USD giảm mạnh đẩy chứng khoán, Bitcoin tăng mạnh, vàng cũng đi lên

Chia sẻ Facebook
31/05/2022 08:39:42

USD tiếp tục trượt dốc khi các nhà đầu tư thay đổi “khẩu vị” hướng tới những tài sản rủi ro cao sau những dữ liệu kinh tế khả quan của Mỹ trong bối cảnh các nhà đầu tư đặt cược rằng ngân hàng trung ương nước này sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ với tốc độ chậm lại.

Chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt của Mỹ - đang trên đà kết thúc tháng giảm đầu tiên trong năm nay do sức hấp dẫn của đồng tiền trú ẩn an toàn giảm dần.

Sau khi tăng trưởng mạnh trong những tháng đầu năm nay, DXY, kết thúc tháng 5 ước tính giảm 1,5%, mặc dù so với đầu năm hiện vẫn cao hơn khoảng 6%. Kết thúc ngày 30/5 theo giờ Việt Nam, DXY giảm 0,2% so với phiên liền trước, xuống 101,510.

DXY đang thấp nhất 5 tuần.


Dữ liệu mới nhất cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ tháng 4 đã tăng mạnh hơn dự kiến ​​ do các hộ gia đình tăng cường mua hàng hóa và dịch vụ, và lạm phát đã tăng chậm dần lại khiến nhiều người kỳ vọng lạm phát của Mỹ đã đạt đỉnh.

Theo nhận định của các nhà phân tích, những dữ liệu này rất đáng khích lệ, có thể giúp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thận trọng hơn trong việc tăng lãi suất – yếu tố đang làm suy yếu đồng USD.

Thị trường chứng khoán thế giới đồng loạt tăng điểm trong ngày thứ Hai (30/5) khi Trung Quốc nới lỏng các hạn chế chống COVID-19 đồng thời đưa ra những biện pháp kích thích kinh tế mới, giúp kéo dài đà tăng của thị trường chứng khoán – đã có từ tuần tước.

Chỉ số chứng khoán MSCI toàn cầu phiên 30/5 đạt mức cao nhất trong vòng hơn 4 tuần, sau khi tăng 0,55% lên 656,4 điểm, được hỗ trợ bởi một phiên giao dịch tích cực ở châu Âu và tăng mạnh châu Á, với chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,3%, trong khi Nikkei của Nhật Bản tăng 2,2% và blue chip của Trung Quốc tăng 0,7%. Trong tháng 5 này, MSCI toàn cầu đã tăng 0,5%, mức tăng không đáng kể, nhưng rất đáng chú ý bởi chỉ số này đã giảm mạnh kéo dài gần suốt tháng.

Các tài sản rủi ro cao càng trở nên hấp dẫn sau thông tin chính quyền thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) sẽ hủy bỏ những hạn chế đối với các doanh nghiệp, cho phép trở lại hoạt đông từ thứ Tư tuần này (1/6), dần tiến tới kết thúc đợt phong tỏa kéo dài đã 2 tháng.

Các nhà đầu tư bắt đầu kỳ vọng Fed sau khi tăng mạnh lãi suất vào tháng 6 và 7/2022 thì sẽ giảm tốc độ thắt chặt tiền tệ.

Nhà phân tích Arne Petimezas của AFS Group ở Amsterdam cho biết: "Khả năng Fed tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất đang tạo ra điều kỳ diệu cho mọi thứ, từ cổ phiếu đến trái phiếu và - thật không may - cả hàng hóa".

Ông nói thêm: "Trong vài tuần qua, nhiều người đã loại bỏ khả năng Fed sẽ nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong kỳ họp sắp tới. Dự đoán, Fed sẽ chuyển hướng sang giảm tỷ lệ tăng lãi suất sau kỳ họp ở Jackson Hole vào tháng 8".

Tâm trạng thị trường ổn định hơn đã khiến nhu cầu đối tới USD – đồng tiền trú ẩn an toàn – sụt giảm, trong khi đồng euro được thúc đẩy tăng gía bởi những bình luận với giọng điệu rất ‘diều hâu’ từ các quan chức Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), những người đã đưa ra tín hiệu tăng lãi suất ngay từ đầu tháng Bảy.

Đồng euro đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 5 tuần, kết thúc ngày 30/5 theo giờ Việt Nam tăng 0,35% lên 1,0764 EUR, sau khi tăng 1,6% vào tuần trước.

Nhà phân tích Zach Pandl của Goldman Sachs cho biết: "Dữ liệu kinh tế của Mỹ có vẻ đang chậm lại, trong khi các quan chức ECB đang tranh luận về việc tăng lãi suất đợt đầu thậm chí còn nhanh hơn và chênh lệch tỷ giá trước mắt đã bắt đầu có lợi cho đồng euro".

"Nền kinh tế Mỹ chậm lại nhiều - nếu không phải do sự suy yếu tương tự ở châu Âu - có thể dẫn đến việc đồng euro hồi phục mạnh, mặc dù cũng có khả năng xảy ra điều ngược lại nếu dữ liệu của Mỹ cho thấy nền kinh tế này duy trì đà tăng tốt hơn dự kiến". "Chúng tôi nhận thấy có nguy cơ tăng trưởng kinh tế của Mỹ đang chậm lại và đã khuyến nghị các nhà đầu tư lựa chọn các đồng tiền khác, chẳng hạn như đồng yen Nhật để thể hiện quan điểm này", ông Pandl nói thêm.

Điều đó cho thấy những dữ liệu Mỹ sẽ công bố trong tuần này là rất quan trọng, bao gồm kết quả khảo sát của ISM về sản xuất, sẽ công bố vào thứ 4 (1/6) và dữ liệu việc làm tháng 5, sẽ công bố vào thứ Sáu (3/6).

Thị trường dự báo số việc làm ở Mỹ tháng 5 sẽ tăng thêm 320.000 người, mặc dù con số này đó thấp hơn so với tháng 4, và tỷ lệ thất nghiệp sẽ là 3,5%.

Cơ hội để Fed bớt hiếu chiến hơn là khi lợi suất trái phiếu ​​Kho bạc Mỹ phục hồi. Hiện lợi suất này đang ở mức thấp nhất trong sáu tuần, là 2,743%, giảm xa khỏi mức đỉnh cao 3,203% vào ngày 9/5.

Nhân dân tệ của Trung Quốc phiên vừa qua có lúc đạt mức cao nhất 5 tuần, là 6,654 CNY/USD, kết thúc phiên vẫn tăng 0,3% so với phiên liền trước do USD yếu đi trong khi các nhà đầu tư đặt cược vào việc Trung Quốc sẽ nhanh chóng nới lỏng các biện pháp chống Covid.

Tuy nhiên, đồng tiền Trung Quốc vẫn trên đà giảm tháng thứ ba liên tiếp, đây sẽ là chuỗi ngày dài nhất kể từ nửa đầu năm 2019. Ngay cả khi đồng bạc xanh đã suy yếu từ mức cao nhất trong 20 năm vào đầu tháng này, đà tăng của đồng nhân dân tệ vẫn bị cản trở bởi các đợt phong tỏa chống COVID làm gián đoạn hoạt động của nhà máy và làm tê liệt trung tâm tài chính của đất nước - Thượng Hải.

Tỷ giá đô la Mỹ / nhân dân tệ trên thị trường quốc tế.


Bitcoin tăng mạnh trong phiên vừa qua, chính thức vượt ngưỡng 30.000 USD, có lúc gần chạm 31.000 USD, do thị trường tài sản rủi ro – từ chứng khoán đến hàng hóa – tăng giá.

Giá bitcoin ngày 30/5.


Giá vàng phiên này cũng tăng do USD yếu đi làm tăng sức hấp dẫn cho vàng. Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 30/5 theo giờ Việt Nam tăng 0,2% lên 1.856,35 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 6 tăng 0,2% lên 1.861,10 USD/ounce.

Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA cho biết: "Nếu những lo ngại về kinh tế tiếp tục đè nặng lên lợi suất trái phiếu, vàng có thể tăng giá một lần nữa, với mốc đầu tiên sẽ là 1.870 USD, và sau đó là 1.900 USD".


Tham khảo: Refinitiv, Coindesk

Chia sẻ Facebook