USD tăng vọt lên mức cao nhất 24 năm so với yen Nhật và 37 năm so với bảng Anh, giá vàng biến động mạnh

Chia sẻ Facebook
09/09/2022 10:49:50

Đồng USD tăng lên mức cao nhất trong vòng 24 năm so với yen Nhật và 37 năm so với bảng Anh do chính sách tiền tệ ôn hòa của Nhật Bản và các vấn đề kinh tế của châu Âu tương phản với nền kinh tế Mỹ - tương đối mạnh mẽ cùng quyết tâm hạ nhiệt lạm phát về mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).


USD đã tăng vọt lên 144,99 JPY trong phiên vừa qua, mức cao chưa từng có kể từ năm 1998 (năm 1998 có thời điểm USD đạt 147,43 JPY), kết thúc ngày 7/9 (theo giờ Việt Nam) hạ nhẹ xuống 144,305 JPY, vẫn tăng 1,1% so với đóng cửa phiên liền trước.

Karl Schamotta, chiến lược gia trưởng phụ trách mảng thị trường của Corpay ở Toronto, cho biết: "Đồng đô la là một tảng đá trong biển rắc rối hiện nay, vượt trội so với tất cả các đối thủ lớn của nó do lãi suất của Mỹ tăng và nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi".

"Với việc lạm phát lõi của Mỹ gần như vẫn chưa nhúc nhích và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) không có ý định thay đổi chính sách, chênh lệch lợi suất giữa Mỹ và Nhật đang trở nên ngày càng sâu sắc- làm giảm hơn nữa lợi nhuận từ đồng yen", ông Schamotta nói.

Trong Carry trade (chiến lược giao dịch dựa trên sự chênh lệch lãi suất giữa 2 đồng tiền trong một cặp tỷ giá), các nhà đầu tư vay các loại tiền tệ có năng suất thấp như đồng yen hoặc franc Thụy Sĩ để mua các loại tiền có lợi suất cao hơn như đô la Úc hoặc đô la New Zealand.

USD cũng tăng so với bảng Anh trong phiên vừa qua, có lúc đạt 1.1407 USD/GBP, cao nhất kể từ 1985, kết thúc phiên ở mức tăng 0,8% so với đóng cửa phiên liền trước, đạt 1,1425 USD.

Đồng bảng Anh đã giảm hơn 15% so với USD trong năm nay khiến ngân hàng trung ương Anh "đau đầu" bởi làm tăng chi phí nhập khẩu và có thể gây ra lạm phát nhập khẩu.

Các nhà đầu tư đang bán phá giá các tài sản của Anh trước triển vọng kinh tế ảm đạm và khi USD tăng mạnh. Đồng bảng Anh đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi lạm phát gia tăng, suy thoái kinh tế đang rình rập và lo ngại rằng việc cắt giảm thuế và tăng chi tiêu công dưới thời chính phủ mới có thể làm trầm trọng thêm áp lực giá cả.

Đồng euro vẫn ở dưới mức 99 US cent trong phiên 7/9, mặc dù kết thúc tăng 0,3% lên 0,9930 USD. Trong phiên liền trước (thứ Ba, 6/9), EUR giảm xuống chỉ 0,9864 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm 2002.

Ngân hàng Trung ương châu Âu được cho là có nhiều khả năng không tăng mạnh lãi suất đến mức 75 điểm cơ bản trong ngày thứ Năm (8/9), nhưng những kỳ vọng đó cũng không có tác dụng hỗ trợ đồng tiền chung khi nền kinh tế châu Âu đang suy sụp và Nga quyết định giữ nguyên tình trạng đóng cửa vô thời hạn đường ống dẫn khí chính sang châu Âu - Nord Stream 1.

Ngược lại, báo cáo mới nhất cho thấy ngành dịch vụ của Mỹ bất ngờ khởi sắc trong tháng 8, củng cố quan điểm rằng kinh tế Mỹ không suy thoái.

Cũng vào thứ Tư (7/9), Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lên mức cao nhất trong vòng 14 năm đúng như dự kiến, và cho biết lãi suất chính sách sẽ cần phải tăng cao hơn nữa để chống lại lạm phát đang hoành hành.

Song, bất chấp việc BoC tăng lãi suất, đồng USD vẫn ổn định so với đô la Canada, kết thúc ngày 7/9 tăng 0,1% lên 1,3164 CAD.

Cập nhật tỷ giá hối đoái các tiền tệ chủ chốt.


Có thể nói, trong số những biến động trên thị trường các đồng tiền chủ chốt, ấn tượng nhất lúc này là đồng yen – đã liên tục phá vỡ các ngưỡng thấp gần đây. USD đã tăng 4,2% từ mức 138,96 JPY mới từ cuối tháng 8/2022 đến nay.

Với tỷ giá JPY/USD hiện nay, các nhà phân tích và nhà đầu tư gia tăng suy đoán rằng nhà chức trách Nhật Bản có thể can thiệp để hỗ trợ đồng tiền này.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno trong một cuộc họp báo đã phát biểu rằng Chính phủ muốn thực hiện các bước cần thiết nếu những diễn biến "nhanh chóng, một chiều" trên thị trường tiền tệ còn tiếp diễn. Tuy nhiên, cũng có nhiều nhà phân tích cho rằng việc can thiệp là rất khó khăn.

Rikiya Takebe, chiến lược gia cấp cao của Okasan Securities cho biết: "Các ngân hàng trung ương nước ngoài đang ưu tiên đối phó với lạm phát, và không có khả năng chú ý tới biến động tỷ giá hối đoái".

Đối với những loại tiền khác, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc có lúc đã giảm xuống mức thấp nhất 2 năm, kết thúc ngày 7/9 ở mức gần sát 7 CNY/USD, bất chấp các biện pháp ngăn chặn đà giảm của Chính phủ Trung Quốc.

Trên thị trường nội địa, đồng nhân dân tệ giảm xuống 6.9808 CNY, thấp nhất kể từ tháng 8 năm 2020, trong khi ở nước ngoài, nhân dân tệ thậm chí xuống chỉ 6,997 CNH/USD.

Nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại và dịch COVID-19 một lần nữa bùng phát trở lại, trong khi dữ liệu mới nhất cho thấy thương mại của nước này giảm xuống mức đáng thất vọng.

Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin tiếp tục lao dốc xuống mức thấp nhất kể từ ngày 19 tháng 6, là 18.540 USD, kéo dài chuỗi phiên giảm giá tổng cộng 5% kể từ thứ Ba (6/9).

Lúc lúc kết thúc ngày 7/9 (theo giờ Việt Nam), Bitcoin ở mức 18.917 USD.

Giá Bitcoin ngày 7/9.


Giá vàng đột ngột tăng trong phiên vừa qua bất chấp USD tăng mạnh. Lý do bởi những người săn lùng giá hời đã tận dụng cơ hội giá vàng giảm gần đây để mua vào.

Lúc kết thúc ngày 7/9 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.704,60 USD/ounce, trước đó có lúc xuống 1.690,10 USD, thấp nhất kể từ 1/9. Giá vàng kỳ hạn tháng 12 vững ở 1.713,90 USD.

David Meger, giám đốc giao dịch kim loại của High Ridge Futures cho biết: "Đó là sự kết hợp một chút giữa nhu cầu trú ẩn an toàn và mua khi giá giảm, cùng với những sóng gió từ đồng đô la mạnh hơn và Fed có vẻ cam kết chống lại áp lực lạm phát".

Theo ông Merger: "Vàng gần đây đã hoạt động như một tài sản rủi ro hơn là một nơi trú ẩn an toàn. Vì vậy, câu hỏi đặt ra thực sự là khi nào vàng sẽ lại đóng vai trò trú ẩn an toàn khi chúng ta bắt đầu thấy các nền kinh tế chậm lại do các chính sách tăng lãi suất ngày càng tăng".


Tham khảo: Refinitiv, Coindesk

Chia sẻ Facebook