Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến, chuẩn bị kỳ họp bất thường, kỳ họp thứ 5 Quốc hội
Sáng 28/11, ngay sau khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 17, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tổng kết kỳ họp thứ 4 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường lần thứ 2, kỳ họp thứ 5 của Quốc hội.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến, chuẩn bị kỳ họp bất thường, kỳ họp thứ 5 Quốc hội
Kịp thời thể chế hóa nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Báo cáo tại Phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, hoàn thành khối lượng lớn công việc với sự đồng thuận, thống nhất cao, được cử tri và Nhân dân cả nước đánh giá cao. Quốc hội đã xem xét, thông qua 06 luật, 13 nghị quyết; thảo luận về việc tiếp thu, chỉnh lý 01 dự án luật và cho ý kiến lần đầu đối với 07 dự án luật; giám sát tối cao 01 chuyên đề; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; quyết định các vấn đề quan trọng về nhân sự, kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và xem xét nhiều báo cáo quan trọng khác.
Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh, những nội dung quan trọng được Quốc hội ban hành đã kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thực tiễn đặt ra để các cơ quan, tổ chức có cơ sở triển khai, hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tạo đà thuận lợi để phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 và tiếp tục tạo nền tảng cho đất nước phát triển bền vững.
Về cách thức tiến hành kỳ họp và công tác bảo đảm khác, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, chương trình kỳ họp được bố trí hợp lý, chặt chẽ, dành thời gian để các cơ quan chức năng nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội trước kỳ họp và được chỉnh lý phù hợp, bảo đảm đúng quy trình, trình tự theo quy định. Việc điều chỉnh, bổ sung chương trình kỳ họp được thực hiện kịp thời, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, không làm tăng thêm thời gian kỳ họp và nhận được sự đồng thuận cao của Quốc hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Thư ký Quốc hội cũng thẳng thắn nêu rõ một số hạn chế còn tồn tại như: vẫn còn tình trạng gửi tài liệu của một số dự án luật còn chậm so với yêu cầu; một số nội dung được gửi xin ý kiến trong thời gian ngắn; …
Qua tổng kết, đánh giá kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế trong chuẩn bị, tổ chức và tiến hành kỳ họp thứ 4, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, thành công của kỳ họp có được là nhờ những nhân tố quan trọng: Sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong quá trình chuẩn bị và tiến hành kỳ họp; Công tác chỉ đạo, điều hành sâu sát, quyết liệt, quyết đoán, linh hoạt, nhạy bén, sáng tạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc tổ chức cũng như quá trình tiến hành từng phiên họp của kỳ họp; Công tác tham mưu, đề xuất chính xác, kịp thời, bám sát tình hình thực tế;…
Nhấn mạnh một số nội dung cần quan tâm chỉ đạo trong thời gian tới, Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ, cần tiếp tục quán triệt đầy đủ, nghiêm túc các nghị quyết, kết luận của Đảng, nhất là các nghị quyết của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII; Các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình khẩn trương triển khai các biện pháp bảo đảm thi hành các luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua; Tăng cường công tác giám sát, trong đó tập trung các vấn đề nổi cộm, được cử tri và Nhân dân quan tâm;...
Đề xuất 02 phương án tổ chức Kỳ họp bất thường lần 2
Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số vấn đề về việc tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội các nội dung: Xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch; Xem xét, thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Xem xét việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Xem xét, quyết định một số vấn đề về tài chính, ngân sách;...
Về thời gian và hình thức họp, căn cứ tiến độ chuẩn bị các nội dung, Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất 02 phương án. Theo đó:
Phương án 1: Trường hợp toàn bộ nội dung trình tại kỳ họp bất thường chưa kịp xem xét đủ điều kiện trong tháng 12/2022 thì đề nghị tổ chức họp sau Tết Nguyên Đán (trong tháng 2/2023) và theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội.
Phương án 2: Trường hợp toàn bộ nội dung trình tại kỳ họp bất thường được xem xét xong trong tháng 12/2022 và đủ điều kiện trình thì đề nghị tổ chức họp trước Tết Nguyên Đán (đầu tháng 01/2023) theo hình thức họp trực tuyến kết hợp họp tập trung, trong đó họp trực tuyến để thảo luận, cho ý kiến, còn họp tập trung để biểu quyết các nội dung (hoặc nếu xét thấy việc đi lại dịp Tết khó khăn thì có thể họp trực tuyến cả kỳ).
Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị, các cơ quan cần khẩn trương hoàn thành việc chuẩn bị các nội dung của kỳ họp để Ủy Thường vụ Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định việc tổ chức và triệu tập kỳ họp bảo đảm đúng thời gian quy định (chậm nhất là 07 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp).
Dự kiến kỳ họp thứ 5 thông qua 6 dự án luật, dự thảo Nghị quyết
Liên quan đến công tác chuẩn bị kỳ họp thứ 5, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, dự kiến Quốc hội làm việc 17 ngày; họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày thứ hai 22-5-2022.
Dự kiến tại dự kiến tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 6 dự án luật, dự thảo Nghị quyết; Cho ý kiến 6 dự án luật. Cũng tại kỳ họp thứ 5, dự kiến sẽ xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác;...
Về hình thức họp, Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Tại kỳ họp này, Quốc hội thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định của Nội quy kỳ họp Quốc hội sửa đổi đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Ngoài ra, Tổng Thư ký Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để cho ý kiến về một số nội dung cần thiết trước khi trình Quốc hội; đồng thời, đề nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban đề xuất những nội dung cần thảo luận tại Hội nghị để sớm xây dựng kế hoạch tổ chức.
Hàn Đông