Ứng xử ra sao với hành vi 'khoe thân' ở phố cổ?

Chia sẻ Facebook
08/04/2022 11:34:58

Việc một nữ du khách quốc tịch Malaysia "mặc mát mẻ" khi thả hoa đăng trên sông Hoài, Hội An (Quảng Nam) một lần nữa làm dậy sóng mạng những ngày qua.

Đoàn du khách nước ngoài ăn mặc phù hợp khi đến tham quan các điểm thờ tự trang nghiêm ở Hội An - Ảnh: LINH TRANG


Trước đó, dư luận cũng từng phản đối một số du khách ăn mặc phản cảm khi tới phố cổ này. Chuyện trang phục nên được ứng xử ra sao tại một địa điểm du lịch văn hóa như Hội An?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Sự - nguyên bí thư Thành ủy Hội An, người có nhiều tâm huyết bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phố cổ - cho rằng:

- Không phải riêng Hội An người ta mới chụp ảnh rồi đăng Facebook mà đa số các trường hợp ồn ào trên mạng xã hội vì hành vi ăn mặc hở hang khi tới phố cổ du lịch họ cũng có thể đã từng ăn mặc, hành xử như thế ở các địa điểm khác.

Nhưng vì sao tới Hội An lại ồn ào? Đó là vì Hội An là một điểm đến không chỉ nổi tiếng cả thế giới mà có phần thiêng liêng, có những di tích thiêng liêng. Trong thâm tâm mỗi người, Hội An là cái gì đó thuộc về chiều sâu, nền nếp, chuẩn mực.

Ông Nguyễn Sự - nguyên bí thư Thành ủy Hội An

* Nhiều lần sự việc "dậy sóng" ở Hội An nhưng xảy ra ở các nơi khác lại là điều bình thường. Nhiều người nói vui rằng người Hội An hơi... khó tính?

- Tôi nghĩ nói như thế cũng không phải không có lý. Người Hội An có tính cộng đồng cao, một tính cách khá đặc biệt, cũng nhờ một phần như thế mà phố cổ được giữ nguyên vẹn tới ngày hôm nay.

Khi một hành vi được xem là lệch chuẩn, trái ngược với thứ thường thấy xảy ra ở Hội An thì người ta lên tiếng ngay chứ không ngại gì.

Không chỉ người Hội An, gần như cả cộng đồng du lịch, du khách đều lên tiếng gay gắt trước các sự việc phản cảm.

Người ta thấy buồn, giận dữ khi Hội An bị tổn thương, bị hành xử không đúng. Tất cả cũng vì yêu quý phố cổ, coi phố cổ như tình yêu, tài sản nên mới không muốn thứ mình yêu vốn mong manh bị làm tổn thương.

* Dư luận lên tiếng, chính quyền cũng vào cuộc xác minh các vụ việc " khoe thân " ở phố cổ. Thực tế Hội An là một điểm đến, ăn mặc kín đáo hay hở bạo là điều rất khó để cấm đoán?

- Việc đi tìm hiểu, xác minh xem thực hư ra sao là cái phải làm, còn sau đó thì xử lý, nhắc nhở hay không lại là câu chuyện khác. Hội An hay bất cứ điểm đến nào cũng thế, cái gì mà ở đó đã trở thành nề nếp, là cái đã được chấp nhận và xử sự chung từ lâu nay thì chúng ta phải giữ.

Hành vi ăn mặc lõa lồ, chụp ảnh phản cảm tuy không vi phạm pháp luật nhưng dư luận vẫn phản đối, chính quyền vẫn xác minh tìm hiểu.


Cả hai thứ này đều cho thấy rằng cả chính quyền, người dân lẫn khách du lịch đều có trách nhiệm gìn giữ không gian cổ kính, nghiêm trang vì Hội An chứ không phải vì điều gì khác.

Vụ việc của cô du khách Malaysia xảy ra vừa qua dù chính quyền không xử phạt hay chế tài nhưng dư luận lên tiếng, yêu cầu người trong cuộc điều chỉnh thì đó cũng như là một bài học rồi.

Bản thân nữ du khách cũng hiểu ra câu chuyện và viết lời xin lỗi, đính chính trên trang cá nhân.

* Thưa ông, cũng có người cho rằng Hội An nên chấp nhận các hành vi như vừa rồi là một phần tất yếu của một đô thị du lịch?

- Hội An là một điểm đến mà mỗi năm thu hút hàng triệu người tới. Từ xưa đến giờ vẫn có các vụ việc tương tự, chính quyền đều vào cuộc xác minh, tuyên truyền nâng cao ý thức chung.

Trước đây khi tôi còn làm lãnh đạo thành phố cũng từng có những sự việc như thế, khách Tây họ ăn mặc rất thoải mái, để lộ các vùng nhạy cảm trên cơ thể khi tới các di tích, đình chùa.


Mình không cực đoan coi đó là lệch chuẩn, hay thiếu tôn trọng điểm đến mà giải thích cho họ văn hóa ở Việt Nam có những nơi linh thiêng thì cần kín đáo. Du khách đều rất vui vẻ, lần sau họ lại càng thích quay trở lại.


Nhiều người xin lỗi sau khi "hở bạo" ở phố cổ

Nữ du khách Malaysia khoe “vòng 3” trên sông Hoài, Hội An và gây ồn ào mạng

Ngày 5-4, cộng đồng mạng phẫn nộ trước tấm ảnh một nữ du khách đến từ Malaysia đi thuyền trên sông Hoài trong phố cổ. Trong tư thế ngồi thả đèn hoa đăng, nữ du khách này mặc áo dài, phần dưới lưng chỉ mặc nội y, phô diễn các vùng nhạy cảm trên cơ thể.

Bức ảnh được chính chủ nhân đăng lên Facebook đã ngay lập tức nhận được hàng trăm ngàn lượt bình luận, phần lớn là chê trách, yêu cầu gỡ ảnh và lên tiếng xin lỗi.

Hai hôm sau, bức ảnh này được tháo xuống, nữ du khách viết status xin lỗi, gỡ ảnh đồng thời giải thích rằng chưa tìm hiểu kỹ văn hóa Việt Nam nên đã có những hành vi chưa đúng mực.

Trước đó từng có rất nhiều vụ việc khách ăn mặc hở hang khi tới Hội An du lịch và rồi dậy sóng mạng. Không chỉ chủ nhân gỡ ảnh, xin lỗi mà chủ các hàng quán phục vụ khách ăn mặc hở hang cũng phải "vạ lây", phải trần tình xin lỗi khi bị dân mạng chỉ trích.


Không đại diện cho đặc trưng văn hóa một quốc gia

Vụ việc nữ du khách ở Malaysia có hành vi khoe thân tại phố cổ Hội An không thể tiếp cận theo góc độ văn hóa, tính cách của một vùng đất nào. Trong văn hóa Á Đông, những chuẩn mực chung về ứng xử, ăn mặc, nói năng đều khắt khe hơn so với người châu Âu.

Dù một số quốc gia trong khu vực được cho là "thoáng" hơn, nhưng không có nghĩa họ ăn mặc thoải mái, vô tư cư xử khi đến một vùng đất khác.

Câu chuyện của nữ du khách kia chỉ là một hành vi cụ thể của một cá nhân, ở đâu cũng có một vài người có những thói quen như thế và sẽ không được phần đông cộng đồng chấp nhận.

Bởi đó không phải là văn hóa, không phải là đặc trưng vùng miền, đó đơn thuần chỉ là ý thức của một cá nhân.

TS Lê Thị Anh Đào

(trưởng bộ môn Đông Phương Học, khoa lịch sử - Trường ĐH Khoa học Huế)

Phố cổ Hội An lại một lần nữa "dậy sóng" sau nhiều ồn ào gần đây. Việc một cô gái được cho là "người mẫu" chụp hình bán thân trên không gian phố cổ đang gây bức xúc, các ý kiến đề nghị xử phạt hành vi "phản cảm" này.

Chia sẻ Facebook