Uống nước vỉa hè thanh toán bằng QR

Chia sẻ Facebook
30/11/2022 11:10:11

Sức tăng trưởng mạnh của thanh toán điện tử đã giúp hình thức QR không chỉ phổ biến với các doanh nghiệp, chuỗi cửa hàng lớn, mà đã lan đến các hàng quán nhỏ lẻ.


Theo số liệu mới được công bố từ một mạng lưới trung gian thanh toán đầu ngành, giá trị thanh toán số bằng hình thức quét mã QR trong quý 3 năm nay đã tăng hơn 50% về giá trị so với quý trước

Quán nước nhà bà Thư (TP Hà Nội) nhận thanh toán qua mã QR cả năm nay, bà cho biết, giờ cứ 10 khách mua, có đến 5 người thanh toán số. Việc thiết lập mã thanh toán khá dễ với người lớn tuổi như bà, lại giúp quản lý thu chi thuận tiện hơn.


"Tiện lợi hơn nhiều, mình không phải đi đổi tiền lẻ. Thứ hai là vào tài khoản mình luôn, không phải kiểm tra, không bị thất thoát", bà Hoàng Anh Thư, chủ quán nước Hà Thư, TP Hà Nội, chia sẻ.

Trong quý 3, ngành thực phẩm - đồ uống cũng ghi nhận mức tăng trưởng về giá trị thanh toán qua mã QR lên đến 90% so với quý trước, mức tăng cao nhất trong các ngành. Còn xét toàn thị trường, thanh toán QR cũng tăng hơn 60% về số lượng và hơn 50% về giá trị trong quý 3.

Một quán trà đá nhận thanh toán qua mã QR. (Ảnh: Dân trí)


Các trung gian thanh toán lý giải, nguyên nhân lớn giúp mã QR ngày càng phổ biến là do chi phí rẻ, dễ tiếp cận, ngay cả với hàng quán nhỏ lẻ, vỉa hè...

"Để triển khai thanh toán QR không cần có máy POS. QR thì đơn giản, chỉ cần dán mã lên quầy hàng để khách scan thanh toán. Do không phải tốn chi phí về thiết lập hệ thống phần cứng nên phí xử lý thanh toán QR cũng rẻ hơn so với các hình thức thanh toán khác", bà Lê Thị Thuột, Giám đốc Kinh doanh, Công ty Cổ phần Payoo, cho biết.

Để thúc đẩy thanh toán số qua QR, các doanh nghiệp thanh toán cũng chạy đua triển khai nhiều hình thức mới. Đại diện Momo cho biết, một mặt cần duy trì các chương trình khuyến mãi quy mô lớn để kích thích thị trường, mặt khác cũng phải nhanh nhạy nắm bắt các xu hướng mới trong hành vi người dùng.

"Chúng tôi nhận thấy người dùng ngày càng sáng tạo hơn trong việc nhận tiền qua mã QR. Họ dùng QR để mừng cưới, nhắc nợ khéo... Đây cũng là hình thức mà chúng tôi sử dụng các nhóm cộng đồng, nhóm đối tác của khách hàng, tiểu thương, người vận chuyển để lan tỏa việc vận dụng QR trong đời sống", bà Nguyễn Linh Trang, Giám đốc Trung tâm Thanh toán và Dịch vụ hằng ngày, Ví MoMo, cho hay.


Thách thức với các trung gian thanh toán là thuyết phục các điểm bán, đặc biệt là hàng quán nhỏ không bỏ cuộc giữa quá trình chuyển đổi, phần nào gây áp lực nhất định về đầu tư chi phí, nhân lực cho doanh nghiệp.

Nhằm thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, dịch vụ thanh toán qua mã QR code khi nhận hàng, thay vì hình thức COD (kiểm hàng mới trả tiền), đang được đẩy mạnh triển khai.

Chia sẻ Facebook