Ưu tiên kiểm soát lạm phát, cân đối lãi suất huy động và cho vay

Chia sẻ Facebook
25/09/2022 15:08:29

Hôm qua (23/9) đánh dấu mốc lần đầu tiên sau 2 năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định tăng lãi suất điều hành để góp phần giảm áp lực tỷ giá.


Hoá giải những cú sốc của thị trường


Đại diện Ngân hàng Nhà Nước một lần nữa đặc biệt nhấn mạnh ưu tiên số 1 hiện nay là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, cơ quan này buộc phải tăng lãi suất để ổn định giá trị đồng tiền.

Theo Ngân hàng Nhà Nước, hiện các ngân hàng trung ương trên thế giới đã thực hiện 257 lượt tăng lãi suất trên toàn cầu để đối phó với lạm phát. Điều này gây áp lực rất lớn lên tâm lý nhà đầu tư, dòng vốn rút ra tạo áp lực mất giá lớn đối với đồng tiền của các quốc gia mới nổi (trong đó có Việt Nam). Nếu không tăng lãi suất, để đồng Việt Nam mất giá thì sẽ khiến giá nhập khẩu đắt hơn, làm tăng giá cả hàng hóa trong nước, như vậy sẽ đẩy lạm phát tăng cao.

Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh ưu tiên số 1 là kiểm soát lạm phát

Hiện Đồng Việt Nam vẫn là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất so với các đồng tiền của các nước có mối quan hệ thương mại lớn. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết việc giữ ổn định giá trị đồng tiền sẽ giúp hạn chế tăng giá hàng hóa nhập khẩu, từ đó giúp ổn định lạm phát.

"Định hướng là ổn định không có nghĩa là cố định đồng tiền. Nếu để mặt bằng lãi suất ổn định quá lâu sẽ gây áp lực tỷ giá và gây bất ổn vĩ mô nên Ngân hàng Nhà nước thấy cần phải điều chỉnh lãi suất để hóa giải những cú sốc của thị trường cũng như neo giữ tâm lý thị trường", ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết.


Doanh nghiệp chủ động đối phó

Câu chuyện tỷ giá cũng là mối quan tâm lớn của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu lúc này. Mặc dù nền kinh tế vẫn duy trì vị thế xuất siêu trong 8 tháng đầu năm. Nhưng nhập khẩu vẫn chiếm gần 1 nửa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Trước những thay đổi gần đây trong điều hành chính sách lãi suất, tỷ giá, các doanh nghiệp cho biết họ phải sẽ chủ động hơn khi tính toán kế hoạch kinh doanh.

Nhập khẩu từ 80-90% nguyên liệu phục vụ sản xuất. thời gian qua, tỷ giá tăng, khiến mỗi 1 triệu USD hạt nhựa nhập về của CTCP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn tăng tương ứng khoảng 1 tỷ đồng so với đầu năm. Với đợt tăng lãi suất điều hành lần này, dù ít nhiều ảnh hưởng tới giá vốn trong quý IV tuy nhiên, doanh nghiệp kỳ vọng khi tỷ giá ổn định hơn, hoạt động nhập khẩu sẽ bớt khó khăn. Doanh nghiệp cũng chủ động cân đối chi phí, cân nhắc hơn trước mỗi khoản giải ngân của ngân hàng.

"Trước đây, có thể kế hoạch chi xây cho 3 tháng giờ chúng tôi xây dựng kế hoạch chi theo tuần và theo ngày luôn. Và làm việc với ngân hàng giống như bộ phận tài chính - kế toán của doanh nghiệp luôn, sáng trưa chiều. Do đó cũng tạo cho doanh nghiệp cẩn thận hơn, kỹ hơn, và có chia sẻ hơn với ngân hàng", ông Trần Việt Anh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị CTCP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn cho biết.

Doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc cân đối chi phí

Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết phải tính toán đa dạng các nguồn vốn. Đồng thời, lên các kịch bản dự phòng để hạn chế các tác động tiêu cực tới kết quả kinh doanh cả năm.

"Chúng tôi phải lựa chọn chiến lược đầu tư an toàn, thận trọng. Trong đó chúng tôi chỉ tập trung vào những dự án có thể mở rộng mà mang lại doanh thu, lợi nhuận trong vòng 6 tháng, 1 năm chứ không theo đuổi những dự án quá dài hạn. Thứ 2 khi lãi suất tăng như thế này để chúng tôi biết chắc chắn đã xảy ra và cơ sở để đưa vào tính toán dòng chi phí, đầu tư cho các dự án", ông Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Tổng giám đốc GCfood

Nhóm nghiên cứu ngân hàng Maybank vừa đưa ra ước tính, lãi suất tăng có thể làm giảm lợi nhuận khoảng 3%. Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp có thể đạt khoảng 15% trong năm nay.


Cân đối hài hòa giữa lãi suất huy động và cho vay

Sau khi quyết định tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước chính thức có hiệu lực, chiều qua, nhiều ngân hàng đã đồng loạt tăng lãi suất huy động. Theo khảo sát, mức lãi suất chỉ tăng lên tại một vài ngân hàng cổ phần nhỏ, còn đa phần các ngân hàng thương mại lớn đều chưa thay đổi biểu lãi suất huy động, chờ đợi rà soát trước khi quyết định.


"Chúng tôi sẽ cân đối sẽ không tăng bằng mức 1% của Ngân hàng Nhà nước mà theo điều kiện thị trường để xem xét bởi thực tế trong giai đoạn này thanh khoản vẫn đang ổn định", ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank cho biết.

Việc tăng lãi suất cần được tính toán để đảm bảo đủ hấp dẫn người gửi tiền, nhưng cũng phải đủ cạnh tranh khi cho vay. Do đó, để có được mức lãi suất đầu vào bình quân thấp, nhiều ngân hàng đã cắt giảm chi phí, tăng cường số hóa, thu hút các khoản tiền gửi không kỳ hạn có lãi suất thấp từ đó, có điều kiện ổn định lãi suất đầu ra.

"Chúng tôi triển khai đồng loạt các giải pháp để bình ổn lãi suất cho vay như tăng cường các hoạt động dịch vụ, tiết giảm chi phí hoạt động, cơ cấu lại nguồn huy động để giữ được mặt bằng ổn định cho lĩnh vực ưu tiên", bà Phùng Nguyễn Hải Yến - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết.

Các ngân hàng nhấn mạnh việc cân đối hài hòa giữa lãi suất huy động và cho vay

Các ngân hàng cũng khẳng định nếu tăng lãi suất cho vay quá mức sẽ không giữ được khách hàng. Vì thế, việc cân đối hài hòa lợi ích giữa khách hàng và ngân hàng luôn là ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng phát tín hiệu ưu tiên room tín dụng cho những ngân hàng có lãi suất thấp cho sản xuất kinh doanh, nên buộc ngân hàng phải cân nhắc lựa chọn.

Trong định hướng điều hành, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định sẽ tiếp tục điều hành lãi suất, tín dụng phù hợp với diễn biến lạm phát; chỉ đạo tổ chức tín dụng giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất.

Và trong Chỉ thị 15 về các giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng Chính Phủ cũng đã yêu cầu ngành ngân hàng cùng chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp; hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, đẩy nhanh việc triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ giảm 2% lãi suất cho vay.

Chia sẻ Facebook