Ủy ban Văn hóa, giáo dục: Đề nghị Bộ GD-ĐT quy định lịch sử là môn học bắt buộc

Chia sẻ Facebook
22/05/2022 10:09:52

Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp thu và quy định môn học lịch sử cấp trung học phổ thông là môn bắt buộc.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa - Ảnh: NGỌC THẮNG

Sáng 22-5, Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 3. Tại phiên họp, phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa đã báo cáo về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông đối với môn lịch sử bậc THPT.


Theo báo cáo, đ a số các ý kiến không đồng tình đối với việc đưa môn lịch sử bậc THPT thành môn lựa chọn với một số các lý do.


Trong đó, lịch sử là môn học đặc biệt quan trọng, giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng đối với thế hệ trẻ; giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống văn hóa, lịch sử; bồi dưỡng năng lực tư duy, hành động, thái độ ứng xử đúng đắn trong đời sống xã hội; từ đó hình thành những phẩm chất của công dân...

Bên cạnh đó, xét về tâm sinh lý lứa tuổi, học sinh trung học phổ thông (15 - 17 tuổi) có sự trưởng thành về nhận thức, khả năng tiếp nhận tốt hơn về lịch sử đất nước và lịch sử cách mạng Việt Nam.

Đây cũng là lứa tuổi quyết định sự hình thành thế giới quan, hệ thống quan điểm về tự nhiên, về xã hội, về các nguyên tắc và quy tắc ứng xử, định hướng giá trị của con người.

Xét về khoa học giáo dục, việc bồi dưỡng kiến thức lịch sử cho học sinh THPT là cần thiết nhằm phát triển con người toàn diện, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của con người Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu học sinh không lựa chọn môn lịch sử ở cấp THPT (số lượng có thể lên tới 50% học sinh), các em sẽ không được tiếp cận với những kiến thức rất quan trọng, có ý nghĩa giáo dục đối với lứa tuổi này.

Cùng với đó, ở nhiều nước trên thế giới, môn lịch sử trong chương trình THPT luôn là môn học bắt buộc.

Từ đó Ủy ban Văn hoá, giáo dục cho rằng môn lịch sử có vị trí đặc biệt, có ý nghĩa rất quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông, học sinh cần được trang bị khối lượng kiến thức này, vì vậy cần tiếp thu ý kiến đông đảo của cử tri, nhân dân theo hướng quy định môn lịch sử là môn học bắt buộc đối với cấp THPT trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 với khối lượng kiến thức phù hợp.

Đồng thời thiết kế bao gồm khối lượng kiến thức lịch sử (phần bắt buộc) và khối lượng kiến thức định hướng nghề nghiệp (phần lựa chọn).

Đề nghị Bộ GD-ĐT tăng cường công tác tuyên truyền về chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói chung, chương trình môn lịch sử nói riêng; để tăng thêm sự đồng thuận, ủng hộ của xã hội trong việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018; đồng thời truyền cảm hứng cho học sinh yêu thích môn lịch sử.

Quang cảnh phiên họp toàn thể của Ủy ban Văn hóa, giáo dục - Ảnh: NGỌC THẮNG

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) bày tỏ nhất trí kiến nghị trong báo cáo về việc quy định môn học lịch sử là môn học bắt buộc. Theo bà Nga, qua tiếp xúc cử tri, lấy ý kiến của giáo viên đều đồng tình nên để môn lịch sử là bắt buộc.

Bà Nga cũng nêu một kiến nghị về việc qua nghiên cứu thấy hiện nay học sinh phổ thông không mặn mà với môn lịch sử, qua nhiều kỳ thi điểm rất kém và phỏng vấn một số em nói không thích môn lịch sử.

Bà cho hay nguyên nhân của việc này không hẳn do bộ môn này không hấp dẫn mà do chương trình nặng về kiến thức hàn lâm, ôm đồm và cách trình bày khá tẻ nhạt.


Bên cạnh đó hiện nay dạy học và thi môn lịch sử vẫn theo phương pháp cũ là cứ ghi nhớ sự kiện, con số khiến học sinh không hứng thú.


Do đó bà Nga đề nghị cần thay đổi cách đánh giá và cần có tư duy tiếp cận mới mẻ, khuyến khích các em có sự nhìn nhận, đánh giá chứ không phải chỉ thụ động tiếp thu, nhồi sọ.

Đại biểu Hà Ánh Phượng (Thái Nguyên) và Hoàng Trung Dũng (Hà Tĩnh) cũng bày tỏ đồng tình với việc nên quy định môn lịch sử là môn học bắt buộc trong chương trình THPT.


Bà Phượng cũng dẫn chứng nhiều nước trên thế giới, trong đó, có Nhật Bản, Nam Phi... cũng đã quy định môn học này là môn học bắt buộc.

Cố GS sử học Phan Huy Lê từng đồng thuận việc môn Lịch sử là môn học lựa chọn?

Theo GS Trần Kiều, Chủ tịch hội Tâm lý Giáo dục Việt Nam từng là chủ tịch Hội đồng thẩm định chương trình tổng thể (Chương trình GD phổ thông 2018), trong thành phần hội đồng thẩm định chương trình mới có 2 nhà sử học. Một trong hai người là cố GS Phan Huy Lê (từng giữ chức vụ chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam).

Chia sẻ về "hậu trường" của việc thẩm định, GS Trần Kiều cho biết: Cả chương trình tổng thể và chương trình môn học/hoạt động giáo dục đều được thẩm định theo đúng quy định, bám sát các tiêu chỉ, thủ tục mà Bộ GD-ĐT ban hành.

Chỉ riêng chương trình tổng thể đã được thẩm định theo 2 vòng chính và 1 vòng phụ (gồm 9 ngày). Hội đồng đã trao đổi, thảo luận từng mục nhỏ trong chương trình để góp ý cho ban phát triển chương trình GD phổ thông 2018.


"Cố GS Phan Huy Lê là nhà sử học hàng đầu của Việt Nam nên đương nhiên ông rất quan tâm tới việc dạy học sử trong nhà trường phổ thông. Ông có nhiều góp ý cho chương trình và ý kiến của ông hiện vẫn được lưu lại trong các biên bản của hội đồng. Ông cũng như các thành viên khác của hội đồng đều đồng ý với đề xuất về việc tổ chức dạy học môn Lịch sử ở cấp THPT theo hình thức lựa chọn", GS Trần Kiều cho biết.

Về những ý kiến cho rằng cần tổ chức dạy học môn Lịch sử ở bậc THPT cho tất cả học sinh (môn học bắt buộc), ông Trần Kiều bày tỏ quan điểm:

Theo quan điểm phát triển thì chương trình hoàn toàn có thể điều chỉnh để hoàn thiện hơn. Nhưng lý do điều chỉnh phải xác đáng. Nội dung điều chỉnh phải rõ ràng, cụ thể. Kế hoạch điều chỉnh phải được chuẩn bị chu đáo cả về mục đích, thời điểm, tiến độ để tránh ảnh hưởng lớn đến cấu trúc chương trình đã được nghiên cứu, xây dựng, trải qua quy trình chặt chẽ trước khi được phê duyệt.

Vì sao môn Lịch sử ở bậc THPT cần phải dạy học bắt buộc? Lý do đưa ra phải dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn. Trong đó, về mặt thực tiễn cần phải có những khảo sát mang tính định lượng để đánh giá. Nếu không có những cơ sở lý luận và thực tiễn đủ và đúng thì khó thuyết phục.

Ông Trần Kiều đề xuất: Chỉ còn vài tháng nữa là năm học 2022-2023 bắt đầu với việc triển khai chương trình GD phổ thông 2018 ở lớp 10. Qua thực tế triển khai, hãy khảo sát, đánh giá việc thực hiện chương trình, trong đó có việc tổ chức dạy học môn Lịch sử để thấy các vấn đề thực tiễn đặt ra có liên quan tới đề nghị học bắt buộc hay tự chọn. Từ đó đưa ra giải pháp thuyết phục để điều chỉnh.

Nhưng còn một vấn đề quan trọng hơn là việc thay đổi cách dạy học môn Lịch sử. Có một thực tế trong vài chục năm trở lại đây, học sinh học tập ở một số môn học trong đó có môn Lịch sử theo hình thức đối phó, không có hứng thú.


"Môn Lịch sử ở cấp THPT được thiết kế theo các chủ đề chuyên sâu, nếu bắt buộc học sinh học đại trà, và vẫn với kiểu học đối phó, không hứng thú thì kết quả thu nhận lại sẽ rất thấp. Nhất là khi học sinh vẫn phải đáp ứng các yêu cầu thi cử như hiện nay. Vậy nên việc cần bàn hơn với môn Lịch sử là học sinh học gì và học như thế nào", GS Trần Kiều bày tỏ quan điểm. (VĨNH HÀ)

Bà Nguyễn Thị Việt Nga cho hay lịch sử không phải cái 'đông cứng, vô hồn' và mục đích giáo dục không phải 'thuộc làu làu như con vẹt rồi trả bài' mà cần thay đổi cách đánh giá, tư duy tiếp cận khuyến khích học sinh có sự nhìn nhận, đánh giá.

Chia sẻ Facebook