Ước mơ tóc dài của cô bé lớp 2
Sơn LaThấy em gái chải tóc, thắt nơ, Kim Anh sờ lên đầu thắc mắc: "Sao tóc con không dài như em nhỉ". Bố em bảo "ngắn cho mát" nhưng anh chợt nhận ra vẫn đang mùa lạnh.
Có người bảo anh Hải, con thích thì mua cho bộ tóc giả. Anh biết nhưng mãi chưa làm được bởi còn nhiều thứ khác cần chi hơn. "Không có tóc thì vẫn sống được, nhưng thiếu tiền đi viện thì không xong", anh giải thích.
Anh Nguyễn Văn Hải, 40 tuổi, ở bản Yên Thi, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu làm thợ xây, mỗi ngày kiếm hơn 300 nghìn đồng. Chị Thức, 27 tuổi, vợ anh ngày ngày đi bỏ phân, nhổ cỏ thuê cho dân quanh bản. Bốn năm trước, anh vay 40 triệu đồng sắm cốp pha, thiết bị xây dựng, lập tổ thợ khởi nghiệp. Chăm chỉ làm ăn, anh chị tin có thể làm trả nợ, nuôi ba đứa con khôn lớn trong no đủ. Nhưng nợ chưa trả hết, trận sốt của con gái lớn đã làm đảo lộn tất cả.
"Tôi rờ khắp người con, chỗ đâu cũng thấy hạch. Con kêu đau tay, đau chân, thi thoảng lại sốt", chị Thức nói. Đầu năm 2019, chị gửi con út vừa sinh cho bà ngoại, hai vợ chồng đưa Kim Anh đi viện huyện, tỉnh rồi bệnh viện Nhi Trung ương. Hôm ở Hà Nội. bác sĩ gọi riêng anh Hải vào phòng. Trời đất như đổ sụp khi biết con bị ung thư máu, nhưng lo vợ đổ bệnh theo, anh giấu chị.
Hai tháng sau đó, tình cờ đọc hóa đơn tiền thuốc, người mẹ dân tộc Thái mới biết Kim Anh mắc bệnh gì. "Tôi chỉ biết lúc đó chân đi không vững", chị mô tả đơn giản. Bà nội, bà ngoại đều đã ngoài 70. Không thể gửi con mãi, chị đành để chồng ở lại còn mình về chăm hai đứa nhỏ.
Kim Anh không biết bệnh của nó. Thấy các bạn nằm cùng phòng bệnh cũng trọc đầu như mình, cô bé không có ai để so sánh. Những lúc chọc kim lấy tủy xét nghiệm, đau, em khóc không thành tiếng. Mỗi lần truyền hóa chất, bé nôn thốc tháo. Người cha thợ xây chỉ biết lấy bàn tay thô ráp, vỗ nhẹ vào lưng con.
Mỗi lần cơn đau kéo đến, Kim Anh thường ngước đôi mắt đờ đẫn hỏi: "Bao giờ con mới hết bệnh để không phải đến viện nữa bố". Anh Hải bảo đó là câu hỏi khó nhất trên đời, khi biết đáp án mà chẳng thể trả lời con.
Kim Anh đi viện được hưởng bảo hiểm 100%, nhưng tiền ăn uống, sinh hoạt tiền thuốc ngoài bảo hiểm trong những ngày con điều trị khiến khoản nợ của hai vợ chồng ngày càng dày thêm. Túng thiếu lại không quen ngồi không, anh vừa chăm con vừa cố tìm việc làm thuê. Nhưng Covid bùng phát, không dễ để anh ra vào cổng viện, chưa nói đến tìm một công việc.
"Sáu tháng đầu họ hàng giúp đỡ, nhưng nay phải vay mượn khiến nợ chồng lên nợ", anh kể.
Để có thêm chút thu nhập, mỗi lần con gái về nhà, ngoài đi làm thợ ban ngày, anh Hải đi bốc vác ban đêm. Ca làm việc từ 8h khuya đến nửa đêm được khoảng vài trăm nghìn đồng. Chị Thức cũng lên mạng tập bán hàng online, bên cạnh làm thuê.
Ông Nguyễn Đức Mạnh, trưởng bản Yên Thi cho biết, vợ chồng anh Hải vốn chăm chỉ làm ăn, nhưng vì con ốm mới lâm cảnh túng thiếu. "Mấy năm nay, ở địa phương có đợt hỗ trợ nào chúng tôi cũng lưu tâm gia đình anh ấy đầu tiên. Thế nhưng vì điều kiện kinh tế địa phương, đa phần các tổ chức chỉ động viên tinh thần, có thăm hỏi, giúp đỡ cũng chỉ vài trăm nghìn", ông Mạnh nói. Từ năm 2021, gia đình anh Hải là một trong 21 hộ nghèo ở bản.
Cũng vì bận mưu sinh, vợ chồng chị Thức chẳng có thời gian dạy Kim Anh học. Ở viện, bé tham gia lớp học tình thương tuần một buổi. Cứ mỗi lần hết đợt điều trị viện về nhà, Kim Anh đòi bố đèo đến lớp.
Đi được hai hôm, cô bé về khóc với bố mẹ: "Các bạn biết đọc chữ hết rồi. Còn con không biết đọc", rồi ở nhà luôn. Kim Anh năm nay lên lớp hai, nhưng hiện mới thuộc bảng chữ cái. "Đến lúc khỏe lại, tóc dài ra, con sẽ đi học cùng em cũng được", Kim Anh nói với bố mẹ, như tự an ủi mình.
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của quý vị là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Mời xem thông tin về chương trình tại đây .
Phạm Nga