USD bật tăng sau báo cáo việc làm của Mỹ, Bitcoin chật vật tìm đáy
USD tăng trở lại trong phiên 3/6 sau khi báo cáo về thị trường việc làm của Mỹ tốt hơn mong đợi, cho thấy thị trường lao động trong tình trạng thắt chặt có thể khiến ngân hàng trung ương nước này tăng lãi suất.
Bộ Lao động Mỹ vừa công bố báo cáo về tình hình thị trường việc làm của nước này – thông tin được thị trườn theo dõi chặt chẽ - cho thấy số việc làm trong tháng 5 đã tăng 390.000 việc, cao hơn nhiều so với mức tăng 325.000 việc trong kết quả thăm dò của hãng tin Reuters.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – lúc kết thúc ngày 3/6 theo giờ Việt Nam tăng 0,2% lên 101,91, trước đó trong cùng phiên có lúc tăng tới 102,19, ngay sau khi Mỹ công bố báo cáo về việc làm.
Michael Pearce, nhà kinh tế cấp cao của Capital Economics (Mỹ), cho biết số liệu việc làm tăng cao hơn dự đoán là một dấu hiệu nữa cho thấy nền kinh tế vẫn đang mạnh mẽ, trong khi tăng trưởng tiền lương đang bắt đầu ở mức vừa phải trong bối cảnh lực lượng lao động phục hồi trở lại.
"Tuy nhiên, với mức tăng trưởng tiền lương vẫn cao hơn tỷ lệ phù hợp với mục tiêu lạm phát 2% của Fed (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ), điều đó sẽ không ngăn được Fed tiếp tục tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong một hoặc hai cuộc họp tiếp theo", ông Pearce nói.
Fed đã tăng lãi suất thêm 3/4 điểm phần trăm trong năm nay và hầu hết các nhà hoạch định chính sách của Fed đều ủng hộ việc tăng lãi suất thêm 1/2 điểm phần trăm nữa tại mỗi cuộc họp trong hai cuộc họp tiếp theo của họ.
Gọi lạm phát cao là "thách thức số một" của ngân hàng trung ương Mỹ, Phó Chủ tịch Fed, Lael Brainard, hôm thứ Năm (2/6) cho biết bà ủng hộ ít nhất một vài đợt tăng lãi suất nửa điểm phần trăm nữa, và thậm chí nhiều hơn thế nữa nếu áp lực tăng giá không giảm bớt.
Về phía các nhà đầu tư, họ có quan điểm trái chiều về đồng bạc xanh – loại tiền hiện vẫn có giá xấp xỉ mức cao nhất trong hai thập kỷ so với rổ các tiền tệ đối tác chủ chốt.
Các nhà phân tích lạc quan cho rằng chu kỳ thắt chặt tiền tệ của Fed dựa trên ‘câu chuyện’ tăng trưởng của Mỹ mạnh hơn của châu Âu, đặc biệt là sau khi EU cấm vận dầu mỏ của Nga - có thể gây tổn hại cho nền kinh tế khu vực đồng euro.
So với yen Nhật, USD lúc kết thúc ngày 3/6 theo giờ Việt nam tăng 0,5% lên mức cao nhất trong vòng hơn 3 tuần, là 130,46 JPY, không xa mấy so với mức cao nhất trong vòng 2 thập kỷ đạt được vào tháng 5, khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) mắc kẹt với lập trường chính sách lãi suất siêu thấp.
Thống đốc BoJ, Haruhiko Kuroda - người đã nhiều lần cho biết ngân hàng trung ương Nhật sẽ không quay trở lại việc kích thích tiền tệ mạnh mẽ để chống lại lạm phát gia tăng gần đây. Ông cho rằng giá hàng hóa tăng mạnh – chủ yếu do giá dầu thô tăng cao – có thể chỉ là tạm thời, và ông không mong muốn giá tăng quá nhiều khi mà tăng trưởng thu nhập của các hộ gia đình Nhật Bản vẫn chưa hồi phục đầy đủ.
Đồng rúp Nga vững chắc bất chấp diễn biến cuộc xung đột với Ukraine tiêu cực, vì đồng tiền này tiếp tục được thúc đẩy bởi các biện pháp kiểm soát vốn mà Nga áp đặt để bảo vệ hệ thống tài chính của họ trong mấy tháng qua.
Đồng rúp Nga giao dịch tại Moscow phiên vừa qua tăng trở lại mức 62 RUB/USD. Kết thúc phiên 3/6, rúp tăng 0,3% so với USD, lên 61,55 RUB, đồng thời cũng tăng 0,6% so với đồng euro, lên 65,11. Đồng rúp đã trở thành đồng tiền hoạt động tốt nhất thế giới trong năm nay.
Các nước EU đã đồng ý gói trừng phạt thứ sáu chống lại Nga do nước này thực hiện "hoạt động quân sự đặc biệt" ở Ukraine, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu đối với tất cả dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga trong vòng 6-8 tháng.
Hầu hết các loại tiền tệ ở châu Á, vốn đã chật vật để có được mức tăng trong tuần, đã mạnh lên trong phiên 3/6 khi những người tham gia thị trường chờ đợi dữ liệu việc làm quan trọng của Mỹ để biết thêm manh mối về lộ trình thắt chặt tiền tệ của Fed.
Đồng Rupiah tăng do Indonesia quyết định cấp giấy phép xuất khẩu dầu cọ sau khi dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vào tuần trước. Trong hi đó, các đồng tiền khác trong khu vực đồng loạt tăng.
Đồng Rupiah của Indonesia, đã tăng 0,7% vào thứ Năm, tăng thêm 0,4% trong phiên thứ Sáu (3/6) lên mức cao nhất kể từ ngày 27 tháng 4, trong khi đồng won của Hàn Quốc tăng 1% và lập kỷ lục với tuần tăng mạnh nhất kể từ giữa tháng Ba.
Các thị trường Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Thái Lan đã đóng cửa, làm giảm khối lượng giao dịch trên khắp châu Á.
Trong khi đó, Hàn Quốc công bố dữ liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng của nước này đã tăng 5,4% trong tháng 5 so với một năm trước do giá nguyên liệu và thực phẩm tăng trên toàn cầu, cao hơn mức dự đoán là 5,1% trong cuộc thăm dò của Reuters. Các nhà phân tích dự đoán Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc sẽ tăng lãi suất chính sách thêm 25 điểm cơ bản tại cả bốn cuộc họp còn lại trong năm nay.
Trên thị trường tiền điện tử, đồng Bitcoin (BTC) lúc kết thúc ngày 3/6 theo giờ Việt Nam giảm 2,6% so với lúc đóng cửa phiên liền trước, xuống 29.459 USD, trong bối cảnh đồng tiền số lớn nhất thế giới này tiếp tục chật vật vượt qua áp lực bán tháo.
BTC đang đối mặt với một "chu kỳ tìm đáy" kể từ đầu tháng 5, khi giá đồng tiền mã hóa có lúc xuống mức thấp là 26.700 USD. Một số chuyên gia bi quan cho rằng giá Bitcoin có thể tiếp tục giảm hơn 50% so với mức hiện tại, xuống còn 14.000 USD.
Giá vàng quay đầu giảm trong phiên vừa qua do USD mạnh lên và dữ liệu việc làm của Mỹ tốt hơn dự kiến khiến các nhà đầu tư vàng gia tăng lo ngại rằng Fed sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ một cách mạnh mẽ.
Giá vàng giao ngay kết thúc ngày 3/6 theo giờ Việt Nam giảm 0,7% xuống 1.855,20 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 8/2022 giảm 0,7% xuống 1.859,00 USD.
David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures cho biết: "Nếu Cục Dự trữ Liên bang nhận thấy nền kinh tế tiếp tục duy trì ổn định trong khi nỗ lực tăng lãi suất, họ có thể cảm thấy được khích lệ để tăng lãi suất với tốc độ nhanh hơn", mà lãi suất cao sẽ làm giảm sức hấp dẫn của vàng.
Trên thị trường trong nước, giá vàng ngày 3/6 tăng, do tác động từ giá thế giới ở phiên liền trước. Theo đó, giá vàng Doji niêm yết tại Hà Nội chiều 3/6 ở mức mua vào 68,70 triệu đồng/lượng (tăng 200.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm trước) - bán ra 69,65 triệu đồng/lượng (tăng 300.000 đồng/lượng); giá vàng Phú Quý - SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 68,85 triệu đồng/lượng - bán ra 69,95 triệu đồng/lượng (tăng 300.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán); vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 68,80 triệu đồng/lượng - bán ra 69,72 triệu đồng/lượng (tăng 250.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán).
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk