Ung thư phổi - Những hiểu lầm thường gặp
Ung thư phổi là một trong những bệnh lý ung thư thường gặp nhất. Theo Globocan 2020, ung thư phổi đứng hàng đầu về tỷ lệ mắc và tử vong trên toàn thế giới.
Theo Bệnh viện K, tại Việt Nam năm 2020, ung thư phổi là nguyên nhân dẫn đến 23.667 số ca mắc mới (14,4%) và 20.710 số ca tử vong (18%) hàng năm, đứng hàng thứ 2 chỉ sau ung thư gan. Tuy là bệnh lý thường gặp nhưng vẫn có rất nhiều những hiểu lầm về ung thư phổi cần được làm rõ.
Dưới đây là những hiểu lầm mà các bác sĩ Bệnh viện K chỉ ra:
Nếu không hút thuốc, bạn sẽ không mắc ung thư phổi
Đa số ung thư phổi có liên quan đến tiền sử hút thuốc lá, khói thuốc lá chứa hơn 7000 chất hóa học, ít nhất 250 chất đã được biết là gây hại tới sức khỏe. Trong 250 chất này, có ít nhất 69 chất gây ung thư 2. Tuy nhiên có khoảng 10-15% các bệnh nhân ung thư phổi chưa từng hút thuốc lá.
Trong một nghiên cứu gần đây, các tác giả tổng hợp trên gần 130.000 bệnh nhân ung thư phổi được chẩn đoán từ năm 2011-2016 tại Mỹ, kết quả cho thấy, tại thời điểm chẩn đoán ung thư phổi có đến 15,7% các bệnh nhân nữ và 9,6% các bệnh nhân nam chưa từng hút thuốc lá.
Tại Việt Nam, phần nhiều phụ nữ không có thói quen hút thuốc lá, tuy nhiên năm 2018 cũng có tới gần 7.000 ca ung thư phổi mới phát hiện ở nữ giới. Như vậy có thể thấy hút thuốc là làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi, và nhiều người dù không hút thuốc nhưng có tiếp xúc khói thuốc hay hút thuốc lá thụ động cũng vẫn mắc căn bệnh này.
Không có biện pháp nào giúp sàng lọc ung thư phổi
Sàng lọc ung thư nói chung là biện pháp giúp phát hiện ung thư tiềm ẩn hay thương tổn tiền ung thư để điều trị sớm, với mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong do ung thư. Chúng ta đã có những biện pháp sàng lọc rất hữu hiệu đối với một số bệnh ung thư, ví dụ như khám lâm sàng và chụp X-quang tuyến vú trong sàng lọc ung thư vú, làm phiến đồ cổ tử cung trong sàng lọc ung thư cổ tử cung…
Trong bệnh lý ung thư phổi, để sàng lọc - phát hiện sớm ung thư phổi, chụp cắt lớp vi tính đa dãy liều thấp (low-dose CT scan) giúp giảm tới 20% tỷ lệ tử vong do ung thư phổi. Đây là hình thức chụp cắt lớp vi tính đa dãy không tiêm thuốc, với liều thấp (mức liều 1.5 mSv so với chụp cắt lớp vi tính thông thường là 8mSv) đảm bảo giảm phơi nhiễm với tia X, đồng thời có thể phát hiện được các tổn thương nhỏ trong nhu mô phổi.
Các đối tượng nguy cơ cao dưới đây nên sàng lọc ung thư phổi: tuổi từ 55-74, có thể trạng tốt và đang hút thuốc lá (hoặc mới bỏ thuốc lá chưa đến 15 năm) và tiền sử hút thuốc lá lâu năm, tần suất lặp lại nhiều như 1 bao/ngày.
Ngoài phương án chụp CT liều thấp được liệt kê phía trên, thì tất cả các phương án khác bao gồm: chụp X-quang, làm xét nghiệm trên đờm, xét nghiệm các chỉ điểm ung thư trong máu… đều chưa chứng minh được lợi ích trong việc sàng lọc ung thư phổi cũng như giảm tỷ lệ tử vong do ung thư phổi.
Chẩn đoán ung thư phổi đồng nghĩa với án tử
Đối với nhiều người, việc phát hiện ung thư phổi khiến tâm lý suy sụp và nghĩ rằng "án tử" đang tới rất gần. Thực tế không phải như vậy, đối với ung thư phổi giai đoạn sớm, tỷ lệ sống trên 5 năm của bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn IA, IB, IIA, IIB lần lượt là 85%, 72%, 65% và 56%5.
Ngay cả đối với bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn IV, với những tiến bộ gần đây, có nhiều bệnh nhân vẫn đạt được sống thêm lâu dài và có chất lượng cuộc sống tốt, ít độc tính mắc phải do điều trị.
Như vậy, ung thư phổi không phải là bản án tử dành cho bệnh nhân. Tuy nhiên, cũng không nên có thái độ bất cần, coi thường bệnh ung thư; bởi lẽ càng phát hiện sớm, điều trị sớm càng giúp tăng hiệu quả của điều trị.
Động dao kéo làm tăng nhanh di căn và dẫn đến tử vong sớm
Đây là một hiểu lầm phổ biến, không chỉ gặp trong ung thư phổi mà còn gặp trong rất nhiều bệnh lý ung thư khác. Trong khi thực tế hoàn toàn ngược lại, đối với đa số các loại ung thư, phẫu thuật là phương pháp điều trị quan trọng nhất để cứu chữa bệnh nhân ung thư ở giai đoạn sớm. Hậu quả của hiểu lầm này cũng rất nguy hiểm, tai hại, bệnh nhân sợ hãi và trốn tránh phẫu thuật, thử dùng thuốc này thuốc kia các nơi, khi bệnh đã nặng mới vào viện, thời điểm vàng của quá trình điều trị đã trôi qua, thời cơ chữa khỏi bệnh bằng phẫu thuật đã mất.
Tuy nhiên, vấn đề gì cũng có hai mặt, nếu phẫu thuật không đạt được triệt căn, không tuân thủ theo các nguyên tắc phẫu thuật ung thư; thì chúng ta đã gặp thất bại bước đầu trong điều trị, mà đôi khi sẽ dẫn đến khó khăn cho những điều trị tiếp theo bởi sự suy giảm về thể trạng bệnh nhân sau phẫu thuật. Đừng ngần ngại thảo luận với bác sĩ điều trị của bạn về những lợi ích, nguy cơ của cuộc phẫu thuật.
Không có thành công nào mà dễ dàng xảy đến, không có phương án điều trị nào mà không có nguy cơ tai biến, đừng sợ hãi cuộc phẫu thuật mà hãy trao đổi với bác sĩ và lựa chọn cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để sẵn sàng hơn cho điều trị, bởi trong cuộc chiến chống ung thư thì người thầy thuốc và bệnh nhân là trên cùng một chiến tuyến!
Tôi đã quá nhiều tuổi nên không điều trị được ung thư phổi
Nhiều bệnh nhân ung thư phổi lớn tuổi khá băn khoăn liệu mình có thể điều trị được, liệu mình có chịu đựng được các tác dụng phụ của điều trị. Riêng yếu tố về tuổi là chưa đủ để đánh giá đầy đủ về sức khỏe chung của một bệnh nhân. Bên cạnh tuổi, đó là thể trạng chung của bệnh nhân, khả năng hoạt động thể lực và thực hiện các sinh hoạt thường ngày, các bệnh lý kèm theo…
Trong bệnh lý ung thư phổi, bên cạnh những điều trị kinh điển (phẫu thuật, hóa chất, xạ trị), với những tiến bộ gần đây về điều trị đích và điều trị miễn dịch - đây là 2 phương án điều trị toàn thân có ít tác dụng phụ và hoàn toàn có thể điều trị trên nhóm bệnh nhân cao tuổi. Chính vì vậy, các bệnh nhân lớn tuổi đừng quá lo lắng, riêng một mình yếu tố tuổi tác không phải là chống chỉ định của điều trị ung thư phổi, hãy tin tưởng và cùng thảo luận với bác sĩ điều trị của bạn.
Trên đây là 5 hiểu lầm thường gặp trong bệnh lý ung thư phổi, hy vọng sẽ giúp nhiều bạn đọc giải đáp phần nào các thắc mắc. Để phòng tránh cũng như phát hiện sớm ung thư phổi, hãy nói không với hút thuốc lá, thực hiện sàng lọc ung thư phổi bằng chụp cắt lớp vi tính đa dãy liều thấp đối với các trường hợp nguy cơ cao.
Khi được chẩn đoán ung thư phổi, các bạn hãy bình tĩnh, đừng vội suy sụp bởi ung thư phổi không phải là án tử, còn rất nhiều phương án điều trị có thể giúp bạn. Đừng ngần ngại thảo luận với bác sĩ điều trị của bạn, luôn nhớ rằng: trong cuộc chiến chống ung thư thì người thầy thuốc và bệnh nhân là cùng một chiến tuyến, cùng nhau chiến đấu chống lại, chiến thắng bệnh tật.