USD hồi phục, giá vàng lao dốc
Giá vàng trong nước sáng nay (28/10) đi xuống trong bối cảnh giá vàng thế giới không duy trì được đà phục hồi.
Thời điểm 9h35', Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng SJC ở mức 66,02 - 66,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 280.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 210.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua (27/10).
Tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, giá vàng SJC ở thị trường Hà Nội giao dịch ở mức 66,1 - 67,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), cũng giảm 100.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với cuối phiên hôm qua.
Trong khi đó, tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng SJC niêm yết tại thị trường Hà Nội ở mức từ 66,2 - 67,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Giá vàng thế giới giảm
Trên thị trường thế giới, rạng sáng nay, giá vàng giao ngay giảm 4 USD xuống 1.662,1 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 1.668,4 USD/ ounce, giảm 2,6 USD so với rạng sáng ngày trước đó.
Giá vàng đảo chiều giảm do sự phục hồi mạnh của đồng bạc xanh. Cụ thể, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng mạnh 0,78 % và gần chạm mốc 111. Đồng USD được thúc đẩy sau khi dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ công bố cho thấy nền kinh tề đầu tàu thế giới đã chấm dứt 2 quý tăng trưởng âm với mức tăng 2,6% trong quý 3.
Trước đó, động lực mua mới trên thị trường vàng đã đẩy giá vàng lên mức cao nhất trong 2 tuần khi cả đồng USD và lợi suất trái phiếu đều giảm do thị trường tiếp tục thay đổi kỳ vọng về lập trường chính sách tiền tệ tích cực của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Dù vàng có thể sẽ phải gặp khó khăn khi ngân hàng trung ương Mỹ vẫn tiếp tục tăng lãi suất trong ít nhất là quý đầu tiên của năm 2023, Giám đốc điều hành và nhà phân tích kim loại quý Suki Copper tại Standard Charter cho rằng thị trường vẫn được hỗ trợ tốt ở mức giá hiện tại do nhu cầu đối với kim loại quý càng tăng. Ấn Độ đã ghi nhận nhu cầu kỷ lục đối với vàng và bạc trước lễ hội Diwali diễn ra trong tháng này.
Vị chuyên gia này cho rằng mặc dù nhu cầu vật chất tăng mạnh mẽ, nhưng kim loại quý có khả năng sẽ rơi xuống mốc 1.600 USD/ounce. Theo bà, chu kỳ thắt chặt của FED vẫn là cơn gió ngược lớn nhất đối với vàng. Việc FED tăng lãi suất chưa từng có tiếp tục hỗ trợ đồng USD gần mức cao nhất trong 2 thập kỷ, ngay cả khi chịu áp lực bán vào hôm thứ Tư (26/10).
"Nếu cả USD và vàng đều được hưởng lợi từ nhu cầu trú ẩn an toàn, chúng ta có thể thấy cả hai đều tăng. Tuy nhiên, những lo ngại xung quanh tỷ giá cao hơn thực sự đè nặng lên vàng", bà Copper cho biết.
Thị trường vàng đã chứng kiến mức tăng khiêm tốn vào thứ Tư khi các nhà đầu tư thấy khả năng FED sẽ làm chậm tốc độ tăng lãi suất sau tháng 11. Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, động lực vẫn còn mong manh vì thị trường không hoàn toàn tin rằng ngân hàng trung ương Mỹ đang kết thúc chu kỳ thắt chặt của mình.
Theo FedWatch Tool, hiện có 50% khả năng FED sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tháng 12 và 50% xác suất với mức tăng 75 điểm cơ bản.
Dù tốc độ tăng lãi suất có thể chậm lại, nhưng thị trường vẫn cho rằng lãi suất của FED vẫn ở mức cao nhất quanh 5%, đây vẫn là xu hướng giảm giá đối với kim loại quý trong ngắn hạn.
Giá vàng thế giới đã tăng vọt khi đồng USD suy yếu và lợi suất trái phiếu Mỹ giảm.