USD vọt lên cao nhất 20 năm, rúp Nga cao nhất 2 năm, Bitcoin giảm mạnh
USD tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 20 năm trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 4, kết thúc tháng tăng mạnh nhất kể từ 2015 do lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu và Ngân hàng Trung ương Mỹ tích cực thắt chặt tiền tệ - thúc đẩy nhu cầu gia tăng đối với đồng bạc xanh.
Trong phiên 29/4, chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – có lúc tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 20 năm, kết thúc phiên hạ nhẹ nhưng tính chung cả tháng vẫn tăng mạnh nhất trong vòng 7 năm.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 2,4% xuống 2,84% trong phiên này, sau khi đạt mức rất cao, là 2,981% vào ngày 20/4, kết thúc chuỗi 5 tháng tăng liên tiếp.
So với yen Nhật, USD phiên này đạt mức cao nhất trong vòng 20 năm, trong bối cảnh tiền tệ Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi chính sách ôn hòa của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trái ngược hẳn với chính sách ‘diều hâu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). USD cũng đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm so với euro – đồng tiền vốn đã giảm giá mạnh kể từ khi Nga thực hiện "Chiến dịch đặc biệt" ở Ukraine – khiến các nhà đầu tư lo ngại về an ninh năng lượng, lạm phát và tăng trưởng của châu Âu.
Vassili Serebriakov, chiến lược gia tiền tệ của ngân hàng UBS ở New York, cho biết: "Nhìn chung chúng tôi đã thấy sức mạnh của đồng đô la trên diện rộng". "Có một xu hướng chung, liên quan nhiều hơn đến những lo ngại về chu kỳ (thắt chặt tiền tệ) toàn cầu và điều đó giúp đồng USD vượt lên khỏi những tài sản rủi ro. Bên cạnh đó còn có một số xu hướng mang phong cách riêng như tỷ giá USD/JPY."
Thị trường gia tăng lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu khi Trung Quốc siết chặt các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc hôm thứ Sáu (29/4) đã đóng cửa thêm nhiều cơ sở kinh doanh và khu dân cư, với việc các nhà chức trách tăng cường truy vết để ngăn chặn sự bùng phát dịch COVID-19, trong khi thành phố Thượng Hải tiếp tục bị phong tỏa kéo dài một cách bất bình thường – đã khoảng một tháng.
Chỉ số Dollar index (DXY) sáng ngày 29/4 đạt 103,93, mức cao nhất kể từ tháng 12/2002, kết thúc phiên ở mức 103,28. Tính chung cả tháng 4, DXY tăng 5,1%, nhiều nhất kể từ tháng 1/2015.
Đồng yên Nhật kết thúc phiên này ở mức 130,15 JPY/USD, sau khi đạt mức 131,24 JPY trong phiên liền trước (28/4), thấp nhất kể từ tháng 4/2002. Đồng USD đã tăng 7% so với đồng tiền Nhật Bản trong tháng này và là tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2016.
Đồng euro kết thúc phiên ở mức là 1,0523 USD, sau khi giảm xuống 1,0470 USD trong phiên liền trước, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2017. Đồng tiền này đã giảm 4,90% trong tháng này, mức giảm nhiều nhất kể từ tháng 1/2015.
Chứng khoán thế giới tăng trong phiên 29/4, nhưng tính chung cả tháng đã giảm 5,8%, mức giảm hiều nhất trong vòng 2 năm do USD tăng mạnh.
Dữ liệu cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ tháng 3 tăng mạnh hơn dự kiến do nhu cầu trong lĩnh vực dịch vụ tăng mạnh, trong khi lạm phát hàng tháng tăng nhiều nhất kể từ năm 2005.
Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản và công bố kế hoạch giảm bảng cân đối kế toán trị giá 9 nghìn tỷ USD khi kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày vào thứ Tư (4/5) để giải quyết vấn đề lạm phát tăng cao.
Các nhà giao dịch kỳ vọng Fed sẽ nâng lãi suất cho vay lên 2,86% vào cuối năm 2022, từ mức 0,33% hiện nay.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích lưu ý rằng các thị trường đều đã xác định việc Fed sẽ tăng mạnh lãi suất, có nghĩa là thị trường sẽ không bất ngờ khi lãi suất thực sự được điều chỉnh tăng. Điều đó có thể làm giảm lợi suất trái phiếu kho bạc làm chậm lại đà tăng của đồng USD trong tương lai.
Colin Asher, nhà kinh tế cấp cao thuộc Mizuho, cho biết: "Có lẽ đồng USD đạt đạnh ‘đỉnh’", và lưu ý rằng: "Các đợt tăng lãi suất tích cực của Fed đã được dự kiến và có một số lo ngại rằng liệu Fed có thực sự làm tốt như những gì thị trường đang kỳ vọng".
Các thị trường kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 150 điểm cơ bản trong ba cuộc họp tới, vượt xa các ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu.
Đồng bảng Anh kết thúc phiên 29/4 tăng lên 1,2537 USD, sau khi giảm xuống 1,2410 USD ở phiên liền trước - mức thấp nhất kể từ tháng 7 năm 2020. Tính chung cả tháng 4, bảng Anh giảm 4,5%, mức giảm nhiều nhất kể từ tháng 10 năm 2016.
Rúp Nga trong phiên 29/4 tăng lên mức cao nhất trong vòng 2 năm so với euro sau khi Nga cắt giảm lãi suất 300 điểm cơ bản xuống còn 14%.
Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, Alexei Zabotkin, cho biết Nga sẽ dần dần loại bỏ các biện pháp kiểm soát vốn khi rủi ro đối với sự ổn định tài chính giảm dần.
Rúp Nga kết thúc phiên vừa qua tăng 1,2% lên 74,47 RUB/EUR, sau khi có lúc chạm 73,50 RUB, mức cao nhất kể từ tháng 3 năm 2020. So với USD, rúp cũng tăng 1,9% lên 70,74 RUB/USD, sau khi có lúc chạm mức cao nhất trong sáu tháng, là 70,3075 RUB. Trên thị trường liên ngân hàng, đồng rúp chạm mức cao 67,7750.
Lãi suất thấp hơn sẽ hỗ trợ nền kinh tế Nga thông qua việc tiền cho vay rẻ hơn nhưng cũng có thể thúc đẩy lạm phát và khiến đồng rúp dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc từ bên ngoài.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin giảm giá, xuống chỉ khoảng 38.500 USD do nhu cầu đối với tài sản rủi ro nói chung sụt giảm khi USD tăng mạnh.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk