USD giảm mạnh, vàng, Bitcoin và các tiền tệ khác đồng loạt tăng mạnh

Chia sẻ Facebook
10/09/2022 08:13:56

USD đã quay đầu giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 1 tuần khi các nhà đầu tư bán chốt lời sau khi giá USD tăng mạnh so với hầu hết các loại tiền tệ khác, trước khi Mỹ công bố dữ liệu lạm phát – có thể giúp xác định quy mô tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong kỳ họp tháng này.


Chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc ngày 9/9 theo giờ Việt Nam giảm 0,5% xuống 108,86, trước đó có lúc chạm 108,35 – mức thấp nhất trong vòng hơn một tuần.

Greg Anderson, trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ toàn cầu của BMO Capital Markets (ở New York), cho biết: "Thị trường đang có một chút lo lắng về các mốc giá "lịch sử", thực sự mang tính lịch sử. Do đó, thị trường quyết định không thúc đẩy đồng USD gia tăng sức mạnh hơn nữa ở thời điểm này".

Theo ông Anderson: "Có lẽ USD sẽ duy trì ở mức hiện tại hoặc chỉ biến động nhẹ cho đến khi diễn ra cuộc họp của FOMC (Ủy ban Thị trường Mở Liên bang của Fed). Thị trường đã xem xét mọi thứ trong đêm qua và quyết định rằng đây là một điểm phù hợp để chốt lời, cân bằng các vị thế, và qua trình đó đã đẩy DXY giảm xuống. Nhưng đây không phải là sự đảo ngược xu hướng gia tăng sức mạnh của đồng USD".

Simon Harvey, người phụ trách bộ phận phân tích tiền tệ của Monex Europe cho biết: "Cuối cùng chúng tôi cũng thấy các ngân hàng trung ương đang đẩy lùi câu chuyện về đồng đô la mạnh hơn này và chúng tôi bắt đầu thấy các cơ quan tài chính phản ứng với các nguyên nhân của điều đó, đặc biệt là ở châu Âu".

Trong số các đồng tiền tăng giá mạnh mẽ ở phiên cuối tuần (thứ Sáu, ngày 9/9), đồng euro có lúc tăng 1,2% lên mức cao nhất trong ba tuần, là 1,0114 USD/EUR, một ngày sau khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) tăng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm cơ bản, mức tăng mạnh chưa từng có. Kết thúc phiên, EUR vẫn tăng 0,5% lên 1,0048 USD.

Samy Chaar, nhà kinh tế trưởng của Lombard Odier, cho biết: "Chúng tôi tin các lợi suất ở châu Âu sẽ tiếp tục được hỗ trợ tích cực sau khi ECB tăng lãi suất mạnh mẽ đúng như dự kiến. Mặt khác, lợi suất ở ở Mỹ đang chậm lại". "Đó có lẽ là lý do khiến USD giảm xuống".

Châu Âu vẫn phải đối mặt với triển vọng kinh tế yếu kém, với giá năng lượng cao ngất ngưởng đang gây áp lực nặng nề lên người tiêu dùng và doanh nghiệp. Hôm thứ Sáu (9/9), các bộ trưởng năng lượng của Liên minh châu Âu đã chia rẽ về việc có nên giới hạn giá khí đốt của Nga hay không, khi họ gặp nhau để tìm ra các giải pháp bảo vệ người dân trong bối cảnh giá năng lượng tăng mạnh gần đây.

Thị trường hiện dự đoán có 87% khả năng Fed sẽ không tăng lãi suất mạnh tới mức 75 điểm cơ bản như ECB trong kỳ họp tháng này. Dữ liệu về giá tiêu dùng của Mỹ công bố vào tuần tới có thể sẽ cho thấy Fed sẽ hành động như thế nào. Do đó, dữ liệu này đang được thị trường theo dõi rất sat sao.

Những loại tiền tệ được coi là có nhiều rủi ro cũng được hưởng lợi khi tâm lý của các nhà đầu tư được cải thiện – thể hiện qua việc các thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ đều tăng.

Đồng bảng Anh đã tăng 0,8% trong phiên vừa qua, lên 1,1584 USD/GBP, sau khi giảm nhẹ ở phiên liền trước. Ngân hàng Trung ương Anh hôm thứ Sáu cho biết họ sẽ hoãn một tuần cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo để để tang Nữ hoàng.

Đồng bảng Anh vừa trải qua một tuần đầy biến động, có lúc chạm mức thấp nhất 35 năm, không lâu sau đã tăng vọt trong phiên 9/6, sau khi nước Anh có một Thủ tướng mới và Nữ hoàng Elizabeth của Anh từ trần. Nữ hoàng Elizabeth từ trân hôm thứ Năm đã làm gia tăng tình trạng bất ổn trong các vấn đề mà nước Anh đang phải đối mặt.

Thủ tướng mới của Anh, Liz Truss, đã công bố rộng rãi các kế hoạch của Chính phủ, trong đó có việc giới hạn hóa đơn năng lượng tiêu dùng trong vòng 2 năm và hỗ trợ hàng tỷ USD cho các công ty điện. Các nhà đầu tư vẫn đang chờ xem chi tiết cụ thể về kế hoạch sẽ như thế nào, cũng như xem bà Truss và chính phủ mới của bà sẽ xử lý như thế nào với tình huống rất khó khăn với lạm phát gia tăng và nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.

Đồng yen Nhật Bản vừa trải qua phiên tăng mạnh mẽ nhất trong vòng một tháng, khi tăng 1,2% lên 142,34 JPY/USD, hồi phục từ mức thấp nhất trong 24 năm chạm tới ở phiên liền trước.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, Haruhiko Kuroda, hôm thứ Sáu, sau cuộc gặp với Thủ tướng Fumio Kishida cho biết đồng yên tăng nhanh là điều không mong muốn.

Đồng đô la Úc cũng vừa trải qua một phiên tăng giá mạnh mẽ nhất trong vòng một tháng, tăng 1,5% so với USD, lên 0,6850 USD. Đồng tiền này cugnx hồi phục từ mức rất thấp ở những phiên gần đây.

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tiếp tục tăng trong phiên thứ Sáu do USD giảm. Trên thị trường giao ngay tại Trung Quốc, đồng nhân dân tệ phiên vừa qua tăng 169 pip, hay 0,24%, tăng 0,24% so với đóng cửa cuối phiên trước đó, lên 6,9394 CNY/USD. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, CNY vẫn giảm.

Cập nhật tỷ giá các tiền tệ chủ chốt.


Ngay cả tiền điện tử cũng tăng giá trong phiên vừa qua, vượt 20.000 USD, khi USD giảm, với Bitcoin kết thúc ngày 9/9 theo giờ Việt Nam tăng gần 9% lên 21.033 USD, phiên tăng mạnh nhất kể từ cuối tháng 2. Trong phiên liền trước, Bitcoin giảm xuống chỉ 18.540 USD. Đồng ether phiên này cũng tăng hơn 5%b lên mức cao nhất trong 3 tuần, là 1.746 USD.

Giá Bitcoin ngày 9/9.


Giá vàng tăng trong phiên cuối tuần do USD yếu đi, mặc dù triển vọng Fed tăng lãi suất ngăn giá vàng tăng mạnh.

Lúc kết thúc ngày 9/9 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.712,69 USD/ounce, trước đó có lúc giá tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 30/8, là 1.729,29 USD. Giá vàng giao tháng 12 cũng tăng 0,2% lên 1.723,60 USD.

Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao của Kitco Metals cho biết: "Chỉ số đô la Mỹ thực sự giảm mạnh qua đêm và điều đó đã hỗ trợ thị trường vàng và bạc".

Tuy nhiên, nhà phân tích độc lập Ross Norman cho biết thị trường vàng tiếp tục chứng kiến sự giảm chậm và ổn định của các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) và khối lượng giao dịch trên thị trường kỳ hạn của Mỹ tiếp tục suy yếu, cho thấy mức tăng khó có thể được duy trì".


Tham khảo: Refinitiv, Coindesk

Chia sẻ Facebook