Ủy ban IMF không thể đưa ra tuyên bố chung
Cơ quan thiết lập chính sách của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã kết thúc các cuộc thảo luận ở thủ đô Washingon, Mỹ trong ngày 21-4 mà không đưa ra được thông cáo chung.
Theo Hãng tin Kyodo News, tại cuộc họp báo diễn ra sau đó, Chủ tịch Ủy ban Tài chính và Tiền tệ Quốc tế (IMFC) của IMF, bà Nadia Calvino cho biết vì IMFC hoạt động trên cơ sở đồng thuận, nên họ không thể đạt được thỏa thuận nếu "một thành viên không đồng tình".
Trước phần phát biểu của bà Calvino, hai nguồn tin tiết lộ với Hãng tin Reuters rằng IMFC đã không thể đưa ra tuyên bố chung vì vấp phải sự phản đối của Nga.
Dự thảo tuyên bố chung được cho là sẽ lên án mạnh mẽ xung đột ở Ukraine và "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga.
Thay cho tuyên bố chung, IMFC đã đưa ra tuyên bố của chủ tọa, cho biết sự phục hồi kinh tế toàn cầu đang bị kìm hãm bởi các biến thể mới của SARS-CoV-2, virus gây dịch COVID-19.
Bản tuyên bố chủ tọa cũng ghi nhận đà hồi phục của thế giới trong bối cảnh cuộc chiến Nga-Ukraine và sự chia rẽ do xung đột này gây ra.
Theo Kyodo News, bà Calvino cũng hoan nghênh quyết định gần đây của IMF về việc thành lập Quỹ tín thác Khả năng phục hồi và bền vững (RST) để hỗ trợ cho các nước thành viên có thu nhập thấp.
Cũng trong cuộc họp báo, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva bày tỏ biết ơn với 12 quốc gia trong đó có Nhật Bản đã đề nghị hỗ trợ tổng cộng 40 tỷ USD cho quỹ tín thác.
Các nước Anh, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Ả Rập Xê Út, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ đều đã đóng góp cho RST.
Cuối ngày 21-4, IMF và Ngân hàng Thế giới đã tổ chức một cuộc thảo luận bàn tròn về việc tăng cường hỗ trợ Ukraine.
Phát biểu khai mạc, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết tổ chức của bà ước tính chính phủ và nền kinh tế Ukraine cần khoảng 5 tỉ USD/tháng trong vòng 2-3 tháng tới, để tiếp tục vận hành trong giai đoạn xung đột.
Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva, cho biết chiến sự ở Ukraine đã buộc IMF cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2022 và 2023. Giá thực phẩm và năng lượng cao hơn đang gây áp lực lên các nền kinh tế.