Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội bàn về loạt vấn đề giáo dục và đào tạo

Chia sẻ Facebook
20/10/2022 05:59:07

Ngày 19/10, tại tỉnh Bắc Ninh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ tư.

Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn; đại diện lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Phiên họp tập trung thảo luận báo cáo kết quả hoạt động năm 2022 và dự kiến công tác năm 2023 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.

Phiên họp cũng xem xét 4 báo cáo kết quả khảo sát chuyên đề: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về tự chủ đại học và bảo đảm chất lượng giáo dục đại học; việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống đuối nước trẻ em (giai đoạn 2016-2021).

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao sự chủ động, trách nhiệm, sáng tạo, kịp thời trong hoạt động của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục. Mặc dù khối lượng công việc lớn, các lĩnh vực phụ trách rộng, dịch COVID-19 ảnh hưởng nhiều trong giai đoạn đầu năm nhưng Ủy ban có nhiều nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao và đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực phụ trách.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp


Nhấn mạnh từ nay đến cuối năm, Ủy ban cần làm tốt các nhiệm vụ đề ra, nhất là chủ trì, phối hợp tổ chức Hội thảo văn hóa toàn quốc năm 2022, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ủy ban tiếp tục rà soát, đối chiếu với Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng thứ XIII của Đảng đoàn Quốc hội, của Tổ đảng ở Thường trực Ủy ban và các Đề án lớn của Quốc hội để cụ thể hóa trong từng hoạt động của Ủy ban.

Để chuẩn bị Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục được giao là cơ quan chủ trì, tham mưu giúp Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ủy ban triển khai nghiêm túc, đúng tiến độ và yêu cầu chất lượng đề ra trong Kế hoạch chi tiết của Đoàn giám sát; phát huy tối đa trí tuệ, kinh nghiệm của các thành viên Ủy ban.

Tại phiên họp, một số vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo được các thành viên Uỷ ban nêu ý kiến trao đổi, gồm: Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018; thừa - thiếu giáo viên, tuyển dụng, sử dụng giáo viên tại địa phương; sách giáo khoa phổ thông; sáp nhập trường lớp; tự chủ đại học…

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao đổi tại phiên họp.


Trao đổi tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã có những chia sẻ về khó khăn và nỗ lực của ngành Giáo dục khi triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và việc tái thiết giáo dục thời kỳ hậu COVID-19.

Bộ trưởng cũng đề cập tới việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhấn mạnh đó là một cuộc cách mạng trong giáo dục, với mục tiêu, cách thức tổ chức, sự tác động… khác hoàn toàn so với những lần đổi mới trước. Trong đó, tính phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương; giữa Bộ GDĐT, các sở ngành và các địa phương được thực hiện mạnh mẽ trong lần đổi mới này.

Với nhiều việc phải làm, nhiều khó khăn, thách thức đặt ra cho ngành Giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong rằng, sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự thấu hiểu, hỗ trợ, đồng hành từ Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội. Trong đó có việc giám sát và thúc đẩy trách nhiệm của địa phương, Bộ, ngành liên quan trong thực hiện các nhiệm vụ giáo dục và đào tạo.

Chia sẻ Facebook