USD giảm, Bitcoin tăng, vàng biến động mạnh trước kỳ họp tháng 11 của Fed
USD giảm trong phiên thứ Ba (1/11) do dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ báo hiệu việc giảm tốc độ thắt chặt tiền tệ tại cuộc họp sắp tới để đánh giá lại tác động của việc tăng lãi suất đối với nền kinh tế.
Các nhà đầu tư nhận định Fed trong tuần này sẽ nâng lãi suất tham chiếu qua đêm thêm 75 điểm cơ bản lên biên độ 3,75% - 4,00%, lần tăng mạnh thứ tư liên tiếp.
Nhưng đối với kỳ họp tháng 12, thị trường nhận định có 57% khả năng Fed sẽ nâng lãi suất thêm 50 điểm phần trăm trong bối cảnh các quan chức Fed đề xuất khả năng giảm tốc độ thắt chặt tiền tệ. Tỷ lệ đó đã giảm so với mức 70% đưa ra hôm 28/10.
Karl Schamotta, trưởng bộ phận chiến lược thị trường của Corpay ở Toronto, cho biết: "Các thị trường đang hy vọng (Chủ tịch Fed) Jerome Powell sẽ sớm mặc trang phục ông già Noel, báo hiệu tốc độ tăng lãi suất chậm lại trong những tháng tới".
Ông nói thêm rằng: "Các nhà giao dịch đặt mục tiêu nới lỏng các điều kiện tài chính toàn cầu là mua cổ phiếu, hàng hóa và tiền tệ nhạy cảm với rủi ro, và thoát ra khỏi những tài sản an toàn như USD và trái phiếu kho bạc Mỹ".
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng sẽ họp trong tuần này và dự kiến cũng sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong tháng 11, và cũng kỳ vọng BoE sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất xuống 50 điểm cơ bản trong kỳ họp tháng 12.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – lúc kết thúc ngày 1/11 theo giờ Việt Nam giảm 0,3% xuống 111,23, sau khi tăng 0,79% hôm thứ Hai (31/10).
So với yen Nhật, USD giảm 0,5% xuống 147,97 JPY/USD.
Đồng bảng Anh GBP đã tăng 0,4% lên 1,1505 USD trong phiên vừa qua, sau khi giảm hơn 1% vào thứ Hai. Đồng euro EUR tăng 0,3% lên 0,9907 USD.
Chỉ số Dollar index đã tăng hơn 15% trong năm nay do Fed tăng lãi suất mạnh mẽ, tăng vượt lên trên các đồng tiền khác và gây áp lực lên nền kinh tế toàn cầu.
Do đó, các nhà đầu tư đã hưởng ứng với những bài phát biểu và phỏng vấn của một số quan chức Fed cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể thực hiện các đợt tăng lãi suất nhỏ hơn sau cuộc họp hôm thứ Tư (2/11).
Joseph Kalish, chiến lược gia trưởng phụ trách về vĩ mô toàn cầu của Ned Davis Research cho biết: "Mặc dù Fed có thể thảo luận về việc giảm tốc độ tăng lãi suất tại cuộc họp tháng 12, nhưng ông Powell có thể sẽ tránh cam kết trước một hành động như vậy vào thời điểm này". "Ông ấy sẽ nhắc lại việc Fed sẽ phụ thuộc vào dữ liệu và sẽ chỉ đưa ra quyết định sau các cuộc họp."
Các nhà đầu tư cũng không quên rằng lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, sau khi dữ liệu hôm 1/11 cho thấy giá tại khu vực đồng euro trong tháng 10 tăng mạnh nhất trong năm nay (so với cùng kỳ).
Đô la Úc và đô la New Zealand – vốn nhạy cảm với rủi ro - đã tăng từ mức thấp nhất trong một tuần giữa bối cảnh tâm lý thị trường tăng mạnh. Đồng đô la Úc kết thúc phiên tăng nehj lên 0,64 USD, trong khi đồng đô la New Zealand tăng 0,5% lên 0,54 USD.
Tuy nhiên, đồng đô la Úc đã giảm giá sau khi Ngân hàng Dự trữ Úc quyết định tăng lãi suất với tốc độ chậm hơn 1/4 điểm, mặc dù lạm phát bất ngờ tăng vọt lên mức cao nhất 32 năm trong quý 3/2022.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất gần 15 năm so với đồng đô la vào thứ Ba, trước khi hồi phục nhẹ về cuối phiên sau khi ngân hàng trung ương nước này ấn định tỷ giá tham khảo ở mức thấp, 7,2081 CNY/USD lần đầu tiên kể từ ngày 24 tháng 1 năm 2008 và yếu hơn 0,43% so với mức ấn định trước đó là 7.1768.
Các nhà giao dịch tiền tệ coi việc nhân dân tệ phá ngưỡng quan trọng 7,2 CNY như một dấu hiệu cho thấy các cơ quan chức năng cảm thấy thoải mái với sự suy yếu hơn nữa của đồng tiền này.
Trên thị trường quốc tế, nhân dân tệ kết thúc phiên 1/11 giảm 0,5% xuống 7.2979 CNH/USD.
Trên thị trường nội địa, đồng nhân dân tệ kết thúc phiên ở mức 7,3280 CNY/USD, mức thấp nhất kể từ ngày 26 tháng 12 năm 2007.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin tăng trong phiên 1/11 giữa bối cảnh USD yếu đi và các tài sản rủi ro cao trở nên hấp dẫn. Bitcoin đang dao động gần mức cao nhất trong một tháng, khoảng 20.500 USD, và tăng hơn 5% vào tuần trước.
Sau nhiều tháng dao động ở mức thấp kỷ lục, đồng Bitcoin có vẻ đang muốn tách khỏi thị trường chứng khoán. Mức tăng giá hơn 5% của Bitcoin trong tuần qua vượt trội so với mức tăng 2% của chỉ số Nasdaq.
Tiền điện tử, có mối tương quan chặt chẽ với các cổ phiếu công nghệ trong phần lớn thời gian của năm 2022, đang thực hiện một trong những nỗ lực mạnh mẽ nhất: tách ra khỏi cái bóng của thị trường cổ phiếu.
Tương quan trong vòng 30 ngày của Bitcoin với Nasdaq đã giảm xuống 0,26 vào tuần trước, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 1, trong đó thước đo bằng 1 cho thấy hai tài sản đang có tương quan chặt chẽ với nhau.
Giá vàng phiên vừa qua dao động mạnh, tăng vào đầu phiên nhưng sau đó giảm khi dữ liệu việc làm của Mỹ mạnh mẽ làm dấy lên lo ngại rằng Fed sẽ giữ vững lập trường thắt chặt tiền tệ tích cực thêm một thời gian nữa.
Sau khi tăng 1,5% lúc đầu phiên, giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 1/11 theo giờ Việt Nam chỉ còn tăng 0,7% lên 1.645,25 USD/ounce; giá vàng kỳ hạn tháng 12 tăng 0,4% lên 1.647,00 USD.
Dữ liệu cho thấy tỷ lệ việc làm của Mỹ bất ngờ tăng trong tháng 9, cho thấy nhu cầu lao động vẫn mạnh bất chấp việc Fed tăng lãi suất nhanh chóng.
Tai Wong, một nhà giao dịch cấp cao thuộc Heraeus Precious Metals ở New York, cho biết dữ liệu việc làm mạnh mẽ có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ ôn hòa của Fed vào tháng 12.
Giá vàng đã giảm khoảng 21% kể từ khi tăng vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce vào tháng 3, do Fed tăng lãi suất nhanh chóng.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk