đức). Trong đó Uğur Şahin giữ vai trò giám đốc điều hành, còn vợ là giám đốc y khoa. Tuy nhiên việc phát triển các loại dược phẩm theo công nghệ mRNA mà Özlem Türeci và Uğur Şahin tập trung nghiên cứu suốt nhiều năm cũng bị cộng đồng khoa học coi thường, cho là bất khả thi, thậm chí là chế giễu. Dầu vậy với năng lực và bản lĩnh của mình, ngay khi dịch bệnh Covid mới manh nha dấu hiệu bùng phát, họ đã nhanh chóng nhận ra nguy cơ và thuyết phục Chủ tịch HĐQT của công ty chuyển hướng đầu tư phát triển vắc- xin chống lại căn bệnh nguy hiểm này.

Cặp đôi nhà khoa học được đánh giá là vô cùng dũng cảm cũng như tràn đầy lòng nhân ái khi đưa ra quyết định này trong bối cảnh BioNTech sau 11 năm hoạt động đang mắc phải khoản nợ tích lũy lên tới 400 triệu đô la, và nếu việc chuyển hướng sang phát triển vắc-xin Covid 19 bị thất bại, thì đó có thể là dấu chấm hết cho sự tồn tại của công ty.

Nguồn lực tài chính khổng lồ để đưa nghiên cứu vào chương trình thử nghiệm lâm sàng đa trung tâm với hàng chục nghìn tình nguyện viên ở nhiều quốc gia, nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe về khoa học và quản lý; rồi xây dựng các nhà máy sản xuất vắc-xin… cũng là những thách thức lớn khác mà họ phải đương đầu để giải quyết; chưa kể đến những rắc rối và rào cản về chính trị, những lời đồn thổi vô căn cứ...

Vượt qua các khó khăn thách thức, khi đại dịch xảy ra, chỉ trong 9 tháng họ đã tạo ra được loại vắc-xin đối phó hiệu quả với căn bệnh, thay vì phải mất hàng năm, thậm chí hàng chục năm trời, mà vẫn không cắt bỏ đi bước nào trong quá trình phát triển vắc-xin, đảm bảo sự hiệu quả cũng như an toàn của nó.

Vaxxer: Câu chuyện về cuộc đua phát triển vắc-xin chống Covid 19 của các nhà khoa học Oxford

Cuốn sách Vaxxer hé mở cho độc giả "một trong những câu chuyện phi thường nhất trong lịch sử y học" mà hai tác giả đồng thời cũng là hai nhà khoa học Giáo sư Sarah Gilbert và Tiến sĩ Catherine Green đã góp công lớn để viết nên.

Phi thường là bởi việc phát triển một loại vaccine theo thông lệ cần khoảng thời gian trung bình là 10 năm. Trong khi, GS Sarah Gilbert và TS Catherine Green cùng các đồng nghiệp ở ĐH Oxford đã phát triển vaccine AstraZeneca chỉ trong gần một năm trời.

Thành công này của họ phải kể đến công nghệ phát triển vaccine nền tảng đã được GS Sarah Gilbert cùng đội ngũ của mình phát triển từ năm 2014, khi Ebola, căn bệnh cực kỳ đáng sợ bùng phát tại Guinea, Châu Phi.

Vì một số lý do, loại vaccine chống lại bệnh Ebola do nhóm bà phát triển không thể hoàn thành giai đoạn thử nghiệm thứ III; tuy nhiên, nhóm của GS Gilbert đã phát triển ra ChAdOxd1 - hay công nghệ nền tảng vaccine vector adenovirus của khỉ tái tổ hợp không sao chép, có thể sử dụng để phát triển nhiều loại vaccine khác nhau.

Minh bạch quá trình phát triển vaccine AstraZeneca, cuốn sách "Vaxxers" đem lại sự an tâm cho những người đã, đang và sẽ quyết định sử dụng loại vaccine này. Ngoài ra, ba phụ lục ở cuối sách cũng cung cấp cho độc giả thông tin ngắn gọn về các phương pháp phát triển, các loại vaccine hiện có trên thế giới và cụ thể tất cả các thành phần AstraZeneca cũng như tác dụng của nó.

Giới thiệu công nghệ phát triển vaccine nền tảng ChAdOx1, hai tác giả đưa ra thông điệp: đây là bước tiến vô cùng quan trọng, giúp họ có thể rút ngắn quá trình sản xuất vaccine xuống thời gian ngắn nhất như đã làm với vaccine COVID 19; và là chìa khóa giúp họ có thể tiếp tục góp phần giải quyết các thách thức khi virus tiếp tục biến đổi hoặc một dịch bệnh nguy hiểm khác có thể xuất hiện trong tương lai.

Bởi với nền tảng này, các nhà khoa học không cần phải lặp lại mọi công việc khi phát triển một loại vaccine mới. Kiến thức về cách sản xuất, cách bảo quản, liều lượng tiêm, cách thức thử nghiệm … có thể áp dụng cho mọi loại vaccine.

"Vaxxer: Câu chuyện về cuộc đua phát triển vắc-xin chống Covid 19 của các nhà khoa học Oxford", và "Vắc-xin mRNA: Cuộc chinh phục đại dịch COVID-19 từ cái nhìn trong cuộc" là hai cuốn sách giúp người đọc có thể hiểu rõ hơn về quá trình phát triển hai loại vắc-xin có đóng góp to lớn trong việc đẩy lùi dịch bệnh Covid 19; cũng như hiểu rõ hơn về các nhà khoa học với những khó khăn họ phải trải qua, những sự hiểu lầm họ bị gán ghép… sự dũng cảm cũng như nỗ lực phi thường của họ trong việc đóng góp cho sự phát triển của nền khoa học. Từ đó công chúng có thể nhìn thấy rõ hơn vai trò cứu cánh quan trọng của khoa học kỹ thuật trước biến động xã hội, giúp bản thân các nhà khoa học vững bước hơn trên con đường mình đã chọn; và thậm chí tốt hơn nữa, những con người trẻ sẽ được truyền cảm hứng để bước trên con đường ấy, nhằm đem lại các tiến bộ vượt bậc cho nhân loại.


Việt Hà

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Chia sẻ Facebook