Ủy ban Hạ viện về Trung Quốc nêu bật việc lạm dụng người Duy Ngô Nhĩ
Ủy ban Hạ viện về Trung Quốc sẽ tổ chức phiên điều trần thứ hai vào ngày 23/3, trong đó nêu bật cuộc diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương
Ủy ban Quốc hội mới của Hoa Kỳ về các vấn đề Trung Quốc sẽ tổ chức phiên điều trần thứ hai vào ngày 23/3, trong đó tìm cách nêu bật điều mà Washington gọi là một cuộc diệt chủng đang diễn ra đối với người Duy Ngô Nhĩ và các tộc người thiểu số khác ở khu vực Tân Cương, Trung Quốc.
Embed from Getty Images
(Cuốn sách có tựa đề ‘Người sống sót từ trại cải tạo Trung Quốc’ của bà Gulbahar Haitiwaji/Ảnh: Getty Images)
Các nhóm nhân quyền cáo buộc Bắc Kinh về những hành vi lạm dụng, bao gồm lao động cưỡng bức, giám sát hàng loạt và đưa hơn 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ vào mạng lưới các trại tập trung ở Tân Cương.
Hôm 22/3, Nghị sĩ Cộng hòa Mike Gallagher, Chủ tịch Ủy ban Chọn lọc của Hạ viện về Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã khẳng định với các phóng viên: “Điều này nên được cân nhắc như một lời cảnh báo về viễn cảnh của thế giới dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ”.
Phiên điều trần, được ấn định vào lúc 7h tối ngày 23/3 theo múi giờ EDT, là phiên mới nhất trong một chuỗi các sự kiện được lên kế hoạch cho 2 năm tới khi Đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện. Mục đích của các sự kiện này là nhằm thuyết phục người Mỹ nên quan tâm đến việc cạnh tranh với Trung Quốc và “tách rời một cách có chọn lọc” nền kinh tế của 2 quốc gia.
Ủy ban Hạ viện sẽ lắng nghe ý kiến từ bà Gulbahar Haitiwaji, một phụ nữ Duy Ngô Nhĩ đã sống sót sau nhiều năm trong các trại “cải tạo” và bị quản thúc tại gia; ngoài ra còn có bà Qelbinur Sidik, một phụ nữ tộc Uzbek bị chính quyền Trung Quốc chỉ định làm giáo viên cho một trong những trải “cải tạo” đó.
Cả hai người phụ nữ trên đã đến được châu Âu và cư trú tại đó.
Trong số các nhân chứng còn có ông Nury Turkel, một luật sư người Mỹ gốc Duy Ngô Nhĩ và ông Adrian Zenz, một nhà nghiên cứu người Đức. Ông Nury Turkel đã ủng hộ Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ của Hoa Kỳ năm ngoái vốn cấm vận phần lớn hàng nhập khẩu từ Tân Cương, còn ông Adrian Zenz là người đã tìm cách thu thập tài liệu về mức độ tàn khốc của các trại giam ở đó.
Trung Quốc đã lớn tiếng phủ nhận các hành vi lạm dụng của mình tại Tân Cương, biện minh rằng họ đã thành lập “các trung tâm đào tạo nghề” để kiềm chế chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa ly khai và chủ nghĩa cấp tiến mang tính tôn giáo.
Chính phủ Hoa Kỳ cũng như Nghị viện Anh và Canada đã mô tả các chính sách cấm đoán sinh con và giam giữ người hàng loạt của Trung Quốc ở Tân Cương là hành vi diệt chủng. Vào năm ngoái, một báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết Trung Quốc có thể đã phạm tội ác chống lại loài người tại khu vực này.
Ủy ban lưỡng đảng sẽ không viết thành luật, nhưng sẽ đưa ra các khuyến nghị chính sách vào thời điểm mà đường lối cứng rắn đối với Trung Quốc đã trở thành một trong số ít quan điểm được lưỡng đảng chấp thuận trong bối cảnh Quốc hội Hoa Kỳ đang bị chia rẽ sâu sắc.
Dân biểu Raja Krishnamoorthi thuộc Đảng Dân chủ đã trả lời các phóng viên rằng những gì xảy ra với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc ảnh hưởng đến người dân Mỹ.
Ông Krishnamoorthi lên tiếng: “Đó là hàng hóa được sản xuất bởi những người lao động nô lệ, là sự xuống cấp của nhân quyền khiến thế giới trở nên kém an toàn hơn, và đó là cuộc đàn áp không ngừng đối với người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài, bao gồm cả những ai sống tại Mỹ”.
Vy An (Theo Reuters)
Áo: Nhân chứng kể về sự tàn bạo trong trại lao động cưỡng bức TQ
Trong lễ khai mạc sự kiện tại quốc hội Áo, cô Triệu Lệ Quân được mời tham dự với tư cách là nhân chứng trực tiếp của nạn lao động cưỡng bức tại Trung Quốc.