Vaccine dịch tả lợn châu Phi của Việt Nam giá như thế nào?

Chia sẻ Facebook
03/06/2022 23:01:24

Việt Nam đã sản xuất thành công vaccine bệnh tả lợn châu Phi, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới công bố sản xuất thương mại thành công vaccine này.


Việt Nam sản xuất được vaccine tả lợn châu Phi


100 năm từ khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, mặc dù có hơn 4.000 công trình nghiên cứu trước đó liên quan đến virus dịch tả lợn châu Phi và phát triển vaccine được công bố, tuy nhiên trên toàn thế giới vẫn chưa có vaccine thương mại và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh dịch tả lợn châu Phi.


Trong đó, năm 2019, khi dịch bệnh này bùng phát đã làm cho các doanh nghiệp chăn nuôi trên thế giới điêu đứng, riêng ngành chăn nuôi Việt Nam đã mất 1/4 tổng đàn lợn, tương đương với 6 triệu con.

Vì vậy, đến đầu tháng 11/2019, các nhà khoa học của Mỹ đã nghiên cứu thành công chủng virus dịch tả lợn châu Phi. Đây là tiền đề rất quan trọng cho việc nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng bệnh dịch tả heo châu Phi. Ngay sau đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gặp trực tiếp các chuyên gia Mỹ để bàn phối hợp nghiên cứu, sản xuất vaccine này.

Năm 2019, khi dịch bệnh tả lợn châu Phi bùng phát đã làm cho các doanh nghiệp chăn nuôi trên thế giới điêu đứng (Ảnh minh họa).

Navetco là đơn vị được tiếp nhận chủng giống sớm nhất từ các nhà khoa học Mỹ vào tháng 9/2020. Quá trình nghiên cứu được tiến hành khẩn trương với 5 lần thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và tiêm thử vào sản xuất.

"Công nghệ sản xuất của chúng tôi là công nghệ sản xuất trên tế bào và dùng tế bào sơ cấp. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng với khả năng công nghệ, trình độ kĩ thuật của Navetco hiện nay khi sản xuất chúng tôi đưa được hiệu giá virus lên tương đối cao, nhờ cao như vậy hiệu quả trong sản xuất rất lớn", ông Trần Xuân Hạnh - Phó TGĐ Công ty Cổ phần thuốc thú y Trung ương Navetco cho hay.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y đã thành lập 3 Hội đồng khoa học và hàng chục cuộc họp để đánh giá hồ sơ và cấp giấy lưu hành vaccine theo đúng quy định, đảm bảo đúng yêu cầu khoa học đối với vaccine.

Ông Nguyễn Văn Long - Quyền Cục trưởng Cục Thú y cho biết: "Việc nghiên cứu sản xuất vaccine này vô cùng phức tạp, chính vì thế mặc dù theo quy định của pháp luật Việt Nam đã làm đầy đủ, nhưng để đảm bảo rằng vaccine này khi đưa vào trong thực tiễn sản xuất có hiệu lực thực sự, không phát sinh thêm các nguy cơ như tái độc nên chúng ta đã rất thận trọng trong việc đánh giá, cấp phép lưu hành và sử dụng. Sau khi sử dụng diện hẹp sẽ tự tin hơn cơ sở hoa học, cơ sở thực tiễn để quyết định sử dụng diện rộng".

Đảm bảo lưu hành hiệu quả vaccine phòng tả lợn châu Phi

Việt Nam đã sản xuất thành công vaccine dịch tả lợn châu Phi.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi lần đầu tiên xâm nhiễm vào Việt Nam vào tháng 2/2019, sau 7 tháng lan ra 63 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy khoảng 6 triệu con lợn, thiệt hại trên 30 nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 3,5 triệu hộ chăn nuôi, gây ra thiếu thịt lợn khiến Chính phủ phải cho nhập khẩu thịt lợn và làm giá thịt lợn tăng rất cao trong gần 2 năm.

Cuối năm ngoái, dịch bệnh này lại bùng phát trên quy mô nhỏ cũng đã khiến hàng nghìn con lợn phải thiêu hủy và hiện vẫn có nguy cơ xảy ra bất cứ lúc nào, gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết lên đến gần như 100%.

Sau khi được cấp phép sản xuất thương mại, số lượng, giá mỗi liều vaccine khi đến tay người chăn nuôi là vấn đề quan trọng để không làm tăng thêm quá cao giá thành chăn nuôi lợn, trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào tăng cao.

Vậy giá của vaccine dự kiến sẽ như thế nào? Kế hoạch sản xuất thương mại và cung cấp vaccine này ra thị trường ra sao? Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có đặt ra mục tiêu xuất khẩu vaccine này?


Xung quanh các vấn đề trên, chương trình Vấn đề hôm nay với sự tham gia của ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cung cấp những thông tin chi tiết!

Chia sẻ Facebook