Uống cỏ mực chữa suy thận: Tiền mất tật mang!
Trong Đông y, cỏ mực được xem là một vị thuốc có nhiều công dụng. Tuy nhiên, tác dụng chữa suy thận bằng cỏ mực chưa được chứng minh bằng khoa học.
Nguy kịch vì dùng cỏ mực chữa suy thận
Gần đây, một bệnh nhân 76 tuổi phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng sức khỏe nguy hiểm, tổn thương thận nặng, sau khi uống cỏ mực để trị bệnh suy thận theo hướng dẫn trên mạng.
Thông tin trên trang web của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, khoảng 10 ngày trước khi nhập viện cấp cứu, người bệnh đến khám ở một cơ sở y tế khác và được chẩn đoán tổn thương thận cấp trên nền bệnh có sẵn như tăng huyết áp, đái tháo đường, tai biến mạch máu não cũ, điều trị bằng thuốc tây tại nhà.
Ảnh minh họa.
Tìm hiểu trên mạng, bà cụ 76 tuổi tự uống thêm cỏ mực, mỗi ngày ép 200gr cây lấy nước uống, bên cạnh uống thuốc bác sĩ kê. Tuy nhiên, khi uống cỏ mực đến ngày thứ 9, tình trạng suy thận của bệnh nhân không thuyên giảm, lại kèm ói nhiều lần nên người nhà đưa bà tới Trung tâm Tiết niệu – Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cấp cứu.
Người bệnh nhập viện trong tình trạng ăn gì cũng buồn nôn, tiểu ít, phù, mệt, khó thở, được chẩn đoán tổn thương thận cấp trên nền bệnh thận mạn kèm hạ kali máu, lập tức truyền thuốc và kali, ổn định huyết áp. Sau hai ngày điều trị tích cực, các triệu chứng suy thận thuyên giảm, chức năng thận cải thiện hơn, tiểu khá hơn.
Bác sĩ CKII Võ Thị Kim Thanh, Phó khoa Nội thận, Trung tâm Tiết niệu – Thận học, BVĐK Tâm Anh TP HCM cho biết về trường hợp này: “Việc dùng cỏ mực khiến tình trạng thận đã tổn thương bị tổn thương nặng nề hơn. Vài ngày tới nếu đáp ứng điều trị bằng thuốc ít, chức năng thận không phục hồi tốt hơn, người bệnh sẽ phải lọc máu”.
Trước đó, vào tháng 9/2022, một bệnh nhân nam ở Sóc Trăng cũng nguy kịch sau khi tự ý dùng bài thuốc nam, trong đó có cỏ mực, để trị suy thận.
Theo VTV, bài thuốc nam này gồm cỏ mực và nhiều lá thuốc không rõ loại. Sau khi uống xong, người bệnh có biểu hiện mệt, chóng mặt, ăn khó tiêu, người sưng phù.
Sau 2 ngày được điều trị, tình trạng người bệnh tốt, chỉ số sinh hiệu ổn định. Ảnh: VOV.
Qua thăm khám và thực hiện cận lâm sàng: Kết quả các chỉ số xét nghiệm Hb 6.6 g/dL (chỉ số bình thường 14.5g/dL); Creatinin máu 9.4mg/dL (chỉ số bình thường 0.7-1.2mg/dL); Ure máu 188mg/dL (chỉ số bình thường 10.2- 49.8 mg/dL). Bệnh nhân được chẩn đoán đợt cấp suy thận mạn, thiếu máu mạn mức độ nặng, tăng huyết áp.
Ngay lập tức, các bác sĩ đã xử trí cấp cứu, truyền máu, dùng các loại thuốc hỗ trợ và bảo vệ thận để cứu sống người bệnh trong tình trạng nguy kịch. Phải mất 2 ngày điều trị, tình trạng người bệnh mới ổn định, sau đó được xuất viện.
Cỏ mực có chữa được suy thận?
Cỏ mực còn được dân gian gọi là cỏ nhọ nồi, hạn liên thảo, là cây thuộc họ cúc, mọc thẳng đứng, thân có lông cứng và có thể cao tới 80cm. Lá cỏ mực mọc đối nhau, có lông ở cả 2 mặt, lá hình thuôn dài, không rộng. Hoa hình cụm như chiếc ô có màu trắng mọc ở kẽ lá hoặc đầu cành. Quả bế 3 cạnh hoặc hình dẹt, có cánh, đầu cụt và khá nhỏ. Sở dĩ được gọi là cỏ mực vì khi vò nát, nước chảy ra có màu đen.
Ảnh minh họa.