Vắc xin COVID-19 'ế', Bộ Y tế phải thúc các tỉnh 'phải nhận ngay', vì sao?
Thời điểm này năm trước, khi lượng vắc xin ngừa COVID-19 nhập về nhỏ giọt, hàng triệu người đã đăng ký chờ được tiêm. Ít ai ngờ rằng đến nay nhiều người đã không còn hào hứng tiêm ngừa, vắc xin có nguy cơ bị ế khi tình hình dịch đã khác.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, Bộ Y tế vừa phân bổ trên 7 triệu liều vắc xin cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi và vắc xin cho người lớn (sử dụng cho người từ 12 tuổi trở lên) cho các tỉnh thành và khoảng 20 triệu liều nữa cũng đã được nhập về.
Tại hội nghị trực tuyến hôm 1-6, Bộ Y tế cho biết có 13 tỉnh chưa nhận vắc xin và bộ thúc "phải nhận ngay".
Lượng người tiêm giảm
Tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 của UBND TP.HCM ngày 2-6, giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cho biết hiện nay vắc xin ngừa COVID-19 được Bộ Y tế cung cấp cho TP.HCM còn rất nhiều. Tính đến ngày 1-6 là 936.257 liều. Vắc xin còn nhiều nhưng người tiêm có chiều hướng giảm dần ở các đợt tiêm và độ tuổi.
Đến ngày 3-6, tổng số vắc xin đã tiêm của TP.HCM là gần 21 triệu mũi. Trong đó có 8,5 triệu mũi 1; 7,4 triệu mũi 2; 4,2 triệu mũi nhắc lần 1 (mũi 3) và 4,1 triệu mũi nhắc lần 2 (mũi 4). Các độ tuổi tiêm chủng đều giảm số mũi theo các đợt. Đặc biệt với trẻ 5 đến dưới 12 tuổi, mũi 1 đạt trên 380.000 mũi thì đến nay mới tiêm được 84.453 mũi 2.
Một phụ huynh có con nhỏ đang học lớp 1 tại TP Thủ Đức cho biết khi nhà trường thông báo, vợ chồng rất đắn đo và sau khi tham khảo ý kiến từ nhiều người, cộng với việc thấy tình hình dịch tạm ổn, trẻ mắc không chuyển nặng nên quyết định không đăng ký.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, lượng vắc xin đã phân bổ đủ tiêm mũi cơ bản cho 90% người có chỉ định, nhưng do vắc xin đã rã đông chỉ sử dụng trong 10 tuần nên nhiều tỉnh chưa dùng hết, có tỉnh tiêm đến đâu nhận đến đó. Trong khi đó có 21 tỉnh thành tỉ lệ tiêm mũi 3 đạt 60 - 80%, 31 tỉnh thành đạt dưới 60%.
Có 9/63 tỉnh thành tỉ lệ tiêm mũi 2 cho nhóm 12-17 tuổi dưới 95% (Cao Bằng, Gia Lai, Đắk Lắk, TP.HCM, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang). Ở nhóm trẻ 5 đến dưới 12 tuổi có 12/63 tỉnh đạt tỉ lệ mũi 1 trên 50%, 20/63 tỉnh đạt dưới 30%...
Bắt buộc hay tự nguyện?
Phó giám đốc một trung tâm y tế ở TP.HCM cho biết đang "ngồi trên đống lửa" khi vừa nhận về khoảng 20.000 liều vắc xin nhưng vận động xuống tận các tổ, khu phố thì tỉ lệ đăng ký tiêm rất ít. "Các quận huyện đều than không biết kiếm đâu ra người để tiêm hết số vắc xin được cấp, bởi phần lớn người dân không có nhu cầu tiêm mũi 4, trong khi hạn sử dụng của vắc xin thì có hạn" - vị này nói.
Ông Nguyễn Trung Hòa - giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp - cho rằng nhu cầu tiêm ngừa COVID-19 nay đã khác bởi nhiều yếu tố khách quan. Dù ý chí mong muốn đạt được tỉ lệ người tiêm vắc xin mũi 4 cao nhưng hiện nay rất khó.
"Đa số người dân đều đã mắc COVID-19, đã được tiêm các mũi cơ bản, dịch bệnh cũng đã tạm lắng nên người dân có cảm giác an toàn. Mặt khác, tiêm vắc xin là khuyến khích, động viên chứ không bắt buộc, do đó chờ đợi người dân chủ động đăng ký tiêm rất khó đạt tỉ lệ tối đa chứ không phải lực lượng y tế cơ sở không nỗ lực" - ông Hòa nói.
Theo ông Hòa, việc đăng ký tiêm chủng đều thực hiện tại các trạm y tế xã, phường. Người dân đăng ký tiêm hạn chế cũng đang gây khó khăn cho nhân viên y tế trong việc điều phối, chiết vắc xin từ ống.
Một cán bộ trạm y tế phường ở quận 1 cho biết những người lớn tuổi, nguy cơ cao khá quan tâm đến việc tiêm các mũi tăng cường nhưng nhóm trẻ hơn ít người đăng ký, có nơi không tìm ra người để tiêm. Điều này khiến các phường không khỏi lo lắng, bởi dự trù nhận vắc xin về nhưng sợ không có người tiêm.
"Nhiều người dân đã được tiêm đủ 3 mũi, đã mắc COVID-19 nên e ngại việc có nên tiêm tiếp hay không. Với trách nhiệm của mình, chúng tôi chỉ còn biết nỗ lực tuyên truyền, vận động chứ không thể ép buộc" - vị này chia sẻ.
Ngày 2-6, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế rà soát tình hình quản lý và sử dụng vắc xin COVID-19, trong đó làm rõ vắc xin COVID-19 thuộc diện tiêm tự nguyện hay tiêm bắt buộc.
Trước đây người dân tiêm vắc xin cần ký giấy đồng ý mới được tiêm, như vậy là thủ tục "tự nguyện tiêm". Tuy nhiên COVID-19 là vắc xin chống dịch nên Bộ Tư pháp đang xem lại các văn bản pháp lý để báo cáo Chính phủ.
Nhiều người chưa biết thông tin về tiêm mũi 4
Nhiều bạn đọc phản hồi về Tuổi Trẻ cho rằng họ chưa biết thông tin về việc tiêm mũi 4. Bạn đọc Minh Châu (ngụ quận Tân Bình) nói chỉ nghe thông tin qua báo chí, còn đến nay chưa thấy địa phương thông báo tiêm mũi 4. Tương tự, hai bạn đọc tuổi 55 - 60 ở quận Bình Thạnh và một số bạn đọc ở quận 8 và Bình Tân cũng nói "chưa được thông báo tiêm vắc xin mũi 4".
Hôm 17-5, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã ký ban hành kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều nhắc lại lần 2 (tức mũi 4) cho người dân tại TP.HCM, gồm người 50 tuổi trở lên, người từ 18 tuổi trở lên có tình trạng suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến nặng, người thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19 (cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu chống dịch, công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp). Tuy nhiên kế hoạch này cho biết sẽ tiêm theo kế hoạch phân bổ của Bộ Y tế.
Nhiều ý kiến cho rằng cần thông báo rõ các địa điểm tiêm mũi 4, loại vắc xin, đối tượng tiêm... đến điện thoại của người dân, để các gia đình có người trong diện cần tiêm chủng mũi 4 biết lịch tiêm và đến tiêm chủng. Thực tế hiện vẫn có nhiều người có nhu cầu tiêm nhưng không rõ nên đợi "gọi tên" hay phải liên hệ địa chỉ nào để được tiêm ngừa.
HOÀNG LỘC
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: "Bắt buộc phải tiêm"
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết phải quyết tâm, phấn đấu tiêm chủng trong quý 2, đạt đúng kết quả mà Thủ tướng đã chỉ đạo. Để đạt được kết quả đó, Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn và cung ứng đủ vắc xin, còn kết quả phụ thuộc vào các tỉnh, TP.
Theo ông Tuyên, bộ đã gửi 3 công điện tới UBND các địa phương đôn đốc việc tiêm mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ từ 5-12 tuổi nhưng kết quả vẫn không đạt được như mong muốn.
"Hiện có tư tưởng chủ quan, cho rằng dịch bệnh được kiểm soát, đã tiêm đủ mũi cơ bản nên không tiêm nữa. Tôi lo là nếu chủ quan thế này, đến thời gian hiệu giá kháng thể thấp xuống, không tiêm nhắc lại thì dịch bùng phát trở lại. Vì vậy Bộ Y tế đề nghị tất cả các cấp có chỉ đạo, vừa vận động tuyên truyền vừa đi đầu gương mẫu để tiếp tục tiêm vắc xin" - ông Tuyên đề nghị.
Nhiều địa phương băn khoăn chưa rõ việc tiêm vắc xin COVID-19 sau khi đã tiêm đủ liều cơ bản là tự nguyện hay bắt buộc, ông Tuyên cho rằng tiêm vắc xin là để phòng chống dịch nên để phòng chống dịch hiệu quả thì người dân cần tiếp tục tiêm vắc xin.
Ông Tuyên cho biết: "Kết quả phòng, chống dịch hiện nay có phần rất quan trọng từ tiêm chủng. Tuy nhiên, vắc xin khi tiêm tạo ra kháng thể không ổn định và giảm dần theo thời gian. Vì vậy bắt buộc phải tiêm bổ sung để phòng chống dịch bệnh. Nếu người dân chủ quan không tiêm thì nguy cơ lây nhiễm dịch cho cộng đồng rất lớn và dịch sẽ bùng trở lại".
DƯƠNG LIỄU
Nhiều tỉnh chưa nhận vắc xin vì dân không muốn tiêm
Tại cuộc họp ngày 1-6 về công tác tiêm ngừa COVID-19, Bộ Y tế cho biết trước đó bộ đã có văn bản phân bổ vắc xin để tiêm mũi 4 cho người dân nhưng nhiều tỉnh chưa nhận, thậm chí có địa phương từ chối.
Tại cuộc họp ngày 1-6 về công tác tiêm ngừa COVID-19, Bộ Y tế cho biết trước đó bộ đã có văn bản phân bổ vắc xin để tiêm mũi 4 cho người dân nhưng nhiều tỉnh chưa nhận, thậm chí có địa phương từ chối.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 3-6, đại diện một số địa phương xác nhận chưa nhận vắc xin theo phân bổ của Bộ Y tế, trong khi đó có địa phương cho biết vẫn tiếp nhận vắc xin chứ không từ chối.
"Nhận về dân không chịu tiêm thì rất khó"
Ông Trần Quang Hiền - giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang - cho biết như vậy về việc tỉnh này chưa nhận vắc xin phòng COVID-19 theo phân bổ đợt mới của Bộ Y tế. Theo ông Hiền, tỉ lệ tiêm ngừa mũi 3 của tỉnh An Giang mới đạt trên 35%. Sở Y tế An Giang đã nhận văn bản phân bổ vắc xin mũi 4 của Bộ Y tế, sắp tới sẽ lập kế hoạch tiêm để trình UBND tỉnh phê duyệt.
"Cái khó hiện nay là người dân không chịu tiêm vắc xin. Người dân cho rằng dịch đã qua nên không chịu tiêm. Chúng tôi đã đi khảo sát các huyện, TP hết rồi. Do người dân không chịu tiêm vắc xin mũi 3 nên số lượng vắc xin tồn đọng rất nhiều, không chỉ riêng An Giang mà nhiều tỉnh khác cũng vậy. Do đó đơn vị chưa nhận vắc xin về để tiêm mũi 4, vì nhận về phải rã đông để tiêm nhưng người dân không chịu tiêm thì rất khó" - ông Hiền nói.
Chiều 3-6, bác sĩ Dương Ân Hận - phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp - cho biết hiện nay đơn vị đã tiếp nhận 85.000 liều Pfizer cho người lớn và 64.000 liều Pfizer, Moderna cho trẻ em theo phân bổ và đang chuẩn bị tiêm mũi 4. Đồng Tháp đã tiêm vắc xin mũi 3 đạt trên 50% nhưng khó khăn nhất là người dân đang đắn đo không đồng ý tiêm thêm vắc xin.
"Thậm chí một số người gặp tôi hỏi mũi 4 này có nên tiêm không, vì dịch bệnh đã qua rồi. Tuy nhiên tôi nói tiêm vắc xin để tăng kháng thể và phòng bệnh tốt nhất. Sắp tới chúng tôi sẽ cố gắng tiêm vắc xin cho xong dứt điểm mũi 3" - bác sĩ Hận nói thêm.
Ông Đặng Hải Đăng - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau - cho biết tỉnh đã nhận 125.000 liều vắc xin ngừa COVID-19, trong đó có 53.000 liều dành cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Ông Đăng cho biết thứ hai tuần sau (6-6), Cà Mau sẽ tiêm vắc xin mũi 4 cho các đối tượng theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Theo ông Đăng, hiện tỉ lệ tiêm mũi 3 của Cà Mau mới đạt trên 34%. Dù ngành y tế đẩy mạnh tuyên truyền nhưng do chủ quan và nhận thấy tình hình dịch bệnh được kiểm soát nên người dân có tâm lý chưa muốn tiêm mũi nhắc lại.
Vắc xin đã nhận chưa dùng hết
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết Hà Nội chưa tiếp nhận vắc xin phân bổ vì hiện đơn vị đang lên kế hoạch tiêm mũi 4.
"Hà Nội được phân bổ 203.000 liều vắc xin Pfizer để tổ chức tiêm mũi 4. Tuy nhiên hiện CDC Hà Nội và Sở Y tế đang tham mưu cho UBND TP xây dựng kế hoạch tiêm, ngay sau khi có kế hoạch TP sẽ nhận vắc xin, phân bổ đến các địa phương và triển khai tiêm ngay", đại diện sở nói và cho hay số vắc xin còn gửi tại kho khu vực gần 250.000 liều.
Trạm trưởng một trạm y tế tại Hà Nội cho biết trên địa bàn vẫn còn một số người dân chưa tiêm mũi 3, khi rà soát chuẩn bị tiêm mũi 4 nhiều người dân cũng không hưởng ứng. "Thậm chí mỗi đợt tiêm chủng phải gọi điện cho từng người dân để nhắc lịch nhưng vẫn không tiêm được đủ số liều như dự kiến. Nhiều người cao tuổi, bệnh nền thuộc đối tượng tiêm mũi 4 không muốn tiêm nữa vì cho rằng dịch đã hết", vị này cho hay.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh, trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng cho biết tỉnh không từ chối nhận vắc xin và hiện công tác tiêm chủng, vận động người dân tiêm mũi tăng cường vẫn đang được triển khai theo kế hoạch.
Theo ông Nguyễn Văn Hinh - giám đốc CDC tỉnh Hải Dương, vừa qua trên địa bàn tỉnh có nhiều người tiêm mũi 2 - 3 vắc xin phòng COVID-19 mắc bệnh với các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng nên đa số không có nhu cầu tiêm thêm mũi 4.
Ông Hinh cho biết tỉnh hiện còn khoảng 50.000 liều vắc xin Pfizer, đủ để tiêm mũi tăng cường cho những trường hợp đủ điều kiện tiêm và việc tiêm mũi 4 dựa trên tinh thần tự nguyện của người dân chứ không ép buộc.
B.ĐẤU - K.TÂM - D.LIỄU - T.THẮNG
Nhiều nước tiêm mũi 4 cho người nguy cơ cao
Tại Singapore, ngày 24-4 lực lượng đặc nhiệm liên bộ của Singapore về COVID-19 chấp nhận khuyến nghị của Ủy ban chuyên gia về vắc xin COVID-19. Theo đó tất cả mọi người từ 80 tuổi trở lên, những người sống trong các cơ sở chăm sóc người cao tuổi và những người dễ bị tổn thương về y tế, bị suy giảm miễn dịch nên được tiêm liều tăng cường thứ hai (tức mũi 4) khoảng 5 tháng sau khi tiêm liều tăng cường trước đó.
Tại Malaysia, Bộ Y tế cho biết người từ 60 tuổi trở lên và có bệnh lý nền về phổi, tim, thận, gan, tiểu đường sẽ được chọn (không bắt buộc) tiêm mũi nhắc lại thứ hai nếu đã tiêm mũi tăng cường thứ nhất từ 4-6 tháng. Người từ 60 tuổi trở lên không có bệnh lý nền cũng có thể tiêm mũi vắc xin COVID-19 thứ 4 nếu có khuyến cáo của chuyên gia y tế.
Từ ngày 24-3, Chính phủ Lào cho biết họ bắt đầu triển khai tiêm vắc xin COVID-19 mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên và đặc biệt là nhóm có nguy cơ cao nếu đã tiêm mũi 3 từ ba tháng trở lên. Người được ưu tiên tiêm trước là lực lượng tuyến đầu, người từ 60 tuổi trở lên, người có bệnh lý nền.
Tại Thái Lan, từ đầu năm 2022 nước này đã chạy đua tiêm vắc xin COVID-19 mũi 4 cho người dân ở các địa điểm du lịch để chuẩn bị mở cửa trở lại. Đến tháng 4-2022, trước Tết Songkran, ngành y tế Thái Lan lại kêu gọi người dân đi tiêm vắc xin nhắc lại. Ai đã tiêm 2 mũi thì tiêm mũi 3, ai đã tiêm 3 mũi thì tiêm mũi 4 nếu khoảng cách giữa 2 lần tiêm là từ 3 tháng trở lên.
Nhà chức trách cho biết việc gỡ bỏ các biện pháp hạn chế có thể khiến một số người tự mãn, tin rằng 2 liều vắc xin COVID-19 là đủ. Tuy nhiên một thời gian sau khi tiêm 2 liều, khả năng miễn dịch do vắc xin tạo ra sẽ giảm, vì vậy nhà chức trách ở Thái Lan khuyến cáo người dân cần tiêm liều vắc xin thứ 3 hoặc thứ 4.
HỒNG VÂN
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nói: “Nhiều người dân thấy tình hình dịch bệnh yên ổn nên ngại không muốn tiêm khiến việc triển khai tiêm mũi 4 khó khăn”.