Ung thư vòm họng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh

Chia sẻ Facebook
10/12/2022 00:08:14

Ung thư vòm họng là một căn bệnh rất nguy hiểm, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý đường hô hấp nên khi phát hiện bệnh thường đã ở giai đoạn muộn và diễn biến nhanh chóng.


Theo Bệnh viện K, ở Việt Nam, tỷ lệ người mắc ung thư vòm họng là 12%, chiếm một tỷ lệ khá cao so với các bệnh ung thư khác. Trong số đó có tới 70% bệnh nhân mắc ung thư vòm họng phát hiện bệnh ở giai đoạn cuối khiến cho việc điều trị trở nên rất khó khăn.

Ung thư vòm họng thường xuất hiện ở nam giới. Đây cũng là dạng ung thư phổ biến nhất ở nước ta trong những năm gần đây.


Dưới đây là tổng quan về nguyên nhân, triệu chứng của bệnh, các phương pháp điều trị và phòng tránh căn bệnh này của Bệnh viện K.


Nguyên nhân gây ung thư vòm họng

Vòm họng là phần cao nhất của họng. Hiện nay, các nhà khoa học chưa thể xác định chính xác nguyên nhân dẫn đến loại bệnh ung thư này. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những người nhiễm virus Epsstein - Barr thường có nguy cơ nhiễm ung thư vòm họng cao hơn.

Tuy chưa xác định được nguyên nhân chính xác, nhưng những người sử dụng nhiều bia rượu, hút thuốc lá hoặc ăn nhiều loại đồ ăn lên men như dưa muối là những đối tượng dễ mắc loại bệnh ung thư nguy hiểm này.

Ung thư vòm họng xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là ở nam giới từ 40 đến 60 tuổi.


Triệu chứng của ung thư vòm họng

Thực tế cho thấy phát hiện sớm là yếu tố quyết định đến hiệu quả điều trị ung thư nói chung, ung thư vòm họng nói riêng. Tuy nhiên, do những biểu hiện không rõ ràng nên bệnh nhân ung thư vòm họng đa số chỉ được phát hiện ở giai đoạn cuối. Dù vậy, nếu gặp các biểu hiện sau, chúng ta cần nghĩ đến bệnh ung thư vòm họng:

- Đau họng kéo dài trên một tuần, uống thuốc không hiệu quả.

- Ngạt mũi, tắc mũi kéo dài.

- Khó nghe, khó nói, tự nhiên bị chảy máu cam, khó thở.

- Nổi những hạch bất thường ở khu vực vòm họng kèm theo đau nửa đầu.

Nếu có những biểu trên, cần đến ngay các cơ sở y tế để kiểm tra và phát hiện bệnh sớm nhằm có phương án điều trị hiệu quả.


Chẩn đoán ung thư vòm họng

Khi theo dõi bệnh phát hiện các triệu chứng với tính chất đặc trưng được nêu ở trên thì nên đi khám và tầm soát ung thư vòm họng. Khi đi khám cần nói rõ các triệu chứng, đặc biệt là các triệu chứng phân biệt liên quan đến ung thư vòm họng để bác sĩ dễ dàng hơn trong việc phát hiện và đưa ra chỉ định điều trị.

Thăm khám: Bác sĩ sẽ tiến hành quan sát từ đầu tới cổ để kiểm tra xem các hạch. Sau đó, người khám được đề nghị há miệng ra để thăm khám các cơ quan trong miệng như lưỡi, vòm họng.

Nội soi họng: Sử dụng các dụng cụ nội soi chuyên dụng để phát hiện các bất thường trong vòm họng. Khối u phát triển lớn thường gây ra tổn thương cho các tế bào khỏe mạnh, làm các tế bào này sưng lên. Nội soi cổ họng có thể giúp phát hiện vị trí và kích thước khối u.

Chụp X-Quang: Từ hình ảnh chụp X-quang có thể xác định các chi tiết liên quan đến khối u như kích thước, hình dạng và mức độ tác động tới các mô mềm. Ngoài ra, để giúp xác định chính xác hơn, các chỉ định chụp CT cắt lớp, siêu âm có thể được đưa ra.


Cách phòng tránh ung thư vòm họng

Do chưa xác định rõ nguyên nhân gây bệnh nên rất khó để đưa ra các biện pháp phòng tránh tốt nhất. Tuy nhiên, dựa trên đối tượng mắc bệnh thường là những người hay uống rượu, hút thuốc hoặc ăn các đồ ăn lên men, chúng ta có thể phòng tránh bệnh ung thư vòm họng bằng 1 số lưu ý như sau:

- Kiêng hoàn toàn thuốc lá, rượu bia và các đồ uống có cồn, có gas.

- Không ăn thức ăn mặn, thức ăn muối như thịt muối, cá muối, thức ăn lên men như dưa muối, cà muối.

- Không ăn đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh.

- Tập thể dục thể thao để tăng sức sức khỏe và tăng sức đề kháng cho cơ thể.


Cách điều trị ung thư vòm họng

Tùy vào từng giai đoạn của bệnh mà bác sĩ đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp. Hiện nay, phương pháp điều trị ung thư vòm họng phổ biến là xạ trị và hóa trị liệu. Đối với những bệnh nhân ung thư vòm họng ở giai đoạn cuối, việc điều trị chỉ có ý nghĩa nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.

Nên cho bệnh nhân ăn các đồ ăn lỏng, dễ nuốt nhưng đảm bảo chất dinh dưỡng.

Sau khi thực hiện điều trị bằng xạ trị hoặc hóa trị liệu, bệnh nhân cần thường xuyên luyện tập há miệng và xoa bóp vùng cổ để giảm tác dụng phụ của các phương pháp điều trị kể trên.

Theo một nghiên cứu ở Mỹ năm 2010, số người sống sót sau 5 năm phát hiện ung thư vòm họng ở giai đoạn 1 là 72%, phát hiện ở giai đoạn 2 là 64%, phát hiện ở giai đoạn 3 là 62% và ở giai đoạn 4 là 38%. Tuy nhiên, tùy theo thể trạng và tâm lý của bệnh nhân mà thời gian sống của họ có thể khác nhau.

Chia sẻ Facebook