USD giảm, vàng và các tài sản rủi ro tăng mạnh

Chia sẻ Facebook
03/06/2022 11:52:21

USD giảm khi tâm lý lạc quan đối với những tài sản rủi ro của các nhà đầu tư thúc đẩy họ tìm đến những loại tiền tệ có lợi suất cao.

Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc ngày 2/5 theo giờ Việt Nam giảm 0,4% so với lúc đóng cửa phiên liền trước, xuống mức 102,11, chấm dứt 2 phiên tăng giá trước đó.

Thị trường chứng khoán trên thế giới phần lớn tăng điểm trong phiên này, trái với xu hướng suy yếu trong thời gian gần đây, do nhà đầu tư đặt cược vào việc Saudi Arabia có thể thúc đẩy sản xuất dầu thô để hạ nhiệt giá xăng dầu trên toàn cầu, giúp giảm bớt lo ngại về lạm phát và tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ.

John Doyle, Phó chủ tịch của Monex USA cho biết: "Có một vài yếu tố tác động đến đồng bạc xanh ngày hôm nay, nhưng chủ yếu là tâm lý chấp nhận rủi ro".

Các thông tin cho biết Saudi Arabia có thể bơm thêm dầu, và Trung Quốc sẽ giảm bớt một số hạn chế chống COVID đang giúp củng cố tâm lý chấp nhận rủi ro của các nhà đầu tư, làm giảm lợi thế nơi trú ẩn an toàn của đồng bạc xanh.

Theo đó, giá dầu lúc mở cửa giảm mạnh, nhưng hồi phục nhanh sau đó, khi OPEC + đồng ý tăng sản lượng dầu thô để bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng của Nga.

Tại Trung Quốc, thành phố Thượng Hải đã "hồi sinh" trở lại từ thứ Tư (1/5) sau hai tháng cách ly bởi chính sách phong tỏa nghiêm ngặt chống COVID-19, với các cửa hàng ngay lập tức đã mở cửa trở lại, người dân cũng quay trở lại văn phòng, công viên, chợ búa…

Đồng USD trong phiên vừa qua không được hỗ trợ nhiều từ dữ liệu về bảng lương của lĩnh vực tư nhân Mỹ, với số lượng việc làm trong lĩnh vực này tháng 5/2022 tăng ít hơn nhiều so với dự kiến, cho thấy nhu cầu lao động bắt đầu chậm lại trong bối cảnh lãi suất tăng cao dần và điều kiện tài chính ngày càng bị thắt chặt, mặc dù tỷ lệ công việc đang được tuyển dụng vẫn ở mức rất cao.

Dữ liệu Báo cáo Việc làm Quốc gia Mỹ cho thấy số việc làm trong lĩnh vực tư nhân đã tăng 128.000 việc trong tháng 5 so với dự báo là tăng 300.000 việc.

Các loại tiền tệ rủi ro hơn, bao gồm đồng AUD của Australia và NZD của New Zealand đều tăng so với USD trong phiên vừa qua, với mức tăng lần lượt là 0,74% và 0,66%.

Đồng đô la Canada (CAD) cũng tăng so với đồng bạc xanh, một ngày sau khi Ngân hàng Trung ương Canada tăng lãi suất và mở ra cơ hội tăng lãi suất thậm chí còn nhanh hơn nữa trong thời gian tới.

Đồng franc Thụy Sĩ tăng hơn 0,2% so với đồng USD sau khi giá cả ở Thụy Sĩ tháng 5/2022 tăng mạnh nhất trong vòng 14 năm, đưa nước này trở thành quốc gia mới nhất bị ảnh hưởng bởi chi phí nhiên liệu và thực phẩm đắt đỏ - đang ảnh hưởng đến các nền kinh tế trên toàn thế giới.

Rúp Nga quay đầu giảm xuống mức 62 rúp ăn một USD khi thị trường tập trung vào một vòng trừng phạt mới của Mỹ đối với Nga, với các mục tiêu bao gồm 17 cá nhân, 16 thực thể, 7 tàu và 3 máy bay.

Theo đó, rúp Nga giảm 0,6% so với USD vào lúc kết thúc ngày 2/6 theo giờ Việt Nam, xuống 61,65 RUB/USD, đồng thời cũng giảm 1,7% so với euro, xuống 65,48 RUB/EUR.

Tại Châu Á, tiền tệ đồng loạt giảm giá so với USD trong phiên vừa qua, dẫn đầu là đồng won Hàn Quốc.

Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng giảm khi các nhà đầu tư kỳ vọng lượng tiền ngân hàng trung ương nước này bơm ra thị trường trong tháng 6 sẽ tăng mạnh, khi chính quyền các địa phương đẩy mạnh phát hành trái phiếu để hỗ trợ nền kinh tế.

Trước khi mở cửa thị trường, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đặt tỷ giá tham chiếu của nhân dân tệ là 6,7095 CNY/USD, giảm 444 pip (0,7%) so với phiên liền trước.

Trên thị trường giao ngay, đồng nhân dân tệ nội địa kết thúc phiên giảm 126 pip xuống 6,6984 CNY.

Các nhà phân tích dự đoán đồng nhân dân tệ có thể giảm giá thêm nữa do ngân hàng trung ương cần bơm thêm tiền để bù đắp chênh lệch thanh khoản sau khi nội các công bố một loạt các biện pháp kích thích chính sách để hỗ trợ nền kinh tế.

"Việc phát hành trái phiếu chính phủ có thể đạt đỉnh vào tháng 6", các nhà phân tích của OCBC Wing Hang Bank cho biết, với nhận định đợt phát hành tiền tệ như vậy có thể buộc PBOC cung cấp tiền mặt thông qua các khoản vay chính sách trung hạn hoặc bằng cách cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng. PBOC có thể chấp nhận bất kỳ mức suy yếu nào của đồng nhân dân tệ, các nhà phân tích của OCBC Wing Hang Bank nói thêm.

Các tỉnh của Trung Quốc đang chạy đua để phát hành khoảng 225 tỷ USD trái phiếu vào tháng 6, tăng cường đầu tư để vực dậy nền kinh tế bị tổn thất bởi COVID ngay cả khi các cố vấn chính sách tăng cường kêu gọi phát hành thêm nợ trong nửa cuối năm.

Ming Ming, nhà kinh tế trưởng của CITIC Securities, cho biết: "Nhìn chung, từ góc độ tài chính, tổng tài chính ròng của nợ chính phủ có khả năng đạt 1,7 nghìn tỷ nhân dân tệ vào tháng 6".

Các nhà giao dịch tiền tệ cho biết một số người tham gia thị trường đã chốt lời ở các vị thế mua đồng đô la dài hạn của họ khi đồng nhân dân tệ suy yếu vượt qua ngưỡng quan trọng 6,7 CNY/USD – yếu tố giúp hạn chế mức giảm giá của đồng nhân dân tệ.

Một số người khác cho biết họ sẽ cân bằng vị thế của mình trước kỳ nghỉ cuối tuần dài ngày, khi thị trường tài chính Trung Quốc đóng cửa từ thứ Sáu (3/6) trong kỳ nghỉ Lễ hội Thuyền Rồng kéo dài ba ngày. Thị trường sẽ mở cửa trở lại vào thứ Hai (6/6).

Cập nhật tỷ giá tiền tệ châu Á.


Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin kết thúc ngày 2/6 theo giờ Việt Nam gần như ngang bằng so với cuối phiên trước đó, sau khi có lúc giảm 6% trong bối cảnh đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới theo giá trị thị trường tiếp tục chật vật vượt qua áp lực bán ra - đã "vùi dập" đồng tiền này trong những tuần gần đây.

Giá Bitcoin ngày 2/6.


Giá vàng tăng hơn 1% trong phiên vừa qua do USD yếu đi và dữ liệu cho thấy số việc làm trong lĩnh vực tư nhân Mỹ ít hơn dự đoán.

Giá vàng giao ngay lúc kết thúc phiên 2/6 theo giờ Việt Nam tăng 1,2% lên 1.867,60 USD/ounce, trong phiên có lúc tăng lên mức cao nhất trong vòng một tuần; vàng kỳ hạn tháng 8 cũng tăng 1,2% lên 1.870,20 USD.

Ryan McKay, chiến lược gia hàng hóa của công ty TD Securities, cho biết: "(Dữ liệu việc làm) đang thực sự làm dấy lên những lo ngại về suy thoái (ở nền kinh tế Mỹ) đang ảnh hưởng đến thị trường và hỗ trợ vàng".

Theo ông McKay: "Một bộ phận các nhà đầu tư và thương nhân đang bắt đầu đặt câu hỏi liệu Cục Dự trữ Liên bang có thực sự sẵn sàng tỏ ra ‘diều hâu’ như đã được dự đoán hay không."

Trong nước, giá vàng ngày 2/6 cũng đi lên, với mức tăng khoảng 50.000 - 100.000 đồng/lượng vào cuối phiên. Theo đó, tại Tập đoàn Doji và hệ thống PNJ, giá vàng SJC cuối phiên tăng đồng loạt 100.000 đồng/lượng theo chiều mua vào và chiều bán ra; tại Tập đoàn Phú Quý, giá tiếp tục tăng thêm 50.000 đồng/lượng đối với hai chiều mua bán; trong khi đó tại Bảo Tín Minh Châu, vàng SJC ghi nhận có mức tăng 60.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 70.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.


Tham khảo: Refinitiv, Coindesk

Chia sẻ Facebook