Ung thư xương hay gặp ở lứa tuổi nào?

Chia sẻ Facebook
21/05/2023 08:21:43

Theo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, ung thư xương nguyên phát hay gặp ở lứa tuổi từ 1-12 tuổi, chiếm 0,2 % trong tất cả các loại ung thư nguyên phát, đứng thứ 6 trong tất cả các loại ung thư nguyên phát ở trẻ em.

Theo PGS.TS Dương Đình Toàn, Phó trưởng Khoa Khám xương và Điều trị ngoại trú, Bệnh viện Việt Đức, ung thư xương có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt ở những người trẻ.

Tại Mỹ, tỷ lệ ung thư xương nguyên phát được chẩn đoán hàng năm là 3.300 ca, trong đó phân nửa số ca tử vong ở năm đầu tiên sau khi phát hiện bệnh.

Đau là triệu chứng phổ biến khiến người bệnh quan tâm đến bệnh và đi khám. Ban đầu đau không khẳng định, có thể tăng, cũng có thể giảm hoặc mất đi theo thời gian, về sau đau âm ỉ liên tục, đau tăng nhiều về đêm và không đáp ứng với các thuốc giảm đau thông thường. Đau có thể liên quan hoặc không liên quan đến vận động.

Có người sờ thấy một hoặc nhiều khối u ở một vùng hoặc tại nhiều vị trí khác nhau. Biểu hiện bệnh rõ hơn khi người bệnh sốt, gầy sụt cân, thay đổi màu sắc da, nổi hạch bạch huyết.

Tập thể dục đều đặn làm giảm nguy cơ mắc ung thư xương.

Ung thư xương nguyên phát 50% các tổn thương xuất hiện vùng quanh gối của trẻ em và người trẻ. Ngoài ra, tổn thương có thể ở các vị trí khác như đầu trên xương đùi, đầu trên xương cánh tay, xương chậu. 90% ung thư xương thể nội tuỷ có độ ác tính cao, phá huỷ thành xương, xâm lấn phần mềm tạo thành khối phần mềm lân cận. Tỷ lệ di căn phổi khoảng 10-20%.

Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị ung thư xương. Theo BS Toàn, khi khối u còn khu trú, nên cắt đoạn xương. Phương pháp thứ hai là điều trị hoá chất để làm hoại tử tế bào ung thư, nhiều trường hợp có thể phá huỷ đến 80-90% khối u. Điều trị hoá chất tỷ lệ sống sau 5 năm có thể lên tới 50%.

Cắt cụt khi khối u xâm lấn phần mềm lan rộng. Tỷ lệ sống trên 5 năm chỉ khoảng 20%, thường bệnh nhân tử vong do di căn phổi.

Với độ ác tính cao, nhưng ung thư xương hiện chưa có phương pháp phòng ngừa đặc hiệu. Theo khuyến cáo của các bác sĩ, người dân nên ăn uống hợp lý như: Ăn nhiều trái cây, rau xanh, hạn chế các thức ăn chứa nhiều chất béo; cung cấp đủ canxi cho cơ thể.

Tập thể dục thể thao thường xuyên. Tránh tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời mạnh. Tránh tiếp xúc với tia phóng xạ, các hóa chất độc hại

Nếu gia đình có người thân mắc ung thư xương cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm.

Chia sẻ Facebook